Từ khi bị tạm giam, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã bị giảm bao nhiêu tiền?

Với đà giảm mạnh của cổ phiếu nhóm FLC trong thời gian qua, khối tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ cũng ghi nhận mức giảm mạnh kể từ khi bị tạm giam.

Trong phiên cuối tuần (6/5), chỉ số VN-Index giảm 31,42 điểm, kết phiên ở mức 1.329,26 điểm; HNX-Index giảm 15,29 điểm, xuống mức 343,46 điểm. Xét cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 37,54 điểm (-2,75%); HNX-Index giảm 22,37 điểm (-6,11%).

Ở 3 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5, nhiều cổ phiếu trong nhóm  FLC liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết – người đã bị bắt tạm giam từ ngày 29/3 để phục vụ điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán cũng ghi nhận mức giảm mạnh.

Trong đó, FLC của CTCP Tập đoàn FLC ghi nhận mức giảm 17,46% so với giá kết thúc của tuần trước khi đóng cửa ở mức giá 7.280 đồng/cổ phiếu. Mã cổ phiếu ART của CTCP Chứng khoán BOS giảm 16,44% để đóng cửa ở mức giá 6.100 đồng/cổ phiếu. ROS của CTCP Xây dựng FLC FAROS cũng ghi nhận mức giảm hơn 8% so với tuần liền trước để đóng cửa ở mức giá 4.870 đồng/cổ phiếu.

So với thời điểm ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam vào tối ngày 29/3 để phục vụ điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán, mã cổ phiếu FLC đã ghi nhận mức giảm 42,4%, ROS ghi nhận mức giảm 43,4%, trong khi ART cũng ghi nhận mức giảm 37,1%.

Khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ đến ngày 6/5 đã bị giảm hơn 1.200 tỷ đồng kể từ khi bị bắt tạm giam

Khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết nắm giữ đến ngày 6/5 đã bị giảm hơn 1.200 tỷ đồng kể từ khi bị bắt tạm giam

Chỉ có duy nhất GAB của CTCP Đầu tư khai khoáng & Quản lý tài sản FLC không phát sinh giao dịch suốt từ ngày 28/3 đến nay nên vẫn đứng ở mức giá 196.400 đồng/cổ phiếu.

Với đà giảm của FLC, ROS và ART, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết cũng đã ghi nhận mức giảm mạnh kể từ khi bị bắt tạm giam đến nay.

Cụ thể, tính đến ngày 6/5 khối tài sản của ông Quyết đang nắm giữ tính theo giá thị trường đã bị giảm 1.257 tỷ đồng (so với thời điểm ngày 29/3) xuống chỉ còn 3.198 tỷ đồng. Trong đó, khối tài sản của ông Quyết nắm giữ tập trung ở GAB với 1.495 tỷ đồng và FLC có giá trị 1.568 tỷ đồng. Trong khi giá trị tại ROS còn 115 tỷ đồng và ART còn hơn 19 tỷ đồng.

Ngày 06/05 vừa qua, CTCP Tập đoàn FLC đã gửi tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM 326 trang tài liệu chứa các thông tin cần cải chính và công bố bổ sung theo quyết định xử phạt ngày 24/03/2022.

Trong hơn 300 trang tài liệu này, FLC cũng công bố bổ sung 51 nghị quyết HĐQT về giao dịch giữa FLC với các bên liên quan giai đoạn từ 24/3/2020 đến 13/5/2021. Nội dung của các nghị quyết HĐQT chủ yếu là về việc FLC đứng ra bảo đảm, bảo lãnh cho các nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp liên quan như CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways - BAV), CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS), CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất Động sản FLCHomes (FHH), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (AMD), ….

Các nhà băng cho vay bao gồm Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), VietinBank (CTG), BIDV (BID), Vietcombank (VCB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB), Ngân hàng Công thương Trung Quốc chi nhánh Hà Nội (ICBC chi nhánh Hà Nội), … Các tài sản bảo đảm bao gồm cổ phiếu ROS tại FLC Faros, cổ phiếu BAV tại Bamboo Airways, bất động sản tại các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Gia Lai, Quảng Ninh,…

Trong khi đó, sau phiên giảm mạnh của VN-Index ngày 6/5, các chuyên gia của CTCK MB (MBS) đánh giá Vn-index nguy cơ sẽ retest mức đáy ngắn hạn tuần trước ở ngưỡng 1.260 điểm. Nhà đầu tư nên hạn chế lướt sóng khi biến động của thị trường đang tăng lên, không bình quân giá xuống và hạ tỷ trọng margin về mức an toàn.

Các chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) khuyến nghị việc chỉ số giảm sâu cùng thanh khoản gia tăng trong các nhịp sụt giảm cho thấy rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh đang có phần chiếm ưu thế. Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm định lại cạnh dưới của vùng hỗ trợ quanh 1320 (+-10). Đây cũng là chốt chặn phải được bảo lưu nếu không khả năng tiếp tục phá đáy ngắn hạn cần được tính đến.

Các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) phân tích về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ ngắn với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn (MA3 ngày, 5 ngày và 10 ngày), là tín hiệu khá tiêu cực. Điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế, và thị trường có thể tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tới.

Do đó, Aseansc cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.310 – 1.320 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.290 – 1.300 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1.330 – 1.340 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.350 – 1.360 điểm. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.

Nguồn: [Link nguồn]

Đại gia người Hà Nam bị ”bốc hơi” hơn 460 tỷ đồng trong một ngày sở hữu khối tài sản thế nào?

Trong ngày chỉ số VN-Index giảm 31,42 điểm (-2,31%), đại gia 38 tuổi người Hà Nam này cũng đã bị “bốc hơi” hơn 460 tỷ đồng theo đà giảm của số cổ phiếu nắm giữ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Biến động tài sản doanh nhân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN