Một doanh nghiệp lãi 350 tỷ đồng trong quý I, trả cổ tức tiền mặt 200%

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chỉ trong quý 1 doanh nghiệp ngành hóa chất này đã hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận năm 2022, chỉ số EPS đạt 13.160 đồng.

Mới đây, CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (VAPAC) vừa được chấp thuận cho đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCom với mã chứng khoán PAT, mệnh giá 10.000 đồng/cp và số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch là 25 triệu cổ phiếu.

VAPAC là công ty con thuộc CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (HoSE: DGC) thông qua công ty TNHH MTV Hoá chất Đức Giang – Lào Cai.

Một cơ sở sản xuất chất tẩy rửa của Hóa chất Đức Giang 

Một cơ sở sản xuất chất tẩy rửa của Hóa chất Đức Giang 

Ông Đào Hữu Huyền – Chủ tịch HĐQT của DGC và con trai là Đào Hữu Duy Anh đều đang là cổ đông lớn tại VAPAC với tổng tỷ lệ sở hữu là 16,72% cổ phần. Đồng thời, ông Đào Hữu Huyền cũng đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của VAPAC, ông Đào Hữu Duy Anh là thành viên HĐQT.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 đã thông qua kế hoạch đưa công ty niêm yết lên sàn UpCOM vào quý 1 - 2/2022. 

Về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021, doanh thu thuần công ty đạt 1.594,6 tỷ đồng (tăng 27%) và lợi nhuận sau thuế đạt 256,38 tỷ đồng (tăng 203%), lần lượt vượt 20% kế hoạch doanh thu và 184% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Công ty trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 96%, tương đương với số tiền trả cổ tức là 240 tỷ đồng.

Năm 2022, ban lãnh đạo công ty tiếp tục đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao với doanh thu 2.316,8 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 600 tỷ đồng. Kế hoạch cổ tức năm 2022 là trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 200%.

Tuy nhiên, chỉ trong quý 1/2022, công ty đã đạt 996,9 tỷ đồng doanh thu (tăng 1,6 lần cùng kỳ) và 348,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 19,7 lần cùng kỳ), hoàn thành 43% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận năm 2022. EPS đạt 13.160 đồng.

VAPAC là công ty chuyên sản xuất phốt pho vàng với công suất 20.000 tấn/năm tại Khu công nghiệp Tằng Loòng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Công ty được thành lập ngày 13/1/2014 với vốn điều lệ ban đầu là 150 tỷ đồng. Ngay từ khi mới thành lập, công ty đã bắt tay vào việc đầu tư xây dựng 2 dây chuyền sản xuất phốt pho vàng với công suất thiết kế mỗi dây chuyền là 10.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 506,5 tỷ đồng.

Đến năm 2018, công ty đã tiến hành chào bán cho cổ đông hiện hữu 10 triệu cổ phiếu để bổ sung vốn đầu tư thực hiện dự án trên. Đợt chào bán diễn ra thành công nâng số vốn điều lệ của VAPAC lên 250 tỷ đồng.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2018, 2 dây chuyền sản xuất phốt pho vàng của VAPAC đều đi vào hoạt động và cho đến nay đã đi vào vận hành thương mại ổn định, sản phẩm được thị trường chấp nhận và đánh giá cao.

Kết thúc phiên giao dịch 9/6, cổ phiếu DGC giảm 1,56% về mức giá 126.000 đồng. Tuy nhiên, trước đó cố phiếu ngành hóa chất này có 8 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó ngày 3/6 tăng kịch trần.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 10/6, các công ty chứng khoán cho rằng đà tăng của VN-Index sẽ vẫn còn tiếp tục nhưng chỉ số có thể sẽ trải qua một số nhịp điều chỉnh trước khi thật sự bứt phá. Do đó, chiến lược đầu tư có một chút phòng thủ và cho mục tiêu trung - dài hạn sẽ phù hợp hơn trong giai đoạn này.

CTCK KB Việt Nam (KBSV) đánh giá áp lực chốt lời ngắn hạn tại vùng giá cao đang gây cản trở đà hồi phục tích cực của chỉ số. Mặc dù VN-Index có thể còn phải trải qua các nhịp điều chỉnh rung lắc trong phiên 10/06 nhưng cơ hội mở rộng thêm nhịp hồi phục sau đó vẫn tiếp tục được đánh giá cao.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư nên chốt lời từng phần vị thế ngắn hạn khi chỉ số tiếp cận vùng cản kế tiếp đối với các mã mục tiêu.

Với tâm lý lạc quan, CTCK MB (MBS) cho rằng việc thanh khoản giảm mạnh không phải là tín hiệu xấu khi biên độ dao động của chỉ số VN-Index cũng khá hẹp, bên cạnh đó độ rộng thị trường cũng ở mức cân bằng. Quan trọng là dòng tiền vẫn tìm được nhiều cơ hội ở các nhóm cổ phiếu trong bối cảnh thanh khoản xuống thấp. Theo MBS, NĐT tiếp tục trading ở nhóm cổ phiếu đang hút được dòng tiền trong những phiên gần đây, bên cạnh đó có thể cơ cấu sang nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán,…

Đại biểu Quốc hội lo ngại bong bóng chứng khoán: Bộ trưởng Tài chính nói gì?

Những bất cập trên thị trường vốn, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp khiến nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo ngại về tình trạng "bong bóng chứng khoán".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN