Ngân hàng ông Nguyễn Đức Thụy làm chủ tịch công bố kế hoạch đổi tên
Cùng với động thái muốn đổi tên ngân hàng, khối tài sản của Chủ tịch Nguyễn Đức Thụy trên sàn chứng khoán cũng ghi nhận tăng mạnh.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận diễn biến tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/2, kết phiên chỉ số VN-Index tăng 18,4 điểm, lên mức 1.276,6 điểm; HNX-Index tăng 2,27 điểm, kết phiên lên mức 241,34 điểm. Xét cho cả tuần giao dịch từ 08-12/04, chỉ số VN-Index tổng cộng tăng 21,49 điểm (+1,71%), HNX-Index tăng 1,66 điểm (+0,69%).
Cùng với đà tăng ấn tượng của chỉ số VN-Index, mã cổ phiếu LBP của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) cũng có phiên giao dịch tích cực khi tăng kịch trần để đóng cửa ở mức giá 19.550đ/cổ phiếu. Không chỉ tăng mạnh về thị giá, thanh khoản của LBP cũng tăng hơn 2 lần so với phiên liền trước với hơn 15,1 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay với giá trị giao dịch đạt hơn 288,5 tỷ đồng.
Xét cho cả tuần giao dịch (từ 08-12/04), mã cổ phiếu LBP ghi nhận mức tăng 14,33% so với giá kết phiên cuối tuần trước cùng thanh khoản trung bình đạt hơn 9,7 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu LBP liên tục tăng
Mã cổ phiếu LBP ghi nhận tăng mạnh trong bối cảnh nhà băng này công bố kế hoạch đổi tên trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Cụ thể, với phương án 1, ngân hàng ông Nguyễn Đức Thụy làm chủ tịch muốn đổi tên từ Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng TMCP Bưu điện Việt Nam. Còn phương án 2 là đổi từ Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam.
Ngoài ra, ngân hàng cũng thay đổi kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024, từ 9.500 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Còn mục tiêu về tăng trưởng tín dụng và huy động tăng 15,9% và 11,2% so với cuối năm 2023. Cùng với đó, LPBank cũng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Sau tuần giao dịch tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 15/4, chuyên gia công ty chứng khoán Vietcap dự báo lực mua có thể tiếp tục được thúc đẩy tại nhóm vốn hóa lớn và trung bình sau khi tín hiệu ngắn hạn được cải thiện. VN-Index có thể sẽ tăng và kiểm định mốc đỉnh gần nhất tại 1.290-1.295 điểm trước khi xuất hiện sự rung lắc tại đây. Mặc dù vậy, với mức đáy cao hơn vừa thiết lập (tại 1.250 điểm vs 1.235 điểm trong tháng 3), Vietcap thấy có khả năng VN-Index sẽ vượt đỉnh gần nhất để tăng lên 1.305-1.310 điểm.
Chuyên gia công ty chứng khoán SSI đánh giá đà tăng VN-Index đã vượt ngưỡng cản 1.264 điểm và tiến lên biên trên vùng tích luỹ trước đó tại 1.276 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX có tín hiệu tích cực nhẹ trong vùng trung tính cho kỳ vọng đà tăng tiếp diễn hướng đến vùng 1.283 - 1.286 điểm.
Chuyên gia của CTCK Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư cân nhắc giải ngân đối với những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có tín hiệu hồi phục ổn định và thu hút dòng tiền tốt như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng.
Chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) đánh giá trong phiên cuối tuần trước, hiệu ứng tích cực lan tỏa trên nhóm nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã dẫn dắt thị trường, hình thành mẫu nến marubozu với lực cầu có tín hiệu cải thiện, mở ra cơ hội tăng điểm trở lại cho chỉ số.
Mặc dù vậy, nhiều khả năng VN-Index sẽ gặp áp lực rung lắc trở lại quanh vùng 1.300 (+/-10) điểm, vùng mà chỉ số đã kiểm định thất bại trước đó. Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua đuổi trong các nhịp hồi phục, ưu tiên quản trị rủi ro danh mục và chỉ trải lệnh mở mua với tỷ trọng nhỏ quanh các ngưỡng hỗ trợ xa.
Nguồn: [Link nguồn]
Dù tình hình kinh tế chung vẫn còn khó khăn, với các nhà đầu tư cá nhân, trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm cũng đã đủ để nhiều người tranh thủ bỏ túi hàng tỷ đồng tiền lời sau quyết định xuống tiền của mình.