Nằm sàn liên tiếp, loạt cổ phiếu rẻ hơn cốc trà đá thậm chí suýt rơi vào nhóm "báo động đỏ"
Theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo nếu cổ phiếu niêm yết tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tiếp. Với đà giảm hiện nay, nhiều cổ phiếu suýt rơi vào nhóm phải báo cáo, giải trình.
Phiên giao dịch đầu tuần (20/6), nhiều cổ phiếu tiếp tục rơi mạnh sau khi đã giảm giá nguyên tuần qua.
VN-Index rơi thủng mốc 1.200 điểm, cổ phiếu lại la liệt nằm sàn. Trên HoSE, đã có mã về dưới 2.000 đồng/cổ phiếu, là mức giá thấp nhất, lâu rồi mới thấy.
Cổ phiếu lớn gây áp lực lớn lên chỉ số, VN30 cũng có tới 5 cổ phiếu giảm sàn trong số 27 mã giảm giá. Gần 140 cổ phiếu HoSE giảm sàn.
Phiên đầu tuần, hàng loạt cổ phiếu tiếp tục rơi mạnh sau khi đã giảm giá nguyên tuần qua
Ở nhiều nhóm ngành, cổ phiếu giảm sàn chiếm áp đảo: Dầu khí, xây dựng, thép, chứng khoán. Nhiều mã trong số này đã giảm tới 30% chỉ trong 1 tuần. Theo quy định mới, doanh nghiệp sẽ phải báo cáo nếu cổ phiếu niêm yết tăng trần/giảm sàn 5 phiên liên tiếp. Với đà giảm hiện nay, nhiều cổ phiếu suýt rơi vào nhóm phải báo cáo, khi có 4 phiên giảm sàn, và 1 phiên xuống sát giá sàn.
Gần nhất, LDG, TGG, SJF “nằm sàn” 5 phiên liên tiếp, đã có giải trình với UBCKNN. Lý do doanh nghiệp đưa ra, giá cổ phiếu giảm là do cung cầu của thị trường và thị hiếu của nhà đầu tư nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.
Ngoài ra, như TGG (CTCP Louis Capital) còn có lý do, người đứng đầu TGG bị bắt gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các đơn vị thành viên và giá cổ phiếu của công ty.
Đà giảm lan rộng mọi nhóm ngành, khiến số lượng cổ phiếu giá trà đá tăng vọt. Kết thúc phiên đầu tuần, trên HoSE có khoảng 30 cổ phiếu dưới 5.000 đồng. Chỉ cách đây nửa năm, đà tăng của thị trường dường như thiết lập mặt bằng mới cho thị giá cổ phiếu, khiến ngay cả những mã dưới 10.000 đồng trên HoSE cũng trở nên khan hiếm.
Hiện, HAI là cổ phiếu thị giá thấp nhất HoSE, giá giảm về dưới 2.000 đồng/cổ phiếu. Các mã họ FLC thị giá đang thấp hơn ly trà đá, như ROS, AMD, KLF hơn 2.000 đồng/cổ phiếu, FLC 3.650 đồng/cổ phiếu, ART 4.200 đồng/cổ phiếu.
Nhận định phiên giao dịch ngày 21/6, các công ty chứng khoán cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN, cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm ngắn hạn và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng 1.155 điểm trong phiên kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn tiếp tục gia tăng cho thấy áp lực giảm giá vẫn cao, điểm tiêu cực là dòng tiền tiếp tục suy yếu ở các mức giá thấp cho thấy mức hiện tại của thị trường vẫn chưa đủ hấp dẫn dòng tiền ngắn hạn. Tuy vậy, các chỉ báo xung lượng đang quay trở lại vùng quá bán cho thấy lực cầu giá thấp có thể sẽ sớm gia tăng ở vài phiên tới
Tương tự, Công ty Chứng khoán MB – MBS cho rằng, VN-Index nhiều khả năng sẽ có phiên kiểm nghiệm đáy.
Theo MBS, VN-Index nhiều khả năng sẽ có phiên kiểm nghiệm đáy tháng 5 vào ngày mai. Trong trường hợp chỉ số này không giữ được mức đáy, áp lực bán sẽ còn mạnh hơn. Ở chiều ngược lại, một phiên ép chỉ số thủng đáy rồi kéo lên tạo cây nến rút chân có thể là tín hiệu tích cực để thu hút dòng tiền vào bắt đáy khi nhiều nhóm cổ phiếu đã giảm sâu kể từ đỉnh như chứng khoán, vật liệu xây dựng, bất động sản,… nhà đầu tư nên quan sát diễn biến kiểm nghiệm đáy của thị trường và xử lý danh mục theo cổ phiếu hơn là tham chiếu theo chỉ số chung.
Với góc nhìn khả quan hơn, Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội - SHS lại kỳ vọng thị trường có thể hồi phục
Sau hai phiên 15 và 17/6 test hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm thành công, những tưởng thị trường có thể tiếp tục đi lên để hướng đến những mức cao mới. Tuy vậy, thị trường lại giảm mạnh trong phiên đầu tuần với thanh khoản cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất cho bên bán đã hoàn toàn áp đảo trước bên mua ở thời điểm hiện tại.
Trong kịch bản tích cực, nếu bên mua trở nên chủ động hơn và bên bán suy yếu thì không loạt trừ khả năng thị trường có thể sớm hồi phục để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.200 điểm. Qua đó mở ra khả năng hồi phục của thị trường.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, sự hỗ trợ của lực cầu trong tuần giao dịch tới giúp thị trường phân hóa và hồi phục trở lại…