Thị trường “khủng hoảng”, hàng nghìn tỷ của tỷ phú Hòa Phát bị thổi bay
Kết thúc phiên giao dịch đầy khủng hoảng, tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đã bốc hơi 3.557 tỷ đồng khi HPG giảm sàn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/4, VN-Index mất 68,31 điểm hôm nay và trong phiên đã có lúc để mất mốc 1300 điểm. Chỉ số đang ở mức thấp nhất gần 8 tháng, tương đương vùng điểm số cuối tháng 8/2021.
Trong đó, nhiều cổ phiếu có vốn hóa lớn bị rớt giá, kéo thị trường đi xuống, gồm: GAS (PetroVietnam Gas), VHM (Vinhomes), BIDV (BID), HPG (Hòa Phát), VPB (VPBank), TCB (Techcombank), GVR (Công nghiệp cao su Việt Nam), MWG (Thế giới di động), FPT (FPT)...
Điển hình trong các cổ phiếu trên là HPG, tài sản của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đã bốc hơi 3.557 tỷ đồng khi HPG giảm sàn. Hiện tài sản của ông Long hiện là 47.530 tỷ đồng.
Diễn biến Index thời gian gần đây
Lý giải cho cú giảm "chấn động" phiên 25/4, VnDirect cho rằng, không có niềm tin nào về việc thị trường sẽ hồi phục, khiến cho chứng khoán mất điểm mạnh. Thị trường sẽ tạo đáy khi có thông tin đủ xấu để mọi người hoảng loạn, còn hiện tại vẫn ở giai đoạn giảm mà chưa có bất cứ thông tin gì ra.
Theo ông Nguyễn Văn Định chuyên gia phân tích kỹ thuật của VnDirect, yếu tố đầu tiên khiến chứng khoán Việt giảm điểm là xung đột Nga - Ukraine. Cuộc chiến này khiến giá vàng và dầu tăng cao, đẩy các chỉ số chứng khoán lớn khác trên thế giới mất điểm.
Yếu tố thứ hai là lạm phát - thuốc độc với thị trường chứng khoán. Lạm phát tại hầu hết các nước lớn đều đã cao kỷ lục, buộc ngân hàng trung ương các nước lớn phải thắt chặt chính sách tiền tệ.
Yếu tố thứ ba là ở trong nước, những thông tin bắt bớ liên quan đến cá nhân thao túng, làm giá, lũng đoạn thị trường cổ phiếu cũng khiến tâm lý nhà đầu tư dè dặt.
Nhận định về phiên giao dịch ngày 26/4, các công ty chứng khoán cho rằng, sau các phiên giảm sâu vừa qua thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu danh mục hoặc giảm tỷ trọng.
Theo Công ty CK MB – MBS thị trường trong nước có phiên giảm mạnh đi vào lịch sử, tại thời điểm thấp nhất chỉ số Vn-index mất hơn 80 điểm. Tuy con số thiệt hại tuyệt đối vẫn không bằng phiên giảm 73 điểm hồi cuối tháng 1 năm ngoái nhưng khốc liệt hơn do thị trường đã giảm 3 tuần liên tiếp trước đó và chỉ số Vn-Index cũng đã mất gần hơn 185 điểm trước phiên giảm mạnh hôm nay.
Trái ngược với diễn biến của nhà đầu tư trong nước, khối ngoại vẫn duy trì mạch mua ròng trong 4/5 tuần vừa qua. Do vậy, các nhịp giảm vẫn là cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn như các tổ chức, tuy nhiên đối với nhà đầu tư ngắn hạn không nên trung bình giá, hạn chế sử dụng margin, thông thường sau các phiên giảm sâu như hôm nay thị trường sẽ có nhịp hồi kỹ thuật, nhà đầu tư có thể tận dụng để cơ cấu danh mục hoặc giảm tỷ trọng.
Với Công ty Chứng khoán KB Việt Nam – KBSV thì cho rằng, thị trường tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh
VN-Index trải qua một nhịp lao dốc mạnh trong phiên trước khi hồi phục một phần vào cuối phiên. Sau khi đánh mất vùng hỗ trợ gần, việc chỉ số giảm sâu với thanh khoản tăng trở lại trong các nhịp sụt giảm phá đáy cho thấy áp lực của bên bán đang chiếm ưu thế. VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh trong những phiên tới trước khi xác lập một vùng giá cân bằng hơn. Nhà đầu tư được khuyến nghị hạ tỷ trọng các vị thế trading trong các nhịp hồi sớm và chỉ gia tăng tỷ trọng trở lại nếu về vùng hỗ trợ đối với các cố phiếu mục tiêu.
Cùng chung tâm lý, Công ty Chứng khoán Phú Hưng – PHS cho rằng, thị trường nằm trong xu hướng giảm. Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc tận dụng nhịp hồi kỹ thuật để đưa danh mục về tỷ trọng an toàn.
Nguồn: [Link nguồn]
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông 2022. Theo đó, ngân hàng này ghi nhận 1 tỷ USD lợi nhuận trước thuế.