TTCK sáng 4/4: Đe dọa mốc 500 điểm
Mốc 500 điểm của VN-Index đang đứng trước nguy cơ bị xuyên thủng trước áp lực bán tăng mạnh.
Kết thúc đợt khớp lệnh xác định giá mở cửa, VN-Index giảm 0,39 điểm (-0,08%) tạm đứng ở mức 505,54 điểm với tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 2,3 triệu đơn vị, giá trị giao dịch đạt 53,15 tỷ đồng.
Bước sang đợt khớp lệnh liên tục, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế toàn sàn HOSE, tuy có lúc VN-Index bật tăng vượt qua mốc tham chiếu. Hầu hết nhóm VN30 đều giảm điểm hoặc đứng ở mức tham chiếu, trong đó, MSN giảm 2.000 đồng, VNM giảm 1.000 đồng, BVH giảm 500 đồng. Tại thời điểm 9h28, toàn sàn HOSE có 35 mã tăng giá, 73 mã giảm giá và 65 mã đứng giá, VN-Index giảm 2,86 điểm (-0,57%) xuống 503,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt trên 5 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 99,72 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, sắc đỏ cũng xuất hiện ngay từ đầu phiên. Tại thời điểm 9h15, HNX-Index giảm 0,35 điểm xuống 61,03 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu đơn vị, tổng giá trị 47 tỷ đồng, trong đó dòng tiền tập trung chủ yếu vào PVX.
Sau khi thông tin PVX bị đưa vào diện bị kiểm soát từ ngày 4/4, cổ phiếu này đã giảm sàn ngay từ đầu phiên xuống 5.100 đồng/CP và chỉ sau hơn 20 phút giao dịch đã có hơn 7 triệu đơn vị được chuyển nhượng. Dư mua ngày càng trống sàn, trong khi dư bán giá sàn tăng đáng kể. Khối ngoại cũng đẩy mạnh mua vào PVX với khối lượng hơn 160.000 cổ phiếu.
Bên cạnh đó, PVL, PVV cũng chịu áp lực bán mạnh do rơi vào diện kiểm soát, cảnh báo tương tự PVX và cũng rơi xuống giá sàn ngay từ đầu phiên giao dịch. Các mã cổ phiếu lớn khác hầu hết đều giảm nhẹ 100 – 200 đồng/CP, trong khi đó, SHB đang đứng ở mức tham chiếu và đã có gần 900.000 đơn vị được chuyển nhượng
Tưởng chừng thị trường đảo chiều đi lên với mức tăng 1,02 điểm, VN-Index tạm đứng ở mức 506,56 điểm (lúc 9h54) nhưng do tâm lý thận trọng khiến thị trường quay lại quỹ đạo giảm điểm. Đến 10h40, VN-Index giảm 1,43 điểm (-0,28%) với tổng khối lượng giao dịch đạt gần 23,56 triệu đơn vị, tổng giá trị gần 445 tỷ đồng.
Mặc dù BVH đã vượt qua mốc tham chiếu và tăng điểm; nhiều mã duy trì sắc xanh như CTG, DQC, EIB, FPT, HPG, HSG, PGD, PVF, SBT nhưng MSN, VNM vẫn giảm điểm và trên sàn HOSE, số mã giảm giá vẫn chiếm chủ đạo (có tới 115 mã giảm giá và 56 mã tăng giá) khiến chỉ số VN-Index vẫn duy trì đà giảm điểm.
Hôm nay là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông mua cổ phiếu HAG phát hành thêm nhưng giao dịch không mấy sôi nổi khi giao dịch đã qua 2/3 thời gian, khối lượng khớp lệnh chỉ đạt hơn 860.000 cổ phiếu.
Mã MPC tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp nhờ thông tin mua 1 triệu cổ phiếu quỹ nhưng giao dịch mã này khá thấp. Đây là 1 trong 3 cổ phiếu hiêm hoi trên sàn HOSE tăng trần.
Trên sàn HNX, tại cùng thời điểm, HNX-Index giảm 0,67 điểm (-1,09%) xuống 60,71 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 29,74 triệu đơn vị, tổng giá trị 202,56 tỷ đồng.
PVX vẫn là tâm điểm hút lượng tiền lớn khi giao dịch tại thời điểm này đạt trên 12 triệu đơn vị và còn dư mua giá sàn gần 2,7 triệu đơn vị. Hiện, PVX vẫn đứng ở mức giá sàn. Trong khi đó PVL dư mua trống sàn và dư bán giá sàn còn khá lớn.
Ở sàn Hà Nội, lúc này các cổ phiếu LAS, VCG, SCR, SHB có mức tăng nhẹ nhưng HNX-Index vẫn giảm 0.15% xuống 61.23 điểm lúc 10h00. Khối lượng giao dịch gần 18 triệu đơn vị với giá trị gần 120 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu SHB và SCR cũng tích cực được gom vào với khối lượng trên 2,5 triệu đơn vị. Trong khi SCR vẫn giảm 200 đồng và SHB giảm 100 đồng. Cổ phiếu VND và KLS đều giảm 100 đồng/CP và giao dịch cùng đạt trên 1 triệu đơn vị.
Càng về cuối phiên giao dịch, trên sàn HOSE, thêm nhiều mã giảm điểm và nhiều mã giảm điểm sâu hơn khiến đà giảm điểmVN-Index càng được nới rộng. Tại thời điểm 11h21, mốc 500 bị xuyên thủng với mức giảm 7,51 điểm xuống 498,42 điểm.
Tuy nhiên sau đó đà rơi đã được hãm lại, kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index giảm 4,01 điểm (-0,79%), xuống 501,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 37 triệu đơn vị, tương đương giá trị 698,25 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt trên 2 triệu đơn vị, trị giá 63,32 tỷ đồng.
Với 10 mã tăng giá, 18 mã giảm giá và 2 mã đứng giá, đóng cửa phiên giao dịch sáng, VN30-Index giảm 1,18 điểm (-0,21%) xuống 568,15điểm.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE gồm: ITA (2,63 triệu đơn vị), REE (2,23 triệu đơn vị), CTG (2,16 triệu đơn vị), PET (1,93 triệu đơn vị), LCG (1,18 triệu đơn vị).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, HNX-Index giảm 0,64 điểm (-1,04%), xuống 60,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 266 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 246.501 đơn vị, trị giá 4,13 tỷ đồng.
Với 23 mã giảm giá, 3 mã đứng giá và duy nhất 1 mã tăng giá là LAS với mức tăng 1.200 đồng/CP, HNX30 giảm 1,86 điểm (-1,59%) xuống 115,53 điểm.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX gồm: PVX (14,66 triệu đơn vị), SCR (4,1 triệu đơn vị), SHB (3,05 triệu đơn vị), KLS (2,12 triệu đơn vị), VND (1,79 triệu đơn vị).
Phiên giao dịch sáng nay, trên sàn HOSE, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 56 mã với tổng khối lượng 4.783.440 cổ phiếu. Trên sàn HNX, khối ngoại mua vào 27 mã với khối lượng 637.000 cổ phiếu và bán ra 14 mã với tổng khối lượng 162.900 cổ phiếu.
Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 1,21 điểm xuống còn 480,71 điểm (-0,25%). Trong đó có 14 mã tăng giá, 27 mã giảm và 9 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như MPC (6,7%), LAS (3,2%), REE (2,0%), PVF (1,9%) và DHG (1,8%). Giảm mạnh nhất là các mã như PVX (-8,9%), HAG (-6,9%), PVD (-3,2%), GAS (-2,7%) và ITA (-2,7%).
Phiên hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, tỷ lệ 5:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu của HAG. Vì vậy, HAG bị điều chỉnh giá tham chiếu bị điều chỉnh về 24.600 đồng/cổ phiếu. Trên bảng điện tử hiện thị HAG giảm 1.900 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên thực ra mã này tăng 1.100 đồng/cổ phiếu (+4,47%), tạm đứng ở mức 25.700 đồng/cổ phiếu. Có thời điểm mã này đã tăng lên mức trần 26.300 đồng/cổ phiếu.