"Thăng hoa" rồi "lao dốc" vì chứng khoán, các "chứng sĩ" ra sao sau 1 năm?
Thất nghiệp, tài sản tích cóp trong gần 10 năm đi làm cũng “bay” sạch sau “bữa tiệc” chứng khoán từ một năm trước, giờ đây anh Đinh Minh Luân (32 tuổi, Hà Nội) - nhà đầu tư nghiệp dư cho hay anh đang làm tạm tại một nhà hàng và nộp hồ sơ chờ công việc mới.
Từ thăng hoa... tới trầm cảm
Anh Luân cho hay, năm 2020 anh đã dùng khoản tiền tích lũy 500 triệu đồng để đầu tư chứng khoán. May mắn, chỉ sau một thời gian ngắn, số tiền trên đã tăng lên hơn 2 tỷ đồng nhờ các cổ phiếu mà anh mua tăng mạnh trong giai đoạn đầu của đại dịch.
Nhiều nhà đầu tư trở nên trầm cảm khi số tiền hàng tỷ đồng đầu tư bỗng "bay" sạch
Khi lợi nhuận đầu tư cổ phiếu tăng lên, anh Luân cùng một số nhà đầu tư trẻ rút tiền mua ô tô, đi du lịch, đi chơi quán bar, thậm chí anh sẵn sàng thuê những khu nghỉ dưỡng cao cấp và cùng nhóm bạn dành cả tuần ăn chơi.
Anh Luân cho biết anh tiếp tục sử dụng đòn bẩy tài chính để gia tăng số mã cổ phiếu mà anh tin tưởng là tiềm năng.
Tuy nhiên, khi “bữa tiệc” chứng khoán kết thúc, tài sản của anh nhanh chóng bốc hơi vì một số quyết định đặt cược sai lầm. Tiền cũng nhanh chóng cạn kiệt vì kiểu chi tiêu quá mức của anh. Anh Luân rơi vào trầm cảm, công việc IT ổn định anh cũng đành phải xin nghỉ vì không còn sức lực.
Giờ đây, sau gần một năm kể từ khi rời xa bảng điện tử, bình tâm trở lại, anh Luân tạm thời làm quản lý tại một nhà hàng giúp người bạn thân.
“Tiền mặt không còn, ô tô cũng không còn, nhưng khoản nợ hơn 300 triệu từ người bạn thân thì vẫn còn đó. Tôi thực sự không thể ngờ cuộc đời tôi thay đổi, trở thành thảm cảnh nhanh đến như vậy. Tôi chỉ biết trách bản thân quá ảo tưởng về chuyện làm giàu” – anh Luân nói thêm.
Anh Hải – nhà đầu tư 35 tuổi (Bình Dương) cũng là một người thua lỗ khoản tiền hơn một tỷ đồng từ cổ phiếu thì lại lạc quan cho hay: “Tôi quá tham lam nên bị cuốn vào vòng xoáy siêu lợi nhuận, tôi không ngại dùng đòn bẩy để đầu tư. Khi thị trường lao dốc trở tay không kịp và trở thành con nợ lớn. Tôi nhanh chóng phải bán nhà, cùng vợ con dọn đi ở thuê để có tiền trả nợ”.
“Tôi đang bắt đầu lại từ con số không. Thị trường tăng mạnh thì giảm mạnh là điều dễ hiểu. Tôi mới mua lại một số mã, nhưng thận trọng hơn và sẽ không dùng đòn bẩy ” – anh Hải nói thêm.
Giống như anh Luân và anh Hải, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ rút lui khỏi thị trường sau một năm tồi tệ nhất đối với cổ phiếu. Những nhà đầu tư nghiệp dư khác đang giảm vị thế nắm giữ cổ phiếu và thận trọng hơn với các khoản đặt cược của họ.
Tiền vào chứng khoán giảm mạnh?
Trên thực tế, tính đến cuối tháng 3, thống kê cho thấy vốn hoá thị trường chứng khoán sụt giảm khá mạnh trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM. Theo giới chuyên gia, thị trường đang có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM tính đến cuối tháng 3.2023 là hơn 7,308 triệu tỉ đồng (giảm hơn 20% so với cùng thời điểm này năm trước)
Số liệu của Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cho thấy, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM tính đến cuối tháng 3.2023 là hơn 7,308 triệu tỉ đồng (giảm hơn 20% so với cùng thời điểm này năm trước).
Như vậy, chỉ sau 1 năm, vốn hóa thị trường cổ phiếu bị thổi bay hơn 2,1 triệu tỉ đồng, giảm mạnh từ 9,446 triệu tỉ đồng thời điểm ngày 31.3.2022 xuống chỉ còn 7,308 triệu tỉ đồng vào cuối tháng 3.2023.
Cụ thể, từ tháng 3.2022 - 3.2023, riêng sàn HoSE giảm từ hơn 5,907 triệu tỉ đồng xuống còn hơn 4,246 triệu tỉ đồng; sàn HNX giảm từ HNX hơn 497 nghìn tỉ đồng xuống còn hơn 259 nghìn tỉ đồng và sàn UPCoM giảm từ hơn 1,472 triệu tỉ đồng xuống còn hơn 969 nghìn tỉ đồng.
Trong khi đó, cơ quan chức năng thống kê cho thấy trong tháng 3, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 39.552 tài khoản chứng khoán. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tháng 3 tăng hơn 2 triệu tài khoản so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về thị trường thời điểm này, các chuyên gia đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen.
Các yếu tố rủi ro bất định từ trong và ngoài nước vẫn đang hiện hữu có thể kể đến như: Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất ở mức cao; rủi ro hệ thống ngân hàng quốc tế; kinh tế suy thoái; áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ hội cũng dần được mở ra trong bối cảnh nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện như dấu hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ khi Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất điều hành; một số chính sách mới được ban hành hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản cũng như toàn nền kinh tế.
Theo dự kiến, một số tuyến phố trên 5 mét, sau khi chừa lại 1,5 mét cho người đi bộ, sẽ được thí điểm để cho thuê với giá 45.000 đồng/m2/tháng.
Nguồn: [Link nguồn]