Một doanh nghiệp ngành dược thu lãi hơn 882 triệu mỗi ngày
Kết thúc quý 1/2023, Dược phẩm Traphaco vừa báo lợi nhuận sau thuế đạt 79,4 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ.
Công ty Cổ phần Traphaco (HoSE: TRA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt hơn 619,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Do giá vốn hàng bán giảm gần 8% xuống 274,4 tỷ đồng nên lãi gộp ghi nhận tăng 6% lên gần 344,7 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính hơn 2,4 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ trong khi chi phí tăng 16% lên hơn 640 triệu đồng.
Quý 1/2023, Traphaco chi 30,6 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng 15% so với cùng kỳ
Các chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 18% và 5%, lần lượt ghi nhận ở mức gần 170,8 tỷ đồng và hơn 80 tỷ đồng. Trong đó, Traphaco chi 30,6 tỷ đồng cho quảng cáo, tăng 15% so với cùng kỳ.
Kết quả, Traphaco báo lãi sau thuế hơn 79,4 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Như vậy, bình quân mỗi ngày doanh nghiệp dược phẩm này thu về hơn 882 triệu đồng tiền lãi.
Lý giải về nguyên nhân sụt giảm lợi nhuận, theo giải trình do doanh số bán hàng quý 1/2023 giảm nhẹ so với cùng kỳ 2022. Đồng thời, tỷ trọng chi phí bán hàng và chi phí QLDN trên DTT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó chi phí bán hàng tăng 4,45%; Chi phí QLDN tăng nhẹ 0,75%.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Traphaco ở mức gần 1.837 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 19% xuống còn gần 160 tỷ đồng. Tài sản cố định ở mức hơn 509 tỷ đồng, trong đó có 18 quyền sử dụng đất lâu với có tổng diện tích gần 3,2 ha có trị giá gần 51,2 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp hơn 429,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, chiếm chủ yếu là khoản phải trả cho người bán ngắn hạn, phải trả người lao động, chi phí phải trả ngắn hạn.
Đáng chú ý, thời điểm cuối quý I/2023, Traphaco không còn ghi nhận khoản vay nợ thuê tài chính nào, trong khi cùng kỳ ghi nhận 40 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 09/05, cổ phiếu TRA đang được giao dịch ở mức 90.000 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán phiên 9/5, diễn biến của VN-Index thể diện sự lưỡng lự của nhà đầu tư sau phiên tăng điểm mạnh, áp lực bán quanh vùng 1.050 vẫn đang khá lớn.
Với diễn biến hiện tại, nhận định phiên giao dịch 10/5, các công ty chứng khoán cho rằng chỉ số VN-Index cần có thêm những phiên giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp tới khi góc tăng điểm sẽ được mở rộng và nhịp phục hồi có thể được kéo dài hơn.
Theo đánh giá của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tuy không có sự thay đổi tích cực lớn về mặt điểm số nhưng sự phân hóa vẫn được thể hiện khá rõ ràng khi dòng tiền vẫn tìm đến những mã cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân thêm từ 10% – 20% đối với những cổ phiếu đã khả dụng trong danh mục thuộc các nhóm ngành như dầu khí, bất động sản khu công nghiệp.
Tương tự, Chứng khoán BSC cho rằng thị trường có thể sẽ giằng co trong vùng 1.050-1.060 điểm trong những phiên tới để tìm điểm cân bằng sau phiên hồi phục mạnh trước đó.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Yuanta đánh giá thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co và đi ngang với biên độ hẹp trong những phiên giao dịch tới. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên dòng tiền có thể vẫn sẽ ở mức thấp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền sẽ chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn khó thu hút dòng tiền và cũng phân hóa trong nhóm này. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy nhà đầu tư cũng lạc quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại.
Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu lên mức 50% danh mục.
One Capital Hospitality - đơn vị sở hữu hai thương hiệu nổi tiếng là kem Tràng Tiền và bánh Givral báo lỗ sau thuế trong quý I/2023, đánh dấu quý lỗ thứ hai liên tiếp kể từ khi...
Nguồn: [Link nguồn]