Một cổ phiếu thép tăng 40%, người nhà ồ ạt bán 12,6 triệu cổ phiếu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mặc dù hạ nhiệt sau khi lên đỉnh 9 tháng, cổ phiếu thép này vẫn ghi nhận mức tăng 40% sau khoảng hơn một tháng kể từ khi bắt đầu nổi sóng.

Cụ thể, từ ngày 26/5 đến 9/6, thị giá cổ phiếu POM đã tăng gần 60%, lên 7.500 đồng/đơn vị, mức cao nhất kể từ giữa tháng 9 năm ngoái. Tuy nhiên, mã chứng khoán này bắt đầu quay đầu điều chỉnh và đang được giao dịch quanh mốc 6.500 đồng/cổ phiếu.

Tại phiên giao dịch ngày 29/6, giá cổ phiếu POM đóng cửa ở mốc 6.620 đồng/đơn vị.

Cổ phiếu thép POM ghi nhận mức tăng 40% sau khoảng hơn một tháng

Cổ phiếu thép POM ghi nhận mức tăng 40% sau khoảng hơn một tháng

Điều đáng chú ý, từ ngày 27-29/6, 3 người thân của Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Pomina Đỗ Duy Thái thay nhau bán cổ phiếu trong bối cảnh mã chứng khoán POM quay đầu điều chỉnh sau khi tăng cao.

Ngày 29/6, bà Đỗ Thị Kim Ngọc, em gái ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Pomina (POM) - đã có đăng ký bán ra 5,5 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư. Trước khi đăng ký, bà Ngọc nắm giữ khoảng 15,4 triệu cổ phiếu POM, tương ứng tỷ lệ sở hữu 5,51% vốn nhà sản xuất thép này.

Trước đó chỉ một ngày, một người em gái khác của ông Đỗ Duy Thái là bà Đỗ Nhung (quốc tịch Mỹ) cũng đã đăng ký bán ra 5,3 triệu cổ phiếu POM với mục đích tương tự. Giao dịch này dự kiến được thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh trong giai đoạn ngày 3-28/7.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của bà Nhung tại Pomina sẽ giảm xuống còn 0,71%, tương ứng 1,98 triệu cổ phiếu.

Ngày 27/6, bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương (quốc tịch Đức), chị gái của Chủ tịch Pomina, cũng đăng ký bán ra toàn bộ hơn 1,8 triệu cổ phiếu POM nắm giữ theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh, giao dịch dự kiến diễn ra ngày 30/6-28/7. Từ đầu năm, cá nhân này đã nhiều lần đăng ký thoái vốn khỏi công ty của em trai nhưng đều không bán hết lượng đăng ký với lý do giá chưa đạt kỳ vọng.

Như vậy, trong vòng 3 ngày cuối tháng 6, người nhà Chủ tịch Đỗ Duy Thái đã đăng ký bán ra tổng cộng 12,6 triệu cổ phiếu POM. Động thái này diễn ra trong bối cảnh POM vừa trải qua chuỗi tăng giá ấn tượng từ cuối tháng 5.

Có thể thấy, áp lực chốt lời của các cổ đông đã kéo cổ phiếu này hạ nhiệt và hiện đã lùi về mức 6.620 đồng/cp, vẫn cao hơn gần 40% so với thời điểm bắt đầu nổi sóng cách đây hơn một tháng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, nhà sản xuất thép Pomina đã ghi nhận 13.000 tỷ đồng doanh thu năm vừa qua, giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm trước đó. Việc giá vốn cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp của Pomina rơi về mức âm 424 tỷ đồng trong khi năm 2021 vẫn lãi gộp 805 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng gặp nhiều áp lực về chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay. Sau khi trừ các loại chi phí, Pomina lỗ ròng 1.079 tỷ đồng trong năm 2022.

Dẫu vậy, bước sang năm 2023, Pomina lại đặt mục tiêu doanh thu đạt 14.000 tỷ đồng, tăng gần 8% và dự kiến lãi sau thuế 300 tỷ đồng.

Đáng nói, ngay trong quý I vừa qua, nhà sản xuất thép này chỉ thu về 1.645 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 62% so với cùng kỳ năm 2022. Tình trạng giá vốn cao hơn doanh thu vẫn chưa được cải thiện kết hợp các chi phí trong hoạt động kinh doanh khiến Pomina lỗ ròng 186 tỷ đồng quý đầu năm nay.

Kết thúc phiên giao dịch tuần (từ 26-6 đến 30-6), thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một tuần điều chỉnh sau chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp trước đó. Đà phục hồi phiên thứ 6 tuần trước không duy trì được lâu khi lực chốt lời xuất hiện ngay từ phiên đầu tuần.

Trước diễn biến của thị trường, ông Đinh Quang Hinh nhận định nhịp giảm điểm trong tuần vừa qua chưa ảnh hưởng nhiều tới xu hướng tăng của thị trường. Lực cầu bắt đáy sẽ sớm xuất hiện và giúp chỉ số VN-Index phục hồi trở lại tương ứng vùng 1.115 - 1.120 điểm. Trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục giảm sâu, dòng tiền sẽ không rút khỏi thị trường mà tiếp tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.

"Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp tạm nghỉ hiện tại của thị trường để tái cơ cấu danh mục đầu tư, ưu tiên lựa chọn những nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ rõ rệt và triển vọng kết quả kinh doanh tích cực trong nửa cuối năm 2023, bao gồm ngành hưởng lợi sớm từ xu hướng giảm của lãi suất (ngân hàng, chứng khoán), ngành hưởng lợi từ động thái thúc đẩy giải ngân đầu tư công của Chính phủ và các doanh nghiệp quốc doanh như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng và dầu khí" – ông Đinh Quang Hinh dự báo.

Trong khi đó, Công ty CK Vietcombank (VCBS) thì khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục giữ tâm lý thận trọng, chủ động thu gọn danh mục, nâng cao tỷ trọng tiền mặt thay vì việc giải ngân bắt đáy sớm. Trong đó, theo VCBS, cổ phiếu DIG, SSI, CEO… nên cân nhắc tiếp tục bán ra và chờ đợi tín hiệu mua lại sau.

Nguồn: [Link nguồn]

Độc đáo ngôi nhà trên cây ở Bà Rịa-Vũng Tàu được làm từ tôn và vật liệu cũ

Mang trong mình vẻ ngoài mộc mạc, bình dị của vật liệu cũ, công trình xây dựng lên như một cái nhà chòi (nhà trên cây), được đưa lên cao khỏi mặt đất và nương tựa vào những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN