TTCK chiều 9/4: Bên mua bớt dè dặt
Bên mua bớt dè dặt hơn trong phiên giao dịch ngày 9/4 thanh khoản được cải thiện hơn so với phiên trước. VN-Index giữ được mốc 510 điểm.
Diễn biến trong phiên chiều không có nhiều đột biến so với phiên sáng, vẫn là bên mua tỏ ra thắng thế hơn trong cuộc đọ sức ở các mã bluechip, giúp thị trường duy trì đà tăng. Tuy vào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, đà tăng của thị trường bị hãm bớt do một số mã lớn yếu đà, nhưng VN-Index vẫn giữ được mốc 510 điểm đã xác lập được từ phiên sáng.
Kết thúc ngày 9/4, VN-Index tăng 3,83 điểm (+0,76%), lên 510,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 60,76 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.103,52 tỷ đồng, tăng 17,9% so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 2,6 triệu đơn vị, trị giá 88 tỷ đồng. Sắc xanh chiếm thế chủ đạo trên bảng điện tử với 117 mã tăng, 90 mã giảm và 83 mã đứng giá.
Trong khi đó, với 11 mã tăng, 13 mã giảm và 6 mã đứng giá, VN30-Index có được mức tăng nhẹ 0,91 điểm (+0,16%), lên 575,93 điểm.
Trong nhóm bluechip, PNJ tạo chú ý mạnh khi bất ngờ được mua vào nhiều, trong khi lực bán gần như không có, giúp mã này tăng trần lên 30.200 đồng/cổ phiếu, nhưng thanh khoản thấp, chỉ có 132.970 đơn vị được khớp.
Việc VN-Index duy trì được mốc 510 điểm trong phiên hôm nay có thể nói nhờ rất lớn vào sự hỗ trợ của GAS khi mã này tăng mạnh 4,6%, tương đương 2.500 đồng, lên 56,500 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, trong phiên chiều này cũng phải kể đến nỗ lực lớn của KBC khi leo một mạch từ mức tham chiếu lên mức trần 7.700 đồng/cổ phiếu với gần 1,6 triệu cổ phiếu được khớp và còn dư mua trần hơn 50.000 đơn vị.
Tuy nhiên, gây chú ý hơn cả là SAM khi được mua vào rất lớn trong phiên chiều, giúp mã này tăng lên mức trần 7.900 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lớn nhất sàn HOSE, đạt hơn 4,08 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua 7.020 đơn vị.
Cổ phiếu DQC cũng tăng trần, lên 24.700 đồng/cổ phiếu sau khi thoảt khỏi diện bị cảnh báo.
SSI vẫn giữ được sự sôi động như phiên sáng khi được khớp hơn 3,7 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau SAM. Đóng cửa phiên ở mức giá 19.000 đồng/cổ phiếu, tăng 500 đồng/cổ phiếu (+2,7%).
Trong khi đó, PET, với sự hỗ trợ của lực cầu ngoại đã duy trì được mức giá trần 19.000 đồng/cổ phiếu rất vững chắc của mình.
Trong ĐHCĐ thường niên vừa qua, PET có kế hoạch sẽ mở rộng hệ thông phân phối điện thoại Samsung. Dự kiến, mảng phân phối điện thoại Samsung sẽ đem lại doanh thu trên 200 triệu USD trong năm nay.
Tính chung, nhà đầu tư nước ngoài mua vào 84 mã trên HOSE, với tổng khối lượng mua vào 4.517.800 đơn vị. Các mã được mua vào nhiều là PET (468.150 đơn vị), GAS (389.300 đơn vị), LCM (336.000 đơn vị), DPM (310.690 đơn vị).
Sự tích cực của sàn HOSE cuối cùng cũng đã thấm đến sàn HNX. Sau khi sàn HOSE đóng cửa, những nhà đầu tư không kịp mua các bluechip trên HNX đã quay sang các bluechip trên sàn HNX, giúp HNX-Index kịp thời chạm màu xanh khi đóng cửa phiên.
Kết thúc phiên 9/4, HNX-Index tăng 0,01 điểm (+0,02%), lên 61,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị 293,52 tỷ đồng. Số mã tăng điểm cũng chiếm ưu thế khi đóng cửa ngày giao dịch với 126 mã tăng, trong khi số mã giảm là 86 mã.
Giao dịch thỏa thuận trên HNX trong phiên này không đáng kể với gần 1,5 triệu đơn vị, trị giá 11,3 tỷ đồng.
Dù HNX-Index kịp chớm chạm sắc xanh khi đóng cửa, nhưng HNX30-Index lại không có được may mắn đó, dù số mã tăng vẫn nhiều hơn số mã giảm (11 mã tăng so với 8 mã giảm). Kết thúc phiên, HNX30-Index giảm 0,08 điểm (-0,06%), xuống 117,38 điểm.
Giao dịch trên HNX trong phiên hôm nay không có nhiều diễn biến đáng chú ý, trong đó, SHB vẫn giữ được vị trí đứng đầu về thanh khoản với hơn 6 triệu đơn vị được khớp. Thấp hơn rất nhiều so với phiên giao dịch đột biến hôm qua. Kết thúc phiên, SHB cũng kịp về mốc tham chiếu 7.300 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá tham chiếu cho phiên ngày 10/4 của mã này.
Khối ngoại ít tham gia trên sàn HNX khi chỉ mua vào 425.050 đơn vị và bán ra 353.960 đơn vị.
Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này tăng 1,45 điểm lên mức 489,80 điểm (0,30%). Trong đó có 20 mã tăng giá, 19 mã giảm và 11 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như KBC (6,9%), PNJ (6,7%), MPC (4,9%), GAS (4,6%) và VNM (3,2%). Giảm mạnh nhất là các mã như PPC (-2,8%), BVH (-2,7%), DPR (-2,6%), HSG (-2,4%) và STB (-2,3%).