Tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết mất mốc 4.000 tỷ đồng
Kể từ khi bán chui gần 75 triệu cổ phiếu FLC, khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã liên tục "lao dốc" thời gian gần đây. Hiện khối tài sản của doanh nhân người Vĩnh Phúc đã giảm về mốc dưới 4.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán sát ngày cuối năm âm lịch 2021 diễn biến khá ảm đạm cả về thanh khoản lẫn chỉ số. Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/1 chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.470,76 điểm, tức giảm 10,8 điểm (0,73%) so với phiên hôm qua.
Sàn niêm yết HNX có mức giảm nhẹ hơn 0,55 điểm (0,13%) về mức 411,27 điểm. UPCoM-Index giảm 0,29% về 108,73 điểm.
Những cổ phiếu nhóm FLC đã giao dịch ổn định trở lại nhưng tiếp tục bị bán mạnh theo thị trường; trong đó riêng ROS giảm hết biên độ đây cũng là phiên nằm sàn thứ 4 liên tiếp của mã cổ phiếu này trong tuần, FLC giảm 3,3% và đây cũng là phiên giảm thứ 4 liên tiếp của mã này, HAI giảm 2,5%, ngược lại KLF và AMD đứng ở tham chiếu và ART thậm chí tăng 2,2%.
Cùng với đà giảm của cổ phiếu FLC và ROS trong tuần này, khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết tiếp tục lao dốc về dưới 4.000 tỷ đồng.
Theo đó, khối tài sản của doanh nhân người Vĩnh Phúc tại Tập đoàn FLC đang có giá thị trường chỉ còn hơn 2.240 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nhân sinh năm 1975 còn nắm giữ hơn 1.487 tỷ đồng thông qua cổ phiếu GAB, 161 tỷ đồng thông qua mã cổ phiếu ROS và 30 tỷ đồng thông qua ART.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 27/1, tính theo giá trị thị trường khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết giảm còn 3.918 tỷ đồng. So với kết phiên giao dịch ngày 20/1, khối tài sản của Chủ tịch Tập đàn FLC tiếp tục giảm thêm 407 tỷ đồng nữa.
Khối tài sản của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã giảm về dưới 4.000 tỷ đồng cùng đà giảm của cổ phiếu FLC
Bất chấp đà giảm của cổ phiếu FLC trong tuần này, mới đây Tập đoàn FLC chính thức ra mắt thương hiệu Vàng - Trang sức cao cấp FJC và khai trương showroom đầu tiên.
Trong kế hoạch phát triển, chuỗi showroom FJC sẽ tiếp tục được mở rộng tại những khu mua sắm cao cấp, trung tâm thương mại sang trọng trong các quần thể du lịch nghỉ dưỡng, khu đô thị phức hợp do Tập đoàn FLC đầu tư tại các thành phố lớn trên khắp cả nước
Ở lĩnh vực hàng không, hãng bay Bamboo Airways cũng đã chính thức công bố đường bay thẳng Việt Nam – Đức. Theo kế hoạch, Bamboo Airways dự kiến khai thác đường bay thường lệ khứ hồi kết nối Hà Nội – Frankfurt từ ngày 25/2/2022, với tần suất ban đầu 2 chuyến khứ hồi/tuần, tần suất chung sẽ được nâng dần lên theo nhu cầu thị trường.
Thông tin từ Tập đoàn FLC cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2022 là gần 27.000 tỷ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18 nghìn tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu.
Nếu tính thêm các lĩnh vực bổ trợ như hàng không và mảng đầu tư thi công, kế hoạch doanh thu của toàn hệ thống ước tính là 42 nghìn tỷ đồng.
Nhận định về diễn biến phiên giao dịch chứng khoán ngày 28/1, các chuyên gia của CTCK VCB (VCBS) nhận định chỉ số tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực của đường trung bình động 10 ngày (tương ứng quanh vùng 1.460 điểm), nhưng mặt khác thì áp lực chốt lời tiếp tục gia tăng tại ngưỡng 1.490 điểm và VN-Index tạm thời chưa tìm được động lực để bứt phá khỏi mốc cản này.
VCBS nhìn nhận các chỉ số vẫn đang nằm trong xu hướng lình xình mang tính tích lũy lại sau một nhịp giảm mạnh, nhưng nhà đầu tư vẫn cần theo dõi sát sao những diễn biến trên thị trường trước khi ra quyết định đầu tư ngắn hạn trong bối cảnh VN-Index thất bại trước ngưỡng 1.490 điểm và hoàn toàn có khả năng sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ quanh 1.450 điểm.
VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc chốt lời một phần danh mục nếu như đã "bắt đáy" thành công trong những phiên cuối tuần trước và đầu tuần này, tạm thời gia tăng tỷ trọng tiền mặt và chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về xu hướng thị trường trước khi đưa ra các quyết định giải ngân mới.
Các chuyên gia của CTCK MB (MBS) cho rằng việc thị trường điều chỉnh là hoàn toàn bình thường, dòng tiền càng có nhiều cơ hội để cơ cấu sang nhóm cổ phiếu bluechips khi nhóm smallcap đã đi vào thị trường giá xuống, trong khi đó nhiều khả năng nhóm midcap vẫn đang trong quá trình test lại mức đáy sau nhịp giảm trong tháng 1 này.
Bên cạnh đó, thị trường cũng chỉ giao dịch 1 phiên nữa (28/01) là tạm nghỉ lễ dài ngày, trong thời gian này thị trường chứng khoán thế giới sẽ có thời gian để đánh giá lại thông điệp từ Fed, trong trường hợp thị trường có chiết khấu thêm thông tin từ Fed thì khi thị trường trong nước trở lại giao dịch, yếu tố này cũng đã qua.
Các chuyên gia của CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS) đưa ra quan điểm những phiên giao dịch cuối năm Âm lịch thường là giai đoạn mà thị trường giao dịch với thanh khoản dần cạn kiện và năm nay cũng không nằm ngoại lệ.
Theo dữ liệu mà SHS thống kê trong lịch sử thì thị trường chứng khoán thường tăng điểm sau kỳ nghỉ Tết. Điều này đã diễn ra 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 (ngoại trừ năm 2020 thị trường giảm do Covid-19). Do đó, thời điểm trước Tết, những phiên giảm điểm sâu sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư tích lũy thêm cổ phiếu để đón sóng tăng đầu năm mới.
Ngoài ra, phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch cũng thường kết thúc trong sắc xanh với 5/6 lần trong giai đoạn 2016-2021 (ngoại trừ năm 2019 thị trường giảm). Do đó, SHS cũng kỳ vọng VN-Index sẽ có sự hồi phục để hướng đến vùng kháng cự 1.475-1.485 điểm (MA20-50) trong phiên 28/1.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2021, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đã nộp vào ngân sách...