“Sân chơi nóng” tuần qua: Cổ phiếu BĐS tăng phi mã cùng giá đất kỷ lục tại Thủ Thiêm
Sau phiên đấu giá rúng động với mức giá 2,4 tỷ đồng/m2 ở Thủ Thiêm, cổ phiếu nhóm ngành bất động sản có một tuần (từ 13 đến 17/12) tăng phi mã. Trong khi đó, các cổ đông ngành ngân hàng, thép có tuần giao dịch thất vọng.
Trong ngày 10/12 vừa qua 4 lô đất tại Thủ Thiêm đã được đấu giá thành công, trong đó, cá biệt lô 3-12 được Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (đại diện cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng đấu giá 24.500 tỷ đồng, tương ứng mỗi mét vuông chạm ngưỡng 2,4 tỷ đồng, gấp 8 lần giá khởi điểm.
Sau phiên đấu giá gây rúng động dư luận, cổ phiếu nhóm nhóm ngành BĐS có một tuần giao dịch hết sức sôi động, với sắc xanh xuất hiện ở phần lớn các mã cổ phiếu trong nhóm này. Cụ thể, trong tuần vừa rồi, có tới 60 mã cổ phiếu tăng giá và chỉ 21 mã cổ phiếu kết phiên trong sắc đỏ.
Khác với giai đoạn trước đó khi mà dòng tiền đổ mạnh vào các cổ phiếu cho thuê bất động sản khu công nghiệp, lần này những cổ phiếu về bất động sản nhà ở lại thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Giá đất đấu giá kỷ lục tại Thủ Thiêm giúp cổ phiếu doanh nghiệp BĐS có tuần tăng phi mã
Trong đó, cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng ghi nhận đà tăng 32,85% và là cổ phiếu có đà tăng cao nhất trên HOSE. Cổ phiếu CEE của CTCP Xây dựng Hạ tầng CII và cổ phiếu CII của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 32,21% và 28,80%. Bên cạnh đó BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp - CTCP cũng ghi nhận mức tăng 26,21%; VHM của CTCP Vinhomes tăng 4,45%; AGG tăng 15,12%,…
Xét theo mức độ đóng góp chỉ riêng bộ 3 cổ phiếu VHM, BCM và DIG của nhóm ngành BĐS đã đóng góp tổng cộng hơn 11 điểm tăng cho thị trường trong tuần.
Trong khi đó, ngành ngân hàng lại tiếp tục gây thất vọng, với mức giảm cả tuần khoảng 1,45%. Trong nhóm này, có tới 13 mã giảm giá và chỉ 6 mã cổ phiếu kết thúc tuần ở mức giá cao hơn tuần trước đó.
Trong tuần qua, cổ phiếu ngân hàng lớn đầu ngành như VCB, VPB, MBB hay TCB đều đồng loạt giảm giá, trong đó VCB và VPB giảm mạnh lần lượt ở mức 3,5% và 5,59%.
Mức tăng của một số mã ngân hàng vốn hóa nhỏ hơn như NVB, VIB hay MSB là không đủ để giúp ngành ngân hàng tăng điểm. Chỉ tính riêng mức giảm của hai cổ phiếu ngân hàng là VCB và VPB đã cùng nhau kéo thị trường xuống hơn 5 điểm giảm trong tuần qua.
Với các cổ đông của những doanh nghiệp thép, tiếp tục trải qua một tuần giao dịch kém vui. Theo đó, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đóng cửa ở mức giá 46.700 đồng/cổ phiếu, tương đương chỉ tăng 200 đồng so với tuần trước. Với mức tăng này, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long không có quá nhiều biến động so với tuần trước đó. Tuy nhiên, so với mức giá đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu thiết lập ngày 28/10, cổ phiếu HPG của Hòa Phát vẫn đang giảm 19,4%.
Cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen tích cực hơn khi ghi nhận mức tăng nhẹ 1.970 đồng trong tuần vừa qua, tương đương mức tăng 5,7%. Cổ phiếu NKG của CTCP Thép Nam Kim ghi nhận mức tăng 1.650 đồng, tương đương mức tăng hơn 4,4%. Trong khi cổ phiếu SMC của CTCP Đầu tư Thương mại SMC tăng nhẹ 750 đồng, tương đương 1,7%.
Mặc dù vậy, thị giá của các doanh nghiệp thép như NKG, HSG, SMC vẫn còn khoảng cách rất xa với mức đỉnh trước đó khiến cổ đông thép “đu đỉnh” chưa biết khi nào có thể “về bờ”.
Ở phiên cuối tuần (17/12), có thời điểm VN-Index tăng gần 10 điểm. Nhưng sự rung lắc mạnh ở phiên ATC đã rút ngắn gần như toàn bộ những điểm tăng trước đó. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,22% đóng cửa ở mức 1.479,79 điểm, tương đương mức tăng 16,25 điểm so với chốt phiên giao dịch ngày 10/12.
Phần lớn đà tăng của VN-Index trong tuần qua đến ở phiên đầu tuần (13/12/2021), khi chỉ số này tăng hơn 13 điểm. Tuy bắt đầu tuần hết sức hứng khởi, nhưng ở các phiên sau đó, VN-Index hầu như không có biến động gì đáng kể. Trong 4 phiên này, VN-Index chỉ có thể nới rộng lên thêm hơn 3 điểm tăng nữa.
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE hơn 909 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 20,06% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình gần 117 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5,11%.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 2.000 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 1.859 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 140 tỷ đồng trên sàn HNX.
Chỉ trong thời gian ngắn, “ông lớn” BĐS Quảng Ninh đã bị hai ngân hàng siết nợ hàng trăm tỷ đồng bằng việc thanh lý...
Nguồn: [Link nguồn]