Thị trường chứng khoán biến động: Nhiều người lãi lớn và những "chiến lược" bất ngờ
Trước những phiên giao dịch đầy biến động của thị trường chứng khoán thời gian gần đây khiến nhiều nhà đầu tư choáng váng. Tuy nhiên, cũng đang có những nhà đầu tư gặt hái thành công khi xuống tiền đúng thời điểm.
Nhà đầu tư lãi lớn dù thị trường biến động
Mới tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2023, chị Thanh Nhàn (Hà Nội) thừa nhận thực sự bị sốc trước biến động của thị trường trong những phiên giao dịch gần đây. “Thị trường chứng khoán đúng là không dành cho những người yếu tim khi liên tục có những phiên giao dịch biên độ biến động đến hơn 30 điểm”.
“Thị trường chứng khoán đúng là không dành cho những người yếu tim khi liên tục có những phiên giao dịch biên độ biến động đến hơn 30 điểm” - chị Thanh Nhàn (Hà Nội).
Chị Nhàn chia sẻ, trước những biến động của thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây khiến khoản đầu tư của mình giảm lãi chỉ còn hơn 3% so với con số hơn 8% chỉ cách đây 1 tuần.
Vẫn có những nhà đầu tư kiếm lời lớn trong thời kỳ biến động của thị trường
Trong khi đó, anh Thường – một nhà đầu tư cá nhân lâu năm khác tại Hà Nội chia sẻ cũng đang thắng lớn khi đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp BĐS chuyên về nhà ở xã hội. Theo đó, sau những thông tin tích cực về hỗ trợ cho thị trường BĐS, đặc biệt là nhóm nhà ở xã hội thời gian gần đây giúp mã cổ phiếu của doanh nghiệp này liên tục tăng kịch trần. Do đó, khoản đầu tư của anh đang tạm thời ghi nhận mức lãi ròng lên tới hơn 20% chỉ sau ít ngày.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như anh Thường và chị Nhàn khi tài khoản chứng khoán đầu tư của nhiều người vẫn đang âm từ vài % đến vài chục % khi hàng loạt mã cổ phiếu liên tục giảm so với mức đỉnh trong năm 2022.
“Nếu ai mua PVC, chứng kiến phiên 22/2 thì thực sự đau tim. Tôi đầu tư 300 triệu mà trong khoảnh khắc thôi tài khoản bay hơi tới 42 triệu, hỏi có nhà đầu tư nào không sốc?” – anh Nguyễn Quốc Khánh (38 tuổi, Hà Nội).
Anh Chính (Nam Định) cho biết, anh bỏ vốn đầu tư vào chứng khoán từ cuối năm 2021, sau hơn một năm liên tục bị “sóng chứng” đánh cho tơi tả đến nay khoản đầu tư của anh vẫn đang ghi nhận mức âm hơn 20% so với số vốn bỏ ra ban đầu. “Nhiều người bạn của tôi đã trở nên giàu có nhờ đầu tư vào thị trường chứng khoán đúng thời điểm. Với cá nhân, sau một năm đầy biến động của thị trường chứng khoán, lúc này tôi chẳng mong gì hơn là khoản đầu tư của mình có thể sớm hoàn vốn trong thời gian tới”, anh Chính chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, anh Quốc Khánh (Hà Nội) than thở, cứ mong rằng gom vài mã để bắt đáy, ai dè liên tục đau tim. Điển hình là phiên 22/2 vừa qua. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cuối phiên sáng PVC đã tăng mạnh lên 16,7 nghìn đồng/CP nhưng ngay sau đó bất ngờ rơi thẳng đứng về 14,6 nghìn đồng/CP.
Những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cho rằng đây là thời kỳ của đầu tư dài hạn thay vì lướt sóng
“Nếu như phiên đầu tuần hai mã cổ phiếu PVC và PLX đều bốc đầu tăng mạnh thì phiên ngày 22/2 lại giống như búa tạ giáng cho những nhà đầu tư cú đau điếng. Thực sự sốc nặng” – anh Khánh bần thần chia sẻ.
Cũng theo lời anh Khánh, chỉ tính riêng mã PVC thì chốt phiên giao dịch ngày 22/2, tài khoản của anh đã bị bay hơi 42 triệu đồng.
“Thị trường biến động quá bất ngờ, đầu tư 300 triệu mà trong khoảnh khắc thôi tài khoản bay hơi tới 42 triệu, hỏi có nhà đầu tư nào không sốc?” – anh Khánh nói thêm.
Anh Linh (Hà Nội) một nhà đầu tư với hơn 5 năm kinh nghiệm chia sẻ bản thân không quá bất ngờ với những biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian gần đây. “Thị trường sau khi tăng mạnh trong năm 2021 và đầu năm 2022 đã liên tục “đổ đèo” trong thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư đu đỉnh choáng váng, trong đó không ít người đã phải cắt lỗ 3-4 lần.
“Tôi không quá bất ngờ với những biến động của thị trường thị trường hiện nay. Thời điểm này là dành cho những người đầu tư lâu dài chứ không phải lướt sóng như giai đoạn năm 2021 và đầu năm 2022” - Anh Linh (Hà Nội).
Theo anh Linh, để có thể làm giàu ở thị trường này, nhà đầu tư cần có kiến thức về các mã cổ phiếu mình lựa chọn. Bên cạnh đó, yếu tố bản lĩnh trong những thời điểm biến động của thị trường và các mã cổ phiếu cũng rất quan trọng.
“Thị trường hiện nay là dành cho những người đầu tư lâu dài chứ không phải lướt sóng như giai đoạn năm 2021 và đầu năm 2022 vừa qua. Nhiều người thấy cổ phiếu giảm là bán bằng mọi giá, do đó khi nó tăng lại tiếc nuối. Việc lướt sóng cổ phiếu thời gian này dễ khiến các nhà đầu tư đứt tay” – anh Linh nhấn mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động cùng thế giới
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 1 tuần giao dịch đầy biến động với biên độ dao động lớn, rung lắc trong các phiên. Cụ thể, sau khi hồi phục nhẹ 0,4% vào tuần trước đó với thanh khoản đi ngang, chỉ số VN-Index bắt đầu tuần mới (phiên 20/2) bằng một phiên tăng điểm mạnh lên mức 1.086,7 điểm, tăng 2,6% so với phiên trước đó (phiên 17/2). Nhưng nỗ lực phục hồi trong phiên đầu tuần đã bị xóa bỏ bởi áp lực bán liên tục xuất hiện và gia tăng mạnh trong các phiên còn lại khiến VN-Index lùi về dưới vùng điểm 1.040.
Tuần 20-24/02/2023 là một tuần giao dịch bi quan của thị trường chứng khoán khi hai chỉ số thị trường đều đồng loạt giảm. VN-Index giảm 1,86% so với tuần trước, chính thức thủng mốc 1,050 điểm và kết thúc tuần ở 1.039.56 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,25%, còn 207.32 điểm.
Thanh khoản thị trường tuần qua tăng mạnh, với giá trị giao dịch bình quân 3 sàn tăng 29,2% lên mức 12.919 tỷ đồng/phiên. Đà giảm của thị trường một phần đến từ khối ngoại khi khối này bán ròng 1.421 tỷ đồng trên sàn HOSE, tăng 201,2% so với tuần trước. Khối ngoại chỉ mua ròng trên sàn HNX-Index và UPCOM-Index với giá trị thấp, lần lượt đạt 125 tỷ, tương ứng tăng 98,4% so với tuần trước và gần 7 tỷ đồng, giảm 58,3% so với tuần trước.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần qua - Ảnh chụp màn hình
Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho toàn bộ các nhóm ngành chính đều có sự suy giảm. Nhóm cổ phiếu tài chính giảm mạnh nhất với 2,8% giá trị vốn hóa.
Các nhóm ngành cổ phiếu thuộc nhóm tài chính còn lại là chứng khoán và bảo hiểm cũng giảm, nhưng mức đóng góp là ít hơn vào mức giảm chung của ngành tài chính. Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí với mức giảm 2,6% giá trị vốn hóa.
Ngành hàng tiêu dùng giảm 2,2% vốn hóa, do chịu áp lực điều chỉnh đến từ các cổ phiếu trụ cột như MSN giảm 5,9%, VNM giảm 1,7%, BHN giảm 1,1%...
Thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tiêu cực trước áp lực lạm phát.
Trong tuần giao dịch vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến khá ảm đạm với các mức trồi sụt thất thường, khiến Phố Wall khép lại tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2023.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/2, chỉ số Dow Jones giảm 1% xuống 32.816,92 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1% còn 3.970,04 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,7% xuống 11.394,94 điểm.
Các chỉ số này khép lại tuần qua với mức giảm mạnh nhất trong năm 2023. S&P 500 giảm 2,7%, đánh dấu tuần tồi tệ nhất kể từ ngày 9/12/2022. Dow Jones mất gần 3% trong tuần này, ghi nhận 4 tuần giảm liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 3,3%, đánh dấu tuần sụt giảm thứ 2 trong 3 tuần qua.
Cơ hội nào cho đầu tư chứng khoán năm 2023
Dù thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục có những biến động mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chứng khoán Việt Nam vẫn được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Tại chương trình Bí mật Đồng tiền mới đây, ông Barry David Weisblatt, Giám đốc Chiến lược đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cho biết điểm độc đáo của thị trường Việt Nam là vẫn mang tính địa phương với hơn 90% các giao dịch đến từ nhà đầu tư trong nước. Bởi vậy, tính biến động của thị trường Việt Nam là khá cao, điển hình là những cú xoay chuyển trong vòng 2-3 năm vừa qua.
Ông Barry David Weisblatt, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) - Ảnh BMĐT
Bên cạnh đó, ông Barry cũng đánh giá tiềm năng ở thị trường Việt Nam là rất lớn. Năm 2022, có thêm một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân mở mới tài khoản trên thị trường. Đồng thời, các sản phẩm cũng phát triển hơn, đa dạng hơn như thêm sự lựa chọn ETF cho các nhà đầu tư trong nước.
“Điểm độc đáo của thị trường Việt Nam là vẫn mang tính địa phương với hơn 90% các giao dịch đến từ nhà đầu tư trong nước” - ông Barry David Weisblatt, Giám đốc Chiến lược đầu tư SSIAM
Để có thể đầu tư vào chứng khoán Việt Nam, vị giám đốc chiến lược SSIAM cho rằng nhà đầu tư cần sự kiên nhẫn bởi thị trường khá biến động. Kiên nhẫn trong dài hạn chính là một chiến lược phù hợp.
Trên góc nhìn của mình, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI, chia sẻ bản thân đã gặp gỡ với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài tại các buổi hội thảo. Ông cho biết mức độ quan tâm của những NĐT này tới thị trường Việt Nam là cực kỳ lớn. Bên cạnh dòng tiền từ Hàn Quốc và Thái Lan, Mr. X30 kỳ vọng dòng tiền từ Đài Loan (Fubon) năm 2023 có thể gia tăng và duy trì ở mức ổn định.
Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng đầu tư dài hạn giống như trồng cây, thỉnh thoảng cần phải cắt tỉa và chăm sóc một chút giống như hành động tái cấu trúc danh mục của bất kỳ nhà đầu tư nào. Chứ không phải chúng ta trồng cây theo cách thả xuống đất và bỏ mặc cho nó lớn lên.
Ông Phạm Lưu Hưng (trái), Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI - Ảnh chụp màn hình
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) đưa ra ba kịch bản cho thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2023. Theo đó, kịch bản cơ sở (có xác suất cao) là chỉ số đạt 1.258 điểm trong năm 2023, tăng 24,9% so với phiên 30/12/2022 và tăng 12,6% so với phiên 27/1/2023. Kịch bản bi quan là chỉ số giảm điểm, dao động quanh ngưỡng 1.000. Kịch bản lạc quan, chỉ số đạt 1.405 điểm, khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) “quay xe” trong việc điều hành lãi suất cuối năm nhằm hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiềm chế lạm phát.
“Trong giai đoạn “mưa đã tạnh nhưng mây chưa tan”, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ” - ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích YSVN.
“Kịch bản cơ sở là kịch bản xảy ra có xác suất cao nhất. Tuy nhiên, theo phân tích mô hình dự phóng của chúng tôi, kịch bản bi quan có xảy ra thì chỉ số VN-Index cũng có thể sẽ không giảm mạnh trong năm 2023 và vẫn biến động quanh mức 1.000 điểm”, chuyên gia của YSVN nhận định.
Trong giai đoạn “mưa đã tạnh nhưng mây chưa tan”, ông Minh cho rằng, các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ trong 6 tháng đầu năm 2023 cho đến khi có thay đổi hành động điều hành chính sách tiền tệ mới từ Fed.
“TTCK vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, ít nhất nửa đầu năm nay” - ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu VCBF.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), TTCK đã phục hồi khá trong hai tháng trở lại đây với kỳ vọng đầu tư công được thực hiện một cách hiệu quả sẽ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong dài hạn và từ đó giúp tạo nên một nền tảng phát triển vững chắc cho TTCK Việt Nam về trung và dài hạn. Còn trong ngắn hạn, cụ thể là năm nay, TTCK vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh chính sách tiền tệ vẫn ở trong trạng thái thắt chặt và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết thì vẫn có khả năng tiếp tục sụt giảm trong ít nhất nửa đầu năm nay.