Tiền ùn ùn vào sân chơi nóng, nhà đại gia Việt bỏ túi thêm gần 600 tỷ đồng
Trong phiên thứ 3 liên tiếp hơn 20.000 tỷ đồng đổ vào sân chơi nóng, khối tài sản của gia đình đại gia này cũng tăng thêm gần 600 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có phiên giao dịch tích cực, kết phiên 25/7, chỉ số VN-Index tăng 5,18 điểm để đóng cửa ở mức giá 1.195,9 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HN-Index cũng tăng 0,4 điểm để đóng cửa ở 236,93 điểmm, trong khi đó chỉ số Upcom-Index giảm nhẹ 0,11 điểm để đóng cửa ở mức 88,58 điểm.
Trong phiên giao dịch 25/7, nhóm cổ phiếu ngân hàng có diễn biến khả quan nhất thị trường. Trong đó, VCB và TCB trở thành hai mã nâng đỡ thị trường và là điểm nhấn chính của nhóm bluechip cũng như toàn sàn HoSE. Thanh khoản tăng nhẹ lên gần 20.150 tỷ đồng, là phiên thứ ba liên tiếp đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Cùng với đà tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/7, thanh khoản của cổ phiếu TCB (Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam) cũng ghi nhận mức tăng đột biến so với những phiên gần đây với hơn 13,2 triệu cổ phiếu được sang tay với giá trị hơn 444 tỷ đồng. Đà tăng của TCB đến sau khi ngân hàng này vừa công bố báo cáo kết quả tài chính quý 2/2023 với nhiều thông tin đáng chú ý.
Khối tài sản gia đình tỷ phú Hồ Hùng Anh sở hữu tăng mạnh cùng thị giá của cổ phiếu TCB
Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong kỳ đạt 5.649 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất Techcombank đạt hơn 11.272 tỷ, giảm 20% so với quý 2/2022 và thực hiện được 51% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Techcombank ở mức 732.470 tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,9% lên 466.546 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 6,6%, đạt 381.947 tỷ đồng.
Nửa đầu năm, nợ xấu nội bảng của Techcombank tăng thêm 65% lên hơn 5.000 tỷ đồng, chiếm 1,07% tổng dư nợ. Tỷ lệ này cao hơn so với mức 0,72% ghi nhận hồi đầu năm. Đồng thời nợ xấu tăng nhanh cũng khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng giảm từ mức hơn 157% xuống còn gần 116%.
Tại thời điểm 30/6, tổng số nhân viên làm việc trên toàn hệ thống Techcombank là 11.742 người, giảm 597 người so với cuối năm 2022. Riêng số lượng nhân sự của ngân hàng mẹ là 10.972 người, giảm 573 người. Tính bình quân, mỗi nhân viên trên toàn hệ thống Techcombank mang về 936 triệu đồng lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm; riêng ngân hàng mẹ là 832 triệu đồng. Bình quân mỗi nhân viên Techcombank trên toàn hệ thống có thu nhập 45 triệu đồng/tháng trong nửa đầu năm (tương đương tổng thu nhập 270 triệu đồng). Trong đó, riêng tiền lương là 37 triệu đồng/tháng.
Đà tăng mạnh của TCB cũng giúp khối tài sản của gia đình Chủ tịch Hồ Hùng Anh tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cùng các thành viên trong gia đình gồm mẹ Nguyễn Thị Thanh Tâm, vợ Nguyễn Thị Thanh Thủy, con trai Hồ Minh Anh và con gái Hồ Thủy Anh đang trực tiếp nắm giữ tổng cộng hơn 548 triệu cổ phiếu TCB, tương đương khối tài sản gia đình tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận mức tăng thêm hơn 575 tỷ đồng chỉ trong một ngày. Tính theo giá thị trường, khối tài sản gia đình Chủ tịch 53 tuổi đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 18.358 tỷ đồng.
Sau phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch ngày 26/7, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index có thể sẽ tăng và chạm vào vùng kháng cự tại 1.200 điểm. Tại đây, lực bán chốt lãi có thể được thúc đẩy và giằng co với lực mua vẫn đang còn quán tính. Theo đó, VN-Index có thể dao động trong biên độ từ 1.190-1.210 điểm trong một vài phiên giao dịch. Nếu chỉ số đại diện sàn HOSE không thể bứt phá bất chấp sự gia tăng của KLGD, nhiều khả năng một nhịp điều chỉnh giảm sẽ xuất hiện sau đó với hỗ trợ EMA10 tại 1.175 điểm. Ngược lại, nếu VN-Index tiếp tục vượt qua mốc 1.210 điểm, chỉ số sẽ duy trì đà tăng trong tháng 8, hướng lên vùng 1.260 điểm.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch 26/07, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.200-1.205 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng, để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.190-1.195 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.180-1.185 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định với tín hiệu này, có khả năng thị trường sẽ dần bước vào vùng cản 1.200-1.220 điểm trong thời gian tới, dự kiến vùng này có thể gây áp lực cung lớn đến thị trường. Do vậy, nhà đầu tư có thể kỳ vọng khả năng nới rộng nhịp tăng của thị trường nhưng diễn biến có thể sẽ gặp nhiều khó khăn do cận vùng cản.
Hiện tại, các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu đang có tín hiệu tốt nhưng vẫn cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng đến vùng cản để cân đối lại danh mục.
Dù số lợi nhuận thu được liên tục giảm trong thời gian gần đây nhưng mỗi ngày người dân vẫn mang cả nghìn tỷ đồng đầu tư vào kênh này để lấy lãi.
Nguồn: [Link nguồn]