TTCK chiều 10/4: Điều gì đang xảy ra?
Nhà đầu tư ngơ ngác không biết điều gì đang xảy ra với TTCK Việt Nam trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa.
Bước vào phiên giao dịch chiều, những phút giao dịch đầu tiên không có nhiều diễn biến đáng chú ý. Đà tăng của thị trường bị hãm thêm so với phiên sáng khi lực bán tăng dần lên. Tuy nhiên, khi thị trường bước ào đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa, hàng loạt lệnh bán ATC dồn dập vào thị trường khiến cả sàn hoảng loạn.
Lệnh ATC dồn dập vào các mã bluechip, kéo các mã này từ tăng, thậm chí tăng mạnh xuống giảm mạnh, có nhiều mã giảm sàn như VCB, CSM, BVH, OCG, PVF, KBC… khiến thị trường lao dốc, từ mức tham chiếu lao xuống giảm gần 14 điểm, phá thủng mốc 500 điểm.
Kết thúc phiên 10/4, với 155 mã giảm giá, 70 mã tăng giá, VN-Index giảm 13,99 điểm (-2,74%) xuống 496,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 69,18 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.433,65 tỷ đồng.
Giao dịch thỏa thuận đạt khối lượng 4,77 triệu đơn vị, trị giá 182,62 tỷ đồng. Trong đó, VIC là cổ phiếu có giá trị thỏa thuận lớn nhất với 950.000 cổ phiếu được khớp tại mức giá trần 68.000 đồng, tổng giá trị giao dịch đạt 64,6 tỷ đồng.
Nhiều người cho rằng, động thái bán tháo ATC vào cuối phiên là của các quỹ ETF khi họ cơ cấu lại danh mục. Điều này khá có cơ sở khi các mã bán mạnh đều là bluechip, vốn đang bị nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra trong những phiên gần đây.
Chỉ với 3 mã tăng giá (gồm DQC, PGD và PNJ), 2 mã giảm giá và có tới 15 mã giảm giá, đóng cửa giao dịch, VN30 giảm 17,56 điểm (-3,05%) xuống 558,37 điểm. Tổng khối lượng giao dịch nhóm cổ phiếu này đạt 23,13 triệu đơn vị với tổng giá trị tương ứng 668,88 tỷ đồng.
Cổ phiếu ITA có khối lượng khớp lệnh cao nhất HOSE đạt trên 3,43 triệu đơn vị. Chốt phiên giao dịch, ITA giảm gần chạm sàn xuống 6.800 đồng/CP, cách giá sàn một bước giá.
Sau ITA, các cổ phiếu có khối lượng khớp đạt trên 2 triệu đơn vị gồm REE (2,8 triệu đơn vị), CSM (2,08 triệu đơn vị), GAS (gần 2,056 triệu đơn vị).
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 92 cổ phiếu trên sàn HOSE với tổng khối lượng 5.318.970 đơn vị, trong đó họ mua vào nhiều nhất cổ phiếu BMI và HPG với tổng khối lượng 503.060 đơn vị và 448.350 đơn vị.
Trên sàn HNX, giao dịch cũng chịu ảnh hưởng lớn từ đợt tháo chạy trên sàn HOSE cũng ảnh hưởng mạnh đến sàn HNX, khiến nhà đầu tư trên sàn này cũng hoảng loạn theo, kéo HNX-Index giảm mạnh.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 10/4, HNX-Index giảm 1,04 điểm (-1,69%), xuống 60,33 điểm với 147 mã giảm giá và 64 mã tăng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn sàn đạt trên 55 triệu đơn vị với tổng giá trị hơn 445 tỷ đồng.
Giảo dịch thỏa thuận có khối lượng khớp lệnh đạt 2,77 triệu đơn vị, tổng giá trị đạt 26,16 tỷ đồng. Riêng VIX thỏa thuận 2,2 triệu đơn vị với giá 8.900 đồng/CP, tổng giá trị đem lại là 19,58 tỷ đồng (trong đó giao dịch khớp lệnh không có cổ phiếu nào được chuyển nhượng).
Với 2 mã tăng giá (gồm DCS và PLC), 8 mã đứng giá (gồm ACB, BCC, IDJ, NVB, OCH, PVE, TH1, VGS) và có tới 20 mã giảm giá, đóng cửa giao dịch, HNX30 giảm 3,2 điểm (-2,72%) tạm đứng ở mức 114,18 điểm.
Trong đó, hầu hết các mã chủ chốt đều giảm giá như SCR và SHB cùng giảm 400 đồng, PVX, VCG và KLS cùng giảm 300 đồng, VND giảm 200 đồng…
Đứng đầu về thanh khoản trên HNX là SHB với khối lượng khớp lớn nhất đạt gần 14,96 triệu đơn vị. Tiếp đó là cổ phiếu SCR đạt 5,22 triệu đơn vị, PVX đạt 4,38 triệu đơn vị, KLS đạt 3,04 triệu đơn vị, SHS đạt 2,78 triệu đơn vị.
Nhà đầu tư nước ngoài mua vào 52 mã với khối lượng mua 543.100 cổ phiếu và bán ra 22 mã với khối lượng bán 261.500 cổ phiếu. Trong đó SHB được mua vào nhiều nhất với 148.900 cổ phiếu và bán ra mạnh nhất là PVS với 147.600 cổ phiếu.
Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 9,07 điểm xuống còn 480,73 điểm (-1,86%). Trong đó có 6 mã tăng giá, 40 mã giảm và 4 mã đứng giá. Tăng mạnh nhất phải kể đến các mã như HVG (6,2%), PNJ (4,3%), MPC (1,3%), VCF (0,9%) và DPR (0,9%). Giảm mạnh nhất là các mã như CSM (-6,8%), DRC (-6,7%), VCB (-6,7%), OGC (-6,6%) và KBC (-6,5%).