Tài sản của ông Trịnh Văn Quyết "bốc hơi" hơn 1.430 tỷ đồng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã giảm hơn 1.400 tỷ đồng sau hành động bán không báo cáo 74,8 triệu cổ phiếu FLC hôm 10/1. Bên cạnh đó những nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của tỷ phú người Vĩnh Phúc cũng đang bị thiệt hại nặng nề.

Trong tuần giao dịch từ ngày 10 đến 14/1, những cổ phiếu ngành BĐS bị ảnh hưởng nặng nề sau hai sự kiện tiêu cực là Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bán không báo cáo 74,8 triệu cổ phiếu FLC và Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất đấu giá 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.

Theo đó, sau hành động bán không báo cáo 74,8 triệu cổ phiếu của chủ tịch Trịnh Văn Quyết trong phiên giao dịch ngày 10/1, cổ phiếu FLC đã liên tục lao dốc từ mức đỉnh lịch sử 22.550 đồng (ngày 7/1) xuống chỉ còn 16.100 đồng/cổ phiếu ngày 14/1, tương đương mức giảm 29% về giá trị. Trong đó cổ phiếu FLC có 2 phiên giảm sát sàn và 3 phiên cuối tuần mất thanh khoản ở giá sàn.

Không chỉ những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu FLC chịu ảnh hưởng nặng nề do hành động bán không báo cáo cổ phiếu của vị đại gia 47 tuổi. Khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết cũng giảm mạnh theo đà giảm của những cổ phiếu trong danh mục đang sở hữu.

Do bị hủy giao dịch lô 74,8 triệu cổ phiếu FLC bán không báo cáo nên chủ tịch Trịnh Văn Quyết vẫn đang nắm giữ 215,4 triệu cổ phiếu với tỷ lệ hơn 30,3% vốn công ty. Theo đó, tài khoản của cá nhân này cũng sụt giảm gần 1.400 tỷ đồng trong tuần vừa qua (chỉ tính riêng với mã cổ phiếu FLC). Giá trị thị trường của lượng cổ phiếu FLC mà ông Quyết đang nắm giữ chỉ còn hơn 3.400 tỷ đồng.

Không chỉ riêng mã FLC, vụ bán không báo cáo kinh điển của ông Trịnh Văn Quyết còn làm vạ lây đến các cổ phiếu thuộc hệ sinh thái của tập đoàn này.

Theo đó, tình cảnh "nằm sàn" cũng diễn ra hàng loạt với các cổ phiếu có liên quan như ROS, KLF, HAI, AMD, ART khi giảm sàn 4-5 phiên trong tuần và không có thanh khoản.

Theo ghi nhận, trong tuần giao dịch từ ngày 10 đến 14/1, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đã giảm 1.438 tỷ đồng cùng với đà giảm của những mã cổ phiếu đang nắm giữ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/1, khối tài sản của ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ có giá trị còn 5.240 tỷ đồng. Tương đương mức giảm 21,5% về giá trị so với khối tài sản đại gia người Vĩnh Phúc sở hữu khi chốt phiên giao dịch ngày 7/1 trước đó (6.678 tỷ đồng).

Dù đã bị phong tỏa toàn bộ những tài khoản chứng khoán sau vụ bán không báo cáo gần 75 triệu cổ phiếu FLC, khối tài sản của ông Quyết được dự đoán sẽ tiếp tục lao dốc trong thời gian tới khi giới đầu tư tài chính cho rằng vẫn chưa biết khi nào những cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC có thanh khoản trở lại.

Dù cổ phiếu FLC kết thúc phiên giao dịch ngày 14/1 với mức giá 16.100 đồng/cổ phiếu, nhưng trên các hội nhóm, diễn đàn đầu tư về chứng khoán mã cổ phiếu này đang được rao thu mua thỏa thuận với giá giảm sâu chỉ 5.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, đây sẽ là thiệt hại rất lớn cho những nhà đầu tư mua cổ phiếu FLC ở vùng giá đỉnh 22.550 đồng/cổ phiếu (ngày 7/1).

Trong khi đó, nhận định về thị trường chứng khoán trong phiên giao dịch ngày 17/1, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo thị trường có thể tiếp tục thể hiện những nỗ lực hồi phục trong phiên sáng. Theo đó, chỉ số đại diện VN-Index có thể sẽ kiểm định kháng cự MA5 hoặc MA10 ngày ở khu vực 1.500-1.510 điểm.

Nếu VN-Index có thể vượt thuyết phục mốc 1.510 điểm với khối lượng giao dịch cao, VCSC tin rằng chỉ số này sẽ có khả năng sẽ kiểm định và vượt qua kháng cự đỉnh gần nhất tại 1.530 điểm để tiếp tục chinh phục các mốc cao mới. Ngược lại, nếu lực cầu không đủ mạnh và nhường lại ưu thế cho bên bán, khiến VN-Index đóng cửa dưới đường MA20 tại 1.495 điểm, chỉ số này có thể sẽ giảm để kiểm định các hỗ trợ tại 1.475 điểm hoặc thấp hơn là 1.440 điểm.

Các chuyên gia của công ty chứng khoán SHS nhận định mức thanh khoản cao trong tuần qua đã cho thấy là bên bán đã chiếm ưu thế, nhưng cây nến rút chân trong biểu đồ tuần cũng thể hiện việc lực cầu bắt đáy tương đối tốt trong vùng hỗ trợ tạo bởi đường trung bình 20 ngày và 50 ngày đã giúp VN-Index không giảm sâu.

Theo SHS, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng với hơn 800 tỷ đồng cũng là một điểm tích cực.

Với việc đánh mất ngưỡng 1.500 điểm thì rõ ràng là xu hướng của VN-Index đã bị suy yếu, nhưng với việc vẫn kết tuần trên vùng hỗ trợ 1.480-1.495 điểm (MA20-50) thì vẫn có thể kỳ vọng vào sự hồi phục của thị trường trong tuần giao dịch tiếp theo.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI (SSI) khá lạc quan về thị trường chứng khoán trong tuần mới. Theo SSI, mặc dù còn chịu biến động, chỉ số VN-Index vẫn trong xu hướng tăng hướng đến vùng giá mục tiêu tiếp theo nằm tại 1.550 điểm sau khi đã hồi phục trở lại từ vùng hỗ trợ mạnh 1.470 điểm, là đường xu hướng tăng hình thành từ tháng 07/2021 cho đến nay.

Chủ siêu doanh nghiệp có vốn điều lệ 500 nghìn tỷ đồng tuyên bố giải thể

Không góp đủ vốn như đăng ký kinh doanh, siêu doanh nghiệp có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng đã tuyên bố giải thể chỉ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN