Một ngân hàng có tài sản đạt 2,5 triệu tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam
Mức tăng tài sản 192.000 tỷ đồng chỉ trong 1 quý của BIDV tương đương với tài sản của ngân hàng Eximbank, gấp rưỡi tổng tài sản ABBank, VietBank.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam BIDV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2024. Theo đó, hầu hết hoạt động kinh doanh của BIDV đều tăng trưởng so với cùng kỳ.
Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng tăng 24% lên 13.517 tỷ đồng dù trong quý, ngân hàng trích 5.358 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 36%). Sau khi trừ các chi phí, trong quý, BIDV ghi nhận lãi trước thuế gần 8.159 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BIDV lãi trước thuế gần 15.549 tỷ đồng, tăng 12%.
Tài sản của BIDV tăng cực mạnh trong quý II
Tính đến cuối quý 2, tổng tài sản của ngân hàng tăng gần 10% so với đầu năm, tương đương mức tăng 192.000 tỷ đồng, lên hơn 2,52 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng mạnh nhất từ trước tới nay của BIDV. Điều này đã giúp cho ngành ngân hàng Việt lần đầu tiên trong lịch sử có ngân hàng có tổng tài sản ở mức cao như vậy.
Mức tăng 192.000 tỷ đồng chỉ trong 1 quý của BIDV tương đương với tài sản của ngân hàng Eximbank, gấp rưỡi tổng tài sản ABBank, VietBank, gấp hơn 2 lần NCB, KienlongBank, VietABank, và gấp nhiều lần PGBank, Saigon Bank.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BID của BIDV phiên hôm nay quay đầu giảm sau hai phiên tăng liên tiếp trước đó. Chốt phiên, BID để mất 0,64% xuống còn 46.800 đồng/cổ phiếu.
Với mức giảm ngày hôm nay, BID nằm trong top 2 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến chỉ số chính trong phiên hôm nay khi lấy đi của Vn-Index 0,41 điểm. Cùng với BID, VHM lấy đi 0,42 điểm.
Phiên hôm nay, thị trường chứng khoán mở cửa với sự thận trọng của nhà đầu tư. Giao dịch khá ảm đạm, thanh khoản thấp.
Bước sang phiên chiều, cổ phiếu hóa chất, bất động sản, chứng khoán đồng loạt bị bán mạnh gây áp lực lên thị trường chung. VN-Index có thời điểm rơi về mốc 1.237 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy cùng lực đỡ của nhóm vốn hóa lớn giúp chỉ số chính sàn HOSE vững mốc 1.245 điểm sau phiên ATC.
Kết quả phiên giao dịch ngày 30/7, VN-Index giảm 1,54 điểm (0,12%) xuống 1.245,06 điểm, HNX-Index giảm 1,65 điểm (0,69%) về 235,87 điểm, UPCoM-Index giảm 0,22 điểm (0,23%) còn 95,24 điểm.
Sắc đỏ lại lấn át trên bảng giao dịch điện tử
Thanh khoản nhích nhẹ nhưng vẫn đứng ở mức thấp. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 15,7 nghìn tỷ đồng. Toàn thị trường ghi nhận 154 mã tăng, 267 mã giảm và 75 mã đứng giá tham chiếu.
Trong nhóm trụ cột, ba cái tên tăng tốt nhất là VIC, MWG và MBB, tăng từ 1,44% đến 1,66%. Thanh khoản cao nhất thuộc về MBB với 19,5 triệu đơn vị khớp lệnh, SHB khớp 17,5 triệu đơn vị, HPG khớp 15,5 triệu đơn vị, VPB khớp 12,8 triệu đơn vị.
Cổ phiếu phân bón, hóa chất trở lại xu hướng điều chỉnh trong phiên hôm nay với DDV giảm 2,1% xuống 18.300 đồng/cp, DPM mất 1,4% thị giá,...
Nhóm cổ phiếu của các công ty chứng khoán, VIX giảm mạnh nhất khi để mất 5%, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 39,9 triệu đơn vị, cùng với nhiều mã giảm hơn 2% như WSS, SBS, EVS,...
Cặp đôi bị bán tháo trong phiên trước đó là LDG và HNG đều thoát mức giá sàn trong phiên hôm nay, nhưng vẫn còn giảm mạnh, với LDG giảm 5,7% xuống 1.980 đồng, khớp 25 triệu đơn vị và HNG giảm 5,5% xuống 4.100 đồng, khớp 16,4 triệu đơn vị.
Theo các chuyên gia, vùng 1.250 điểm trở thành ngưỡng cản đáng chú ý trong thời gian tới khi thị trường đã chính thức mất trendline tăng kéo dài từ cuối 2023 đến nay nên sẽ cần nhiều thời gian để cân bằng trở lại.
Chỉ báo MACD vẫn tiếp tục nằm dưới ngưỡng 0 cho thấy xu hướng ngắn hạn tiêu cực, nhưng điểm tích cực là histogram đã qua giai đoạn cao trào bán và nhiều khả năng các nhịp điều chỉnh sau sẽ giảm bớt cường độ.
Theo tờ báo này, sống ở một thành phố lớn có thể đi kèm với chi phí khá đắt đỏ.
Nguồn: [Link nguồn]