Thị trường chứng khoán tuần qua: Tiếc nuối, hoảng loạn, giận dữ rồi lại hy vọng
Sau nhiều phiên tăng điểm dựng đứng, tuần vừa qua NĐT chứng kiến thị trường những phen nhuộm đỏ rơi tự do, liên tiếp nghẽn lệnh,… sau đó lại quay đầu tăng khiến nhiều NĐT không khỏi hoảng loạn tới đau tim.
Thị trường nhuộm sắc đỏ sau nhiều phiên tăng chóng mặt
Nếu như kết thúc phiên giao dịch ngày 04/06 của tuần trước, chỉ số VNI thiết lập đỉnh lịch sử khi chạm và vượt mốc 1.500 điểm, thì sang tuần này TTCK liên tiếp chứng kiến các phiên “tắm máu”.
Tại hai phiên giao dịch đầu tuần ngày 07 và 08/06 NĐT chứng kiến VNI giảm thảm hại trên diện rộng khi có thời điểm mất tới 38.90 điểm tức 2.86% về mức 1319.88 điểm. HNX cũng không kém khi mất 12.24 điểm và mất tới 3.84 % còn sâu hơn cả HOSE về mức 306.39 điểm. UPcom cũng bay màu và giảm 2.68 điểm tức 2.99% về mức 86.40 điểm vào cuối phiên ngày 08/6.
Đầu tuần vừa qua, thị trường bất ngờ quay đầu giảm sốc sau nhiều phiên tăng chóng mặt
Tuy nhiên, vào các phiên giao dịch cuối tuần, ngày 11/6 VNI bất ngờ phục hồi mạnh mẽ. NĐT chứng kiến dòng tiền lại “cuồn cuộn” đổ vào thị trường, VN-Index bứt phá hơn 22 điểm.
Đặc biệt, đầu phiên giao dịch buổi chiều diễn ra khá hưng phấn với sự bứt phá mạnh của nhiều nhóm cổ phiếu. Trong đó, ngân hàng, chứng khoán vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền. Tuy nhiên, dù tăng mạnh mẽ ngày cuối tuần, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thể bù đắp được hết mức giảm đầu tuần.
Chứng kiến thị trường quay đầu giảm sốc trong các phiên ngày đầu tuần, trên một số diễn đàn nhiều người vui đùa rằng: “Kết thúc phiên mà tan nát cõi lòng khi VNI còn mỗi cái nịt và nhanh chóng về 1319 điểm mất gần 39 điểm”...
Đối với một số NĐT có kinh nghiệm chứng kiến những cú đảo chiều ngoạn mục thì cho rằng, những phiên “tắm máu” này không phải quá mới đối với những nhà đầu tư cũ.
“Mốc ngày 19/1 là những phiên gần nhất để NĐT trải nghiệm, nhưng với những nhà đầu tư mới tham gia từ 2-3 tháng nay thì sẽ sợ, hoang mang và kêu trời “vì sao nó lại giảm sâu thế?”. Thực tế, đây là bài học xương máu bởi thị trường tài chính và thị trường chứng khoán không bao giờ là dễ dàng” – tài khoản có tên Sơn Nguyễn chia sẻ.
Còn với tài khoản có tên Hong Ha thì cho rằng: “Điều này là việc tất lẽ. Với giai đoạn lên quá khủng vừa qua thì cần có một gáo nước dội cái đầu đang quá nóng của sàn”.
Tương tự, tài khoản Trịnh Thắng cũng cho rằng, là lẽ tự nhiên thôi. “Trời oi nóng quá thì mưa giông phải đến. Và hiện tượng này cũng tồn tại trên thị trường chứng khoán khi lực mua tăng mạnh và nhanh đến từ các nhà đầu tư cá nhân.
Hàng loạt NĐT giận dữ, đề nghị HoSE ngừng giao dịch
Cũng trong tuần vừa qua, khá nhiều NĐT đã tỏ ra bức xúc thậm chí giận dữ do hệ thống giao dịch chứng khoán thường xuyên trong tình trạng bất ổn.
Nhiều NĐT than thở, thậm chí bức xúc khi thị trường liên tiếp nghẽn lệnh
Đơn cử, anh T.Đ.Tuân (nhà đầu tư tại Hà Nội) kể: Ngày 7/6, anh quyết định chốt lời sau một thời gian cầm cổ phiếu SSI. Tại thời điểm đó, giá khớp trên bảng là 48.650 đồng/cổ phiếu và có 300.000 cổ phiếu mua với giá 48.500 đồng. Anh đặt lệnh LO (lệnh giới hạn) bán 90.000 cổ phiếu SSI với giá 48.500 đồng/cổ phiếu nhưng lệnh treo, 15 phút sau khi đặt, lệnh mới lên sàn. Lúc đó, diễn biến thị trường đã xấu đi trong khi công ty chứng khoán lại áp dụng dừng tính năng sửa/ hủy lệnh khiến anh không thể cập nhật giá cho khớp với diễn biến của thị trường.
Lệnh bị "khóa" đến cuối phiên, trong khi giá liên tục giảm khiến anh Tuân không bán được cổ phiếu. Các phiên sau đó, giá SSI liên tục sụt giảm. “Đến hôm nay, giá SSI đã giảm xuống còn 44.000 đồng/phiếu, so với điểm đỉnh tôi định bán, tôi thiệt hại tới 320 triệu đồng. Những phần thiệt hại này là do lỗi của lãnh đạo HoSE”, anh Tuân nói. Được biết, hàng loạt nhà đầu khác trong mấy phiên vừa qua cũng bày tỏ bức xúc tương tự anh Tuân.
Một số người phản ánh, kể cả khi đặt lệnh MP (lệnh mua bán chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất/giá mua cao nhất hiện có trên thị trường) cũng mất 5-7 phút mới hiện lên sàn. Bảng điện tử lúc đứng hình, khi nhảy lung tung khiến nhà đầu tư không thể cập nhật chính xác diễn biến giao dịch để đặt lệnh bán mà không bị thiệt hại. Việc các công ty chứng khoán tạm dừng tính năng sửa/hủy lệnh cũng bị nhà đầu tư phản đối gay gắt, đặc biệt trong bối cảnh HoSE liên tục gặp sự cố. Nhiều nhà đầu tư khẳng định, việc hạn chế sửa, hủy lệnh khiến nhà đầu tư phải đặt lệnh trong cảnh đoán mò xu hướng. Theo đó, họ kẹt giữa hai lựa chọn: vốn/cổ phiếu bị treo tới hết phiên nếu lệnh LO không khớp, hoặc chấp nhận đua lệnh MP mua bán bằng mọi giá.
Quá bức xúc, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư có ý kiến đề nghị HoSE ngừng giao dịch khi không sửa được các lỗi hiện tại. Cùng với đó, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HoSE cần phải từ chức vì để nhà đầu tư bị thiệt hại rất lớn.
Thậm chí, trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư kêu gọi cộng đồng ký tên, đứng đơn kiện HoSE và Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà vì vận hành, quản lý hệ thống yếu kém, để xảy ra sự cố triền miên, gây thiệt hại kinh tế cho nhà đầu tư.
Quyết định thanh tra sàn chứng khoán TP. HCM Trước tình trạng nghẽn lệnh thường xuyên nhưng mãi chưa xử lý dứt điểm, mới đây, ngày 10/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã yêu cầu khẩn trương thanh tra hành chính tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE). Việc thanh tra được thực hiện trong bối cảnh hệ thống giao dịch chứng khoán trong nửa năm qua thường xuyên trong tình trạng bất ổn. Tình trạng nghẽn, chậm phản hồi lệnh đẩy nhiều nhà đầu tư vào những rủi ro khó lường. Hệ thống giao dịch của HoSE khoảng một tháng trở lại đây thường xuyên "treo" 30-90 phút khiến nhà đầu tư giận dữ vì giao dịch một cách mù mờ, thiếu thông tin. Cá biệt phiên giao dịch đầu tháng 6, khi lượng lệnh lớn ồ ạt đổ vào thị trường và đẩy thanh khoản lên trên 21.700 tỷ đồng trong buổi sáng, HoSE phải ra quyết định tạm dừng giao dịch buổi chiều để ngăn chặn sự cố. HoSE nhiều lần đề xuất giải pháp nâng lô giao dịch từ 10 lên 100, sau đó từ 100 lên 1.000 (nhưng không thực hiện), chuyển niêm yết một số doanh nghiệp ra sàn Hà Nội và tạm dừng tính năng huỷ, sửa lệnh Đỉnh điểm, nhiều nhà đầu tư đồng loạt phản ứng sau khi nhiều công ty chứng khoán không cho sửa, huỷ lệnh trên sàn HoSE từ 2/6 nhằm hạn chế tình trạng quá tải hệ thống. Sau đó một tuần, các công ty đã thông báo mở lại tính năng này nhưng một số đơn vị vẫn giới hạn vào khung giờ cao điểm. Trước đó, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) từng gửi văn bản lên Bộ Tài chính đề xuất thay lãnh đạo HoSE, cam kết giúp Bộ tìm nhân sự nước ngoài có kinh nghiệm thay các vị trí lãnh đạo HoSE khi việc nghẽn lệnh kéo dài. VAFI lập luận, tình trạng nghẽn lệnh xảy ra hàng ngày, việc không biết chính xác quan hệ cung cầu, không thể mua hoặc bán khiến quyền lợi nhà đầu tư và uy tín của thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng lớn. |
Trong số 4 người tự ứng cử đã trúng cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV chỉ có duy nhất 1 nữ doanh nhân.
Nguồn: [Link nguồn]