Phó tổng giám đốc VPBank muốn chi gần 600 tỷ đồng mua cổ phiếu giàu cỡ nào?
Trước khi muốn chi gần 600 tỷ đồng để mua cổ phiếu ngân hàng mình làm Phó tổng giám đốc thường trực, nữ đại gia sinh năm 1980 này vừa rời vị trí lãnh đạo ở một loạt doanh nghiệp.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) mới đây phát đi thông báo cho biết bà Phạm Thị Nhung, Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu VPB với mục đích cá nhân.
Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh. Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra trong giai đoạn ngày 6/2-7/3. Tạm tính theo thị giá của cổ phiếu VPB kết phiên sáng ngày 4/2, bà Nhung có thể phải chi 561 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Theo giới thiệu, bà Phạm Thị Nhung là Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc khối quản lý đối tác và quan hệ đối ngoại VPBank từ năm 2023. Tháng 4/2024, bà được Đại hội đồng cổ đông ngân hàng bầu làm Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025, và vẫn tiếp tục kiêm nhiệm các chức danh trong Ban tổng giám đốc ngân hàng.
Bà Phạm Thị Nhung dự kiến chi gần 600 tỷ đồng để gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tại VPB
Trước khi đăng ký mua 30 triệu cổ phiếu VPB, bà Phạm Thị Nhung đang trực tiếp nắm giữ 6,066 triệu cổ phiếu VPB (0,08% vốn). Tính theo giá thị trường, khối tài sản bà Nhung đang trực tiếp có giá trị khoảng hơn 113 tỷ đồng.
Nếu hoàn tất giao dịch đã đăng ký, bà Nhung sẽ nâng lượng sở hữu tại ngân hàng này lên 36,07 triệu cổ phiếu (0,45% vốn), tương đương khối tài sản trên sàn chứng khoán trị giá hơn 674 tỷ đồng (tính theo giá kết phiên sáng 4/2).
Ngoài vị trí Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc thường trực VPBank bà Phạm Thị Nhung từng làm lãnh đạo ở một loạt doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm 2024 của VPB, nữ doanh nhân sinh năm 1980 từng sở hữu 20% vốn điều lệ và giữ vị trí Chủ tịch hội đồng thành viên của Công ty TNHH Thịnh Kiên; bà Nhung cũng giữ vị trí Chủ tịch hội đồng thành viên của công ty TNHH Thịnh Điền và sở hữu 21,154% vốn điều lệ và giữ vị trí Chủ tịch hội đồng thành viên của Công ty TNHH thẩm định giá Thịnh Tín.
Tuy nhiên, trong báo cáo quản trị năm 2024 của VPB mới công bố, các doanh nghiệp nói trên không còn xuất hiện trong mục liên quan đến bà Phạm Thị Nhung.
Về tình hình kinh doanh của VPBank, năm 2024, ngân hàng này ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 85% so với năm liền trước, đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp ngân hàng này báo lãi ròng gần 16.000 tỷ đồng
Riêng quý IV/2024, lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này đã vượt 6.100 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng ghi nhận hơn 5.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,56 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Dù thuộc lứa tuổi 9X, những thiếu gia này đang sở hữu khối tài sản lên tới vài nghìn tỷ đồng, vượt xa nhiều gương mặt kỳ cựu trên sàn chứng khoán Việt...
Nguồn: [Link nguồn]
-05/02/2025 13:51 PM (GMT+7)