Trì hoãn làm nhà chờ “tuổi đẹp”, dành 500 triệu đồng đầu tư chứng khoán bất ngờ trúng đậm
Có kế hoạch làm lại nhà ở quê, nhưng do chưa được tuổi đẹp nên anh Đào Đình Vân đã dành số tiền 500 triệu đồng dự trù đầu tư chứng khoán. Bất ngờ, chỉ sau 2 tháng tài khoản của anh Vân tăng gấp 2,5 lần.
Anh Đào Đình Vân (quê Hà Nam) cho biết, cuối năm 2020 anh dành dụm khoản tiền 500 triệu đồng cho kế hoạch làm lại nhà ở quê, tuy nhiên do chưa được tuổi đẹp nên trong thời gian chờ đợi thay vì gửi ngân hàng như trước, anh đã rút số tiền trên để đầu tư chứng khoán. Sau hơn hai tháng đầu tư số tiền trong tài khoản của anh Vân đã tăng 2,5 lần.
Chỉ trong hai tháng đầu tư chứng khoán số tiền trong tài khoản của anh Vân đã tăng 2,5 lần
Với "thâm niên" gần 5 năm đầu tư chứng khoán, nhưng thị trường trong mấy ngày này thực sự khiến anh Vân - một nhà đầu tư thực sự hoan hỉ và không thể tin đó là sự thật.
“Hiện tôi đang làm việc và sinh sống ở Hà Nội. Do có kế hoạch làm lại nhà cho ông bà ở quê trong năm nay nên thời điểm cuối năm 2020 vợ chồng tôi dành dụm khoản tiền 500 triệu đồng gửi tiết kiệm để chuẩn bị cho việc mua vật liệu, xây nhà. Tuy nhiên, sau khi xem tuổi thì ông bà nói năm nay tôi không được tuổi, kế hoạch làm nhà đành lui lại năm sau” – anh Vân cho hay.
Vì tiền lãi suất gửi ngân hàng thời điểm này tương đối thấp, nên trong lúc chờ đợi, anh Vân bàn với vợ rút số tiền 500 triệu đồng kể trên để “tranh thủ nuôi vài mã chứng khoán nhóm ngành ngân hàng”.
“Tôi cũng chỉ mong có chút lợi nhuận hơn gửi ngân hàng là được, ai ngờ chỉ sau 2 tháng theo, đến nay số tiền trong tài khoản của tôi đã tăng 2,5 lần. Đặc biệt, sau chuỗi 4 -5 phiên tăng tăng liên tiếp trong mấy ngày qua thì tài khoản của tôi đã lên 1,2 tỷ đồng. Thị trường liên tiếp đạt trần, để bao toàn vốn, cuối phiên giao dịch ngày 3/6 tôi đã chốt lệnh bán. Tôi thực sự không thể hình dung nổi thị trường lại tăng sốc như vậy” – anh Vân hào hứng chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Vân cũng lý giải do anh đầu tư đúng sóng ngành mới được lãi đậm như vậy. “Trong thời điểm thị trường tăng mạnh thế này, đặc biệt trong lúc VnIndex vẫn tăng điểm kỷ lục thì vẫn có những nhà đầu tư đầu tư không đúng mã ngành và vẫn bị lỗ như thường” – anh Vân nói thêm.
Kỉ lục lại nối tiếp kỉ lục khi ít ngày gần đây thị trường diễn biến với những con số ấn tượng. Đỉnh điểm, phiên giao dịch ngày 3/6, ghi nhận điểm số đạt 1364 điểm, thanh khoản hơn 36.000 tỷ đồng, giá cổ phiếu cao kỉ lục với nhiều màu tím và xanh phủ 3 sàn.
Câu chuyện “trúng số” tương tự như của anh Vân có lẽ không phải là hiếm gặp trong mấy ngày qua, bởi trong một số diễn đàn rất nhiều người không kiềm chế được “sự sung sướng” đã tiết lộ tài khoản của họ cũng liên tiếp lập đỉnh trong thời gian ngắn.
Theo lời nhân viên tư vấn thì mấy ngày qua, thị trường liên tiếp tăng trần, thực sự là "những kỷ lục nối tiếp kỷ lục"
Theo lời những nhân viên tư vấn tại các sàn giao dịch chứng khoán khi chứng kiến thị trường liên tiếp tăng trần và hàng nghìn nhà đầu tư F0 rót vốn trong những ngày qua đã cho rằng, đây thực sự là “những kỉ lục nối tiếp kỉ lục”, thị trường tăng quá mạnh với những con số ấn tượng.
“Chứng khoán thực sự đang nóng hơn từng ngày và chưa chấm dứt được cơn sốt này” – anh Lê Lâm, một CEO của công ty tư vấn chứng khoán cho hay.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lại đưa ra lời khuyên nên thận trọng khi đám đông trên thị trường đang hưng phấn cao độ và nhớ đến lời khuyên của huyền thoại đầu tư Warren Buffett: “hãy tham lam khi người khác sợ hãi và sợ hãi khi người khác tham lam”.
“Ở thời điểm hiện tại, thay vì đi theo đám đông trên thị trường và mua cổ phiếu bằng mọi giá, nhà đầu tư nên giữ cho mình một cái đầu lạnh là điều cực kỳ cần thiết. Chúng tôi tiếp tục giữ khuyến nghị ngưng mua mới và chờ đợi thị trường hạ nhiệt để có những hành động tiếp theo” - Team PPF trên một diễn đàn về chứng khoán chia sẻ.
Nói về thị trường chứng khoán “lên đồng” trong mấy ngày qua, PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho rằng, đây là biểu hiện của thị trường đầu cơ, ngắn hạn, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Theo ông Phạm Thế Anh, về bản chất, nhà đầu tư cần phải nhận thức được cả cơ hội cũng như rủi ro khi xác định đầu tư chứng khoán. Họ cần có kiến thức tài chính, quản trị tốt tài sản, đo lường rủi ro và đối mặt với những mất mát có thể gặp phải. Khi thị trường tăng nóng, giá cổ phiếu lên cao quá so với giá trị thực, sẽ đến giai đoạn đổ vỡ về giá.
Hiện nay, để nhận định về thị trường là rất khó, không thể đoán trước lúc nào nó sẽ thoái trào. Vì thị trường phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh, kéo theo là hoạt động kinh doanh ở các lĩnh vực. Nếu mọi thứ còn khó khăn, tiền nhàn rỗi của người dân, doanh nghiệp chưa biết đổ vào đâu và mặt bằng lãi suất còn thấp, thì sức nóng của thị trường chứng khoán chưa thể ngừng. Còn khi lãi suất nâng lên và giá trị các cổ phiếu đã quá cao so với định giá thực, cổ phiếu sẽ chững lại hoặc đảo chiều.
Lãi suất là một yếu tố quan trọng, khi lãi suất có dấu hiệu tăng trở lại thì thị trường sẽ nguội dần, bất kể thị trường nào cũng vậy.
“Hiện tượng hàng nghìn nhà đầu tư F0 gia nhập thị trường mỗi ngày cho thấy sự chạy theo số đông đang gia tăng không ngừng. Khi nhà đầu tư tham gia thị trường giao dịch thứ cấp, mua đi bán lại, hưởng chênh lệch giá, nên dòng vốn cũng không đi vào doanh nghiệp, vô hình chung đẩy định giá lên cao. Như vậy, dòng tiền đã góp phần vào làm nóng thị trường, mà một phần rất ít từ các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Đây cũng là biểu hiện của thị trường đầu cơ, ngắn hạn, có thể sụp đổ bất cứ lúc nào” – ông Phạm Thế Anh lưu ý.
“Nhà vườn đã hoàn thiện đẹp long lanh nhưng không ở tới cần nhượng lại; Lô hai góc mặt tiền, view hồ cần bán gấp;...
Nguồn: [Link nguồn]