Tiền ùn ùn đổ vào, loạt đại gia BĐS bỏ túi hàng trăm tỷ đồng
Sau phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần vừa qua khối tài sản của nhiều đại gia BĐS tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Giới đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục hút dòng tiền trong phiên giao dịch đầu tuần.
Sau chuỗi ngày giao dịch ảm đạm, thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch bùng nổ vào cuối tuần vừa qua khi lực cầu lớn bất ngờ xuất hiện giúp chỉ số bứt phá, sắc xanh lan tỏa mạnh mẽ khắp các nhóm ngành góp phần cởi bỏ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Kết phiên 16/8, chỉ số VN-Index đóng cửa với mức tăng 28,67 điểm, tương đương 2,34% lên mức 1.252,23 điểm; chỉ số HNX-Index cũng tăng 2,89%, đạt mức 235,15 điểm. Giá trị thanh khoản sàn HoSE tăng gấp hơn 2 lần so với phiên liền trước đạt hơn 23.104 tỷ đồng. Loạt cổ phiếu ngành BĐS như NVL, KBC, PDR, DIG, DXG, HDG, CEO, DXS, HDC,… tăng kịch trần với thanh khoản ở mức cao.
Cổ phiếu nhóm ngành BĐS hút dòng tiền trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua - Ảnh chụp màn hình
Đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu BĐS giúp lãnh đạo, cựu lãnh đạo doanh nghiệp có thêm từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng. Theo đó, khối tài sản trên sàn chứng khoán của đại gia Nguyễn Văn Đạt, chủ tịch CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) ghi nhận tăng thêm hơn 400 tỷ đồng lên mức 6.292 tỷ đồng. Đại gia Nguyễn Trọng Thông của CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cũng bỏ túi thêm hơn 190 tỷ đồng lên mức 3.002 tỷ đồng. Đại gia Lương Trí Thìn của DXG cũng bỏ túi hơn 100 tỷ đồng lên mức hơn 1.725 tỷ đồng…. Bên cạnh đó, các cổ phiếu nhóm chứng khoán như FTS, BSI, CTS, BVS, VIX, VDS, AGR và HAC cũng tăng kịch trần… các nhóm năng lượng, nguyên vật liệu và tiêu dùng không thiết yếu cũng bứt phá mạnh mẽ từ 3-4%.
Sau phiên cuối tuần tăng điểm mạnh, nhận định về xu hướng phiên giao dịch đầu tuần (19/8), chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo quán tính tăng điểm đang cao và có sự đồng thuận giữa các cổ phiếu thành phần từ vốn hóa lớn đến bé nên chỉ số VN-Index có thể tiếp tục tăng. Tuy nhiên, gặp phải áp lực chốt lãi quanh 1.260 điểm là điều khó tránh khỏi và ngưỡng hỗ trợ hiện tại cho chỉ số sẽ là 1.230 điểm. Trong ngắn hạn, VN-Index cần có giai đoạn đi ngang quanh kháng cự để hấp thu áp lực chốt lãi và tích lũy lại lực mua mới. Hiện tại, khả năng chỉ số tiến về vùng 1.300 điểm vẫn đang cao hơn kịch bản quay đầu giảm về 1.220 điểm nên các nhịp điều chỉnh trong phiên sẽ là cơ hội gia tăng lại tỷ trọng cổ phiếu.
Chuyên gia công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng phiên bật tăng ngày 16/08 của VN-Index với sự hình thành của mẫu nến marubozu, đi kèm sự gia tăng khá mạnh của thanh khoản có thể được xem là một phiên bùng nổ theo đà. Diễn biến này cùng với sự bứt phá, chinh phục thành công vùng cản gần quanh 1.235 điểmm, đã đủ điều kiện để xác nhận xu hướng tăng ngắn hạn trở lại cho chỉ số sau nhịp giảm điểm kể từ vùng đỉnh quanh 1.300 điểm.
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục mở rộng đà hồi phục trước khi gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh tại vùng cản kế tiếp quanh 1.270 điểm. NĐT được khuyến nghị trải mua lại các vị thế trading gối đầu khi VN-Index hoặc các mã mục tiêu điều chỉnh về các vùng hỗ trợ gần.
Chuyên gia CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS): VN-Index ngắn hạn vẫn đang ở vùng kháng cự 1.250 điểm và dưới đường MA50. Xu hướng ngắn hạn của VN-Index đã tích cực hơn. Chỉ số đang lấy lại vùng hỗ trợ tâm lý mạnh 1.250 điểm, và ngắn hạn cũng đã phá vỡ đường xu hướng giảm giá ngắn hạn hiện nay. VN-Index có thể gặp áp lực chốt lời ngắn hạn những phiên đầu tuần từ 19 - 23/08 trước khi quay trở lên chinh phục lại kháng cự 1.250 điểm một lần nữa. Tương tự, VN30 khả năng cần điều chỉnh trước khi kiểm tra lại vùng kháng cự quanh 1.290 điểm.
Chuyên gia CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định thị trường đang có tín hiệu tích lũy động lực ổn định với sự hồi phục ở thanh khoản đi cùng sự đảo chiều đi lên của chỉ số chung.
Với diễn biến hiện tại, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư duy trì danh mục, bên cạnh đó có thể cân nhắc tận dụng những nhịp điều chỉnh trong tuần tới để gia tăng tỷ trọng ở những cổ phiếu tạo đáy thành công và đang thu hút được dòng tiền tích cực.
Đồng thời, hạn chế giải ngân mới với những cổ phiếu đã có nhịp tăng dài từ trước và đà tăng chững lại trong tuần này. Một số nhóm ngành đáng lưu ý bao gồm bất động sản, đầu tư công, chứng khoán.
Nguồn: [Link nguồn]
Lãi suất gửi tiết kiệm đang có những chuyển động trái ngược khi tăng, giảm đan xen giữa các ngân hàng.