TTCK chiều 21/3: Hai sàn trái chiều
Sự hỗ trợ đắc lực của MSN và cổ phiếu ngành dược giúp VN-Index duy trì được đà tăng điểm, trái lại, HNX giao dịch dưới mức tham chiếu với giao dịch thấp.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không khác nhiều so với phiên sáng khi trên sàn HOSE, lực đỡ chính là MSN và VNM đã hỗ trợ giúp chỉ số VN-Index duy trì được đà tăng điểm, trong khi chỉ số HNX-Index lình xình dưới mốc tham chiếu. Thanh khoản trên HOSE cũng phần nào được cải thiện khi bên mua mạnh dạn hơn, trong khi trên sàn HNX, tâm lý thận trọng đè nặng khiến giao dịch còn rất thấp.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/3, chỉ số VN-Index tăng 4,75 điểm (+0,98%), lên 491,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,18 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.355,49 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 10,36 triệu đơn vị, trị giá 526,21 tỷ đồng.
Đáng chú ý là giao dịch thỏa thuận cổ phiếu KDC. Tiếp phiên giao dịch thỏa thuận tăng đột biến hôm qua (ngày 20/3), hôm nay, KDC thỏa thuận hơn 7 triệu cổ phiếu (phiên hôm qua là 6 triệu cổ phiếu) với giá 46.800 đồng/CP, tổng giá trị gần 329,62 tỷ đồng.
Với 15 mã tăng điểm, 9 mã giảm và 6 mã đứng giá, chỉ số VN30 - Index tăng 8,24 điểm (+1,5%), lên mốc 559,39 điểm. Khối lượng khớp lệnh của nhóm cổ phiếu này đạt 16,24 triệu đơn vị, tương ứng 483,45 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, MSN được kéo lên mức trần 128.000 đồng/CP, tăng 8.000 đồng và còn dư bán mức giá trần hơn 5.000 cổ phiếu, VNM cũng giữ được mức tăng 4.000 đồng lên 111.000 đồng/CP, trong khi đó, BVH quay lại mốc tham chiếu 51.000 đồng/CP.
SBS được khớp 337.310 cổ phiếu với mức giá sàn 900 đồng/CP.
TRA sau thông tin dự kiến phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn lên 246,7 tỷ đồng và kế hoạch kinh doanh khả quan năm 2013 dự kiến trình ĐHCĐ, cổ phiếu này cũng tăng kịch trần lên 128.000 đồng/CP (tăng 8.000 đồng). Ngoài TRA, một số mã thuộc ngành dược cũng tăng trần với dư bán trống sàn như IMP, DHG, VMD.
SAM là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HOSE với khối lượng khớp lệnh đạt 3,16 triệu đơn vị. Tiếp đó là CTG (2,56 triệu đơn vị), ITA (2,36 triệu đơn vị), REE (2,23 triệu đơn vị).
Khối ngoại hôm nay cũng mua vào 69 mã, với tổng khối lượng 3.165.890 đơn vị. Trong đó, họ mua vào nhiều nhất cổ phiếu PPC (288.840 đơn vị), DPM (280.210 đơn vị) và HPG (262.200 đơn vị).
Trên sàn HNX, lực kéo khá yếu từ một vài mã bluechip đã không đủ mạnh để giữ HNX-Index ở lại mốc tham chiếu. Kết thúc phiên giao dịch, HNX-Index giảm 0,05 điểm (-0,08%) xuống 61,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 33,29 triệu đơn vị, tương đương giá trị gần 270,12 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 3,49 triệu đơn vị, trị giá 16,18 tỷ đồng.
Với 6 mã tăng giá, 14 mã đứng giá và 9 mã giảm giá, HNX30 giảm 0,34 điểm (-0,29%) xuống 117,94 điểm với gần 21,65 cổ phiếu được chuyển nhượng, tổng giá trị 192,83 tỷ đồng.
Trong khi ACB vẫn đứng dưới giá tham chiếu thì sang phiên giao dịch chiều, SCR không giữ được đà tăng và quay lại mốc tham chiếu, SHB giảm 100 đồng, TH1 giảm chạm sàn 31.700 đồng/CP, giảm 3.500 đồng. Ngoài ra, VCG, VCS, VND cũng giảm 100 đồng, còn PVX tăng 100 đồng lên mức giá 5.900 đồng.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX gồm SCR (5,7 triệu đơn vị), SHB (3,64 triệu đơn vị), PVX (2,51 triệu đơn vị), KLS (1,65 triệu đơn vị), PVS (gần 1,4 triệu đơn vị).
Khối ngoại mua vào 34 mã trên sàn HNX với tổng khối lượng 1.106.500 cổ phiếu, trong đó họ giao dịch mạnh nhất cổ phiếu PVS khi mua vào 432.200 cổ phiếu và bán ra 454.600 cổ phiếu.
Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này tăng 3,28 điểm lên mức 471,75 điểm (0,71%). Trong đó có 21 mã tăng giá, 20 mã giảm và 9 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như MSN (6,7%), DHG (6,4%), VNM (3,7%), FPT (2,7%) và PHR (2,0%). Giảm mạnh nhất là các mã như MPC (-4,3%), GAS (-2,9%), NVB (-2,9%), ITA (-2,6%) và VCF (-2,4%).