Tháo “vòng kim cô” tín dụng cho chứng khoán

TTCK đang đợi NHNN sớm đưa tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán ra khỏi diện phi sản xuất như đề nghị của Bộ Tài chính.

Các thành viên TTCK đang đợi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sớm đưa tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán ra khỏi diện phi sản xuất như đề nghị của Bộ Tài chính. Kiến nghị này vừa giải tỏa “điểm nghẽn” tâm lý cho thị trường, vừa tạo thay đổi lớn trong cách nhìn, cách hành xử của cơ quan quản lý cho đúng với bản chất của TTCK.

12 năm, vẫn 1 cách nhìn

Việc tín dụng chứng khoán bị đưa vào diện phi sản xuất, theo một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực chứng khoán, trong thời gian dài đã tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường nhiều hơn chỉ ở khía cạnh dòng tiền. Đáng nói là sau hơn 12 năm ra đời và phát triển, TTCK vẫn phải đối mặt với một cách nhìn, một cách hành xử chưa đúng với bản chất của thị trường, khi tín dụng cho lĩnh vực này vẫn bị “vòng kim cô” phi sản xuất chi phối.

Tháo “vòng kim cô” tín dụng cho chứng khoán - 1

Tín dụng chứng khoán cần có cơ chế quản lý mới, tối ưu hơn cho cả ngân hàng và TTCK

Người đứng đầu NHNN đương nhiệm đã từng có lần chia sẻ, TTCK không thể “xanh, đỏ” theo chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, “sự từng trải” này chỉ có thể diễn ra ở thì tương lai. Lý do là bởi không thể phủ nhận một thực tế, sự phát triển của TTCK Việt Nam chưa đạt đến độ sâu cần thiết, để đủ sức giảm thiểu tác động của sự biến động chính sách tiền tệ. Điều này giải thích tại sao thị trường luôn có tâm lý “nghe nhạc hiệu” trên thị trường tiền tệ, để “đoán chương trình” về diễn biến chứng khoán. Chừng nào “vòng kim cô” phi sản xuất vẫn tồn tại cùng với cơ chế vận hành nó đang bộc lộ không ít bất cập, sẽ tiếp tục khiến cho TTCK chịu những hệ lụy khôn lường.

Nói như vậy, dễ có ý kiến phản biện, phải chăng lĩnh vực chứng khoán đang đi đòi chính sách tiền tệ có sự ưu ái, nuông chiều? Không hề, có chăng chỉ là trả lại cách nhìn nhận thấu đáo, đúng bản chất phát triển của TTCK với tư cách là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế. Không phải không có nguyên do khi tín dụng cho chứng khoán bị xếp vào diện phi sản xuất. Nhưng rõ ràng, cách nhìn nhận này dường như thiên về bề nổi với cái lý: tín dụng bơm ra bị các tay đầu cơ trên TTCK sử dụng để “lướt lát” cổ phiếu, mà chưa nhìn nhận thỏa đáng phần không nhỏ tín dụng chảy vào các DN, nhất là thông qua các đợt phát hành tăng vốn.

Nói đến chuyện phát hành tăng vốn qua TTCK, thì chính ngành ngân hàng chứ không phải đối tượng DN nào khác, đã không dưới một lần thừa nhận, TTCK chính là “bầu sữa” quá quan trọng thỏa mãn cho tốc độ tăng vốn điều lệ đến chóng mặt của hệ thống ngân hàng thương mại trong những năm gần đây, để đạt chuẩn vốn điều lệ liên tục nâng cao của NHNN. Chưa cần nói đến DN thuộc các ngành khác ngoài ngân hàng sử dụng đồng vốn có được từ các đợt huy động qua TTCK như thế nào, chỉ cần nhìn vào việc sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng thương mại, đã đủ lý lẽ chứng minh tín dụng đã đi vào DN, đi vào sản xuất như thế nào. Ở đây có điều đáng nói là, việc cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán của các tổ chức tín dụng đã tuân thủ các nguyên tắc quản trị rủi ro chưa, hay họ chấp nhận đánh đổi rủi ro lớn để có được lợi nhuận cao?

Vị chuyên gia đầu ngành không khỏi trăn trở khi đưa ra lời kết cho hệ lụy của việc tín dụng chứng khoán bị đặt vào diện phi sản xuất. Đó là khi rơi vào trạng thái lạnh, thì “vòng kim cô” càng khiến TTCK ảm đạm trầm trọng hơn, ngược lại khi thị trường nóng, thì các ngân hàng thương mại lại gần như không đủ lý trí để “nói không” cho vay đối với lĩnh vực chứng khoán. Thực tế, khi TTCK nóng, tín dụng càng làm cho thị trường nóng thêm, bởi các ngân hàng tìm đến chứng khoán như là một kênh cho vay hấp dẫn vì thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao so với cho các lĩnh vực khác vay... Đến đây, sự bất hợp lý của việc duy trì “vòng kim cô” đã thấy rõ, bởi nó luôn tác động vào TTCK theo những chiều hướng “cực đoan”, hoặc quá nóng, hoặc quá lạnh.

Một bước gỡ, đa lợi ích

Việc gỡ bỏ “vòng kim cô” đối với tín dụng cho lĩnh vực chứng khoán, không phải là thả lỏng quản lý, mà thực chất là thay thế bằng một cơ chế quản lý mới, tối ưu hơn cho cả ngân hàng lẫn TTCK. Theo đó, quản lý tín dụng cho chứng khoán bằng hạn mức cho vay với tỷ lệ phù hợp theo chuẩn quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng. Cùng với sự ổn định dần của bối cảnh vĩ mô, cơ chế này cho phép dần khắc phục được bất cập lớn nhất hiện nay của việc duy trì “vòng kim cô” là gần như không phát huy hiệu năng trong việc tránh để cho TTCK rơi vào trạng thái hoặc quá nóng, hoặc quá lạnh như đang diễn ra.

Đặc biệt, từ thực tiễn tái cấu cơ nền kinh tế đang đặt ra đòi hỏi khách quan, cần sớm đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi khu vực phi sản xuất. Thực tế đang chứng minh, khi TTCK ảm đạm kéo dài như hiện tại, thì việc tái cơ cấu DNNN với 2 nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đang đặt ưu tiên lên hàng đầu là: đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa; các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn tất thoái vốn đầu tư ngoài ngành trước năm 2015, đang ở vào tình thế “giậm chân tại chỗ”. Tình trạng này sẽ khó được cải thiện chừng nào TTCK còn ảm đạm. Còn trong bối cảnh này mà cứ cổ phần hóa, cứ thoái vốn cho đảm bảo lộ trình, thì chuyện bán vốn không được giá kỳ vọng là đương nhiên. Khi đó, đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên và lớn nhất không phải ai khác chính là... Nhà nước.

“Dòng tín dụng lành mạnh cần góp sức để TTCK không rơi vào trạng thái quá ‘lạnh’”


Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát (APG)

Đòn bẩy tài chính là con dao hai lưỡi không chỉ với NĐT tham gia TTCK. Những cú vấp ngã của không ít tổ chức kinh doanh chứng khoán thời gian qua cho thấy, việc lạm dụng đòn bẩy tài chính đi kèm với buông lỏng quản trị rủi ro thường mang lại cho CTCK sự mất mát nhiều hơn là được. Vì quá “ngấm” sự thực này, nên ngay cả khi các tổ chức tín dụng mở “van” đối với cho vay chứng khoán, thì CTCK, NĐT không phải lúc nào cũng hào hứng vay kịch “room” cho phép. Thực tế hiện tại đang là một ví dụ.

Trong khi các ngân hàng đang ra sức chào mời CTCK vay vốn, nhưng không dễ giải ngân, thì đang có dòng vốn chảy ngược từ CTCK vào ngân hàng. Lẽ ra, lúc TTCK khó khăn, ảm đảm như hiện tại, dòng tín dụng lành mạnh cần góp sức để TTCK không rơi vào trạng thái quá “lạnh” như hiện tại. Đây là lý do Bộ Tài chính muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét đưa tín dụng cho chứng khoán ra khỏi khu vực phi sản xuất. Qua đó, góp phần tạo thêm một yếu tố hỗ trợ thị trường, nhất là về mặt tâm lý trong bối cảnh nhiều đánh giá cho thấy TTCK đang phải đối mặt với những khó khăn lớn nhất sau hơn 12 năm hoạt động.

“Sẽ phần nào giải tỏa tâm lý coi bất động sản, chứng khoán là ‘tội đồ’ gây ra những biến động lớn”

Ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận Phân tích, CTCK BIDV (BSC)

Việc đưa tín dụng cho chứng khoán ra khỏi khu vực phi sản xuất sẽ là động thái tích cực đối với TTCK, nhất là về dài hạn, trong đó có tác động trực tiếp về hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực chứng khoán. Về ngắn hạn, quyết định này sẽ có tác động chủ yếu lên tâm lý NĐT, khi động thái của các cơ quan quản lý đang phát đi một tín hiệu là thị trường sẽ được quan tâm và nhìn nhận đúng bản chất hơn. Đặc biệt, động thái này sẽ phần nào giải tỏa tâm lý coi bất động sản, chứng khoán là “tội đồ” gây ra những biến động lớn trong nền kinh tế thời gian qua.

Hiện tại, dư nợ cho vay chứng khoán không đáng kể, bởi nhu cầu vay chứng khoán chưa mạnh và thị trường còn nhiều khó khăn, nên tác dụng trực tiếp của quyết định này nếu được triển khai trên thực tế sẽ không nhiều. Tuy nhiên, khi thị trường có dấu hiệu hồi phục, hệ số sử dụng đòn bẩy tài chính của NĐT cao hơn sẽ phát sinh nhu cầu vay nhiều hơn, khi đó việc đưa tín dụng chứng khoán ra khỏi khu vực phi sản xuất có thể hỗ trợ thị trường khá lớn. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Đạo (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN