Người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán
Lượng người gia nhập và các phiên thanh khoản chứng khoán đạt kỷ lục trong thời gian gần đây, nhiều công ty chứng khoán dự báo VN-Direct có thể đạt trên 1.500 điểm.
Thị trường chứng khoán liên tục xuất hiện các phiên đạt thanh khoản tỷ đô trong thời gian qua. Bên cạnh đó, lượng người gia nhập lĩnh vực này ghi nhận cao kỷ lục, cơn sốt mua bán cổ phiếu trong thời dịch ngày càng lan rộng, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Lượng người gia nhập thị trường cao kỷ lục
Dòng tiền của các F0 ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán, trong đó có không ít nhà đầu tư trẻ. Anh Lê Huy Cường (23 tuổi, Bắc Ninh) vừa tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội. Tuy nhiên, anh chưa tìm việc do đăng ký học thêm 2 năm thạc sỹ. Việc học bận rộn, chiếm nhiều thời gian và không thể làm thêm kiếm thu nhập, anh quyết định tìm hiểu về chứng khoán và dùng tiền học bổng tích lũy được để đầu tư.
Anh Cường thừa nhận nhiều lần "mất ăn mất ngủ" vì số tiền đầu tư vào đây. "Dù không phải chuyên ngành nhưng tôi đã tìm hiểu kỹ. Phần vốn đổ vào không nhiều nhưng dù sao đó cũng là tiền đã tiết kiệm trong thời gian dài nên tôi phải cẩn trọng, tham khảo thêm nhiều người trước khi giao dịch". Anh Cường cho biết sau 2 tháng tham gia đã có lãi dù không đáng kể.
Nhiều người ở các ngành nghề, độ tuổi khác nhau đều lấn sân chứng khoán. (Ảnh minh họa)
Không chỉ các nhà đầu tư trẻ, hiện nhiều người ở các ngành nghề, độ tuổi khác nhau đều lấn sân chứng khoán. Có người muốn chứng khoán trở thành một kênh đầu tư hiệu quả nhưng cũng có những người coi đó là một nơi để học hỏi kinh nghiệm.
Chị Phạm Ngọc Giang (24 tuổi, Hà Nội) hiện là nhân viên văn phòng cho công ty cung cấp dịch vụ hải quan, nhập khẩu thiết bị y tế. Chị Giang cho biết giai đoạn Covid-19 phải làm việc ở nhà nhiều nên bức bách và muốn tìm thêm nghề tay trái. Chị và đồng nghiệp tìm hiểu về chứng khoán qua các kênh youtube và quyết định đầu tư.
"Tôi đầu tư chứng khoán theo kiểu mua chung, nhóm đồng nghiệp cùng đánh giá xem cổ phiếu nào tốt thì cả nhóm mua, thắng chung hoặc "chết" chung", chị nói.
Chị Giang thừa nhận bản thân và cả nhóm đã nhiều lần tâm trạng lên - xuống theo bảng điện. "Tôi đề ra nguyên tắc giá cổ phiếu tăng 10-15% là chốt lời, không được tham", chị nói thêm. Sau hơn một năm tham gia, chị cho biết đã dần hiểu về chứng khoán và sẽ đầu tư lâu dài.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), chỉ riêng 10 tháng đầu năm 2021, có hơn 3,82 triệu tài khoản đang giao dịch, tăng 129.751 tài khoản so với tháng trước.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 3,81 triệu tài khoản, chiếm hơn 99,6% tổng tài khoản đang giao dịch. Tháng 10 ghi nhận thêm 129.204 cá nhân mới tham gia thị trường chứng khoán, tăng 11,2% so với hồi tháng 9 vừa rồi.
Tính tổng 10 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư cá nhân mở mới 1.085.285 tài khoản chứng khoán, vượt xa tổng số tài khoản mở mới trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 cộng lại. Các cá nhân trong nước đã có 8 tháng liên tiếp duy trì mức mở mới trên 100.000 tài khoản/tháng.
Theo Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HOSE), thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước.
Trong tháng 10/2021, tổng giá trị và khối lượng giao dịch cổ phiếu lần lượt đạt khoảng 464.925 tỷ đồng và 15,31 tỷ cổ phiếu, tăng lần lượt 11,24% về giá trị và 7,81% về khối lượng so với tháng 9/2021.
Liên tục xuất hiện các phiên giao dịch tỷ đô
Chỉ tính riêng sàn HOSE, trong ba phiên ngày 2/11, 3/11 và 4/11, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 99.700 tỷ đồng, trong khi cả tháng 12 năm trước mới đạt xấp xỉ 257.000 tỉ đồng. Tổng giá trị giao dịch ở sàn này trong tháng 10/2021 đạt hơn 464.900 tỉ đồng.
Số liệu từ HOSE cho biết nhà đầu tư trong nước đang chiếm khoảng 90% tỷ trọng giao dịch trong ngày. Từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã rút ròng hơn 52.800 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
Riêng ngày 3/11, tổng thanh khoản sàn HOSE và HNX đạt hơn 52.000 tỷ đồng, đánh dấu kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam, xô đổ kỷ lục cũ 38.350 tỷ đồng được thiết lập ngày 20/8.
Tính đến ngày 12/11, VNIndex đang ở mức 1.461 điểm. (Ảnh: tradingview)
Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân trong nước đa phần thích "lướt sóng". Do đó, trong thời gian tới khối ngoại tiếp tục rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, việc cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, gắn liền với hoạt động niêm yết trên sàn chứng khoán, sẽ gặp khó khăn khi thiếu vắng nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, từ tháng 10, thị trường chứng khoán đã không còn xảy ra tình trạng quá tải, chậm xử lý lệnh giao dịch. Việc triển khai hệ thống mới của FPT đã xử lý triệt để tình trạng nghẽn lệnh tại sàn HOSE, nâng công suất xử lý lên 3-5 lần.
Theo Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước.
Nhiều kịch bản khả quan
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Đại học Kinh tế quốc dân, đà ảnh hưởng đến nền kinh tế của làn sóng Covid-19 vẫn còn kéo dài khiến các tỉnh thành chưa thể quay trở lại hoạt động giao thương bình thường các và xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể khiến triển vọng thị trường chứng khoán trong ngắn hạn khó có thể bứt phá mạnh.
"Chúng tôi cho rằng tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn sau nhịp điều chỉnh trong tháng 7 - 8; hiện định hướng và kế hoạch mở cửa lại nền kinh tế có thể là chỉ báo của thị trường", ông cho biết.
Dù nền kinh tế hứng chịu tiêu cực do làn sóng Covid-19 lần thứ tư bùng phát, nhưng VN-Index vẫn tăng hơn 330 điểm kể từ đầu năm đến nay. Nhiều công ty chứng khoán đã công bố báo cáo chiến lược thị trường với những phân tích cũng như dư báo biến động của VN-Index trong tháng 11.
Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra 2 kịch bản, ở kịch bản 1, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng tích cực, hướng tới vùng cao mới từ 1.500-1.550 điểm nhờ tâm lý tích cực và gói hỗ trợ kinh tế được Quốc hội thông qua. Ở kịch bản 2, VN-Index có thể tăng điểm nhưng mất dần đà tăng vào nửa cuối tháng 11. Chỉ số sau khi tăng sẽ điều chỉnh và tích lũy trên 1.420 điểm.
Cùng quan điểm, công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng đưa ra 2 kịch bản về thị trường chứng khoán trong tháng 11. Cụ thể, kịch bản 1, VN-Index hướng thẳng về mức 1.534 điểm với xác suất 70%. Ở kịch bản thứ hai, VN-Index giảm về khoảng 1.363-1.380 điểm với xác suất 30%. Tỉ lệ margin/vốn hóa đạt mức 2,75% trong quý IV, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014 đến nay.
Theo nhận định của chuyên gia phân tích từ Chứng khoán VNDirect, thị trường chứng khoán phần nào phản ánh rủi ro giảm giá liên quan đến làn sóng Covid-19 thứ tư. Kỳ vọng VN-Index tháng 11 dao động trong khoảng 1.380-1.480 điểm, VNDirect cho rằng định giá thị trường vẫn hấp dẫn với tầm nhìn dài hạn và tiếp tục được hỗ trợ bởi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân cá nhân trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ở mức thấp hiện nay.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) dự báo thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng điểm trước các kỳ vọng phục hồi trong giai đoạn bình thường mới. Theo đó, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.380-1.490 điểm.
Chứng khoán Everest (EVS) cũng dự báo VN-Index có thể tiệm cận mốc 1.470 điểm. Lợi nhuận quý III của các công ty niêm yết vượt kỳ vọng, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư mới và thu hút dòng tiền tìm kiếm lợi nhuận vào nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn giúp VN-Index có thể chinh phục mốc kỷ lục.
SSI Reseach lại dự báo VN-Index có thể dao động trong khoảng 1.400-1.480 điểm vào thời gian còn lại của tháng 11.
Upcom lên ngôi khi hàng loạt cổ phiếu tím lịm đã mang lại không ít lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Nguồn: [Link nguồn]