TTCK sáng 26/2: 30 phút kinh hoàng

Sức cầm cự của người giữ cổ phiếu chỉ níu được đến 10h30, làn sóng ào ạt cắt lỗ đã nhấn chìm thị trường trong thời gian rất ngắn sau đó.

VN-Index hiện đang tạm dừng ở mức giảm 1,31% so với tham chiếu, VN30-Index giảm 1,47%. HNX-Index giảm 1,5% và HNX30-Index giảm 2,13%. Diễn biến “kinh hoàng” diễn ra trong khoảng 30 phút kể từ 10h30 khi sức chịu đựng lỗ đạt giới hạn. Chỉ trong vòng 30 phút này, VN-Index mất 1,02%, VN30-Index mất 1%, HNX-Index mất 1,33% và HNX30-Index mất 2,1%.

Có thể thấy mức giảm cả phiên sáng của các chỉ số hầu hết tập trung vào 30 phút giao dịch quyết định này. Cả thời gian trước đó, giao dịch trong trạng thái giảm nhưng vẫn ở mức độ bình thường của một phiên đón nhận khối lượng hàng khổng lồ về tài khoản. Thậm chí cho đến trước 10h30, vẫn còn cảm nhận được tốc độ giao dịch chậm rãi, ổn định và bình tĩnh.

Gần như không có dấu hiệu báo trước nào cho 30 phút tháo chạy ồ ạt sau đó. Thị trường đón nhận khối lượng hàng cắt lỗ vừa phải với mức thanh khoản khá thấp. Tình trạng này được nhìn nhận như một khả năng găm hàng không thoát ra của người đã mua hôm 21/2. Như thế khả năng chịu lỗ có thể xem là cao.

Tuy nhiên cục diện thị trường đã thay đổi quá nhanh. Áp lực cắt lỗ tăng lên đột biến đã nhấn chìm giá đa số cổ phiếu xuống mức rất thấp, mặc dù trước đó giá đã giảm nhẹ. Không thể đổ lỗi cho việc các cổ phiếu lớn sụt giá tạo nên biến động bất thường trên Index. Độ rộng hai sàn thay đổi rất nhanh và số lượng cổ phiếu tăng giá và đứng giá tụt xuống chóng mặt, trong khi số giảm giá tăng vọt. Hoạt động cắt lỗ giá thấp trên diện rộng đã xuất hiện.

HSX tạm dừng giao dịch với 21 mã sàn và 161 mã giảm giá. Số tăng chỉ có 8 mã trần và 32 mã tăng. HNX có 25 mã sàn và 136 mã giảm, tăng có 35 mã và trần 8 mã. Số rất ít cổ phiếu tăng trần được đảm bảo về cầu cũng như thanh khoản, ngoại trừ VID, NBB trên HSX.

Nhóm cổ phiếu lớn ở cả hai sàn đều chứng kiến áp lực bán ra rất mạnh và giá giảm sâu. Rổ VN30 chỉ còn HSG, SBT tăng giá và PGD tăng giá kỹ thuật. Toàn bộ số còn lại - trừ VNM và KDC còn đứng được tham chiếu - đều sụt giảm mạnh. Các mã vốn hóa hàng đầu như VCB, VIC, STB, SSI, MSN, MBB, HPG, HAG, GAS, EIB, DPM, CTG, BVH đều giảm sâu.

Trên HNX, bất thường chỉ đến với VCG khi cổ phiếu này đi ngược thị trường, đang tăng 2,36%. Rất bất ngờ khi VCG diễn biến tích cực đột biến mặc dù tất cả các cổ phiếu đầu cơ tương tự của HNX đều giao dịch trong tình trạng thảm hại. Mặc dù tăng nhưng VCG vẫn chịu những áp lực không nhỏ. Lúc mạnh nhất cổ phiếu này còn tăng tới 5,51% so với tham chiếu.

Thê thảm nhất tại HNX sáng nay là PVX, cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản của sàn với 63,1 tỷ đồng giá trị giao dịch. PVX có lúc giảm xuống giá sàn với trên 2,56 triệu cổ được thoát ra bằng những lệnh cực lớn. Cầu bắt đáy ở PVX cũng rất mạnh nhưng không thể cải thiện giá được trong bối cảnh lượng hàng thoát ra đến mức khổng lồ. Giao dịch của PVX phiên sáng đạt 9,7 triệu cổ, vẫn còn thấp hơn nhiều so với khối lượng trên 15 triệu cổ về đến tài khoản. Toàn bộ khối lượng cổ này lỗ tối thiểu cũng là 15% và nhiều triệu cổ đã lỗ gần 25%.

Giao dịch của khối ngoại cũng có nhiều dấu hiệu khác thường, đặc biệt là ở HNX. PVS đang được mua nhẹ 255.000 cổ phiếu trong khi PVX và SHB bị xả hàng cực mạnh. PVX bị bán ra 894.000 đơn vị trong khi chỉ mua vào 113.000 đơn vị. SHB bị bán ròng thỏa thuận gần 3,5 triệu, mặc dù không gây ảnh hưởng quá mạnh đến giá khớp nhưng tạo tâm lý rất xấu. SHB đang giảm 2,6%.

Thanh khoản của hai sàn trong phiên sáng đã tăng trở lại, chủ yếu xuất phát từ hoạt động cắt lỗ giá thấp. HSX khớp 623,7 tỷ đồng, tăng 32% so với phiên đầu tuần nhưng vẫn còn thấp hơn các phiên sáng của tuần trước. HNX khớp 361,9 tỷ đồng, tăng 52% và cũng trong tình trạng thấp hơn mức bình quân.

Giao dịch mua của nhà đầu tư nước ngoài trong rổ VN30 tăng hơn hai lần so với hôm qua, khoảng 1,45 triệu đơn vị, chiếm 13% khối lượng giao dịch chung của rổ. VCB, SBT, PVD, OGC, HPG, GAS, DPM là những mã được mua nhiều. Tuy nhiên cũng chưa rõ khối này bán ra ở mức độ nào.

Sau 30 phút sụt giảm kinh hoàng, từ 11h trở đi, giao dịch hai sàn đã bình thường trở lại nhưng phải chấp nhận ở mặt bằng giá rất thấp. Cầu bắt đáy có xuất hiện nhưng không có ý định đẩy giá lên và mức độ ổn định chủ yếu phụ thuộc vào người bán. Thị trường sẽ khó chuyển biến tốt hơn được nếu người mua vẫn quá dè dặt như hiện tại. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lan Ngọc (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN