Mỗi ngày thu về hơn 160 tỷ đồng, doanh nghiệp của đại gia Trương Gia Bình lãi bao nhiêu?

Riêng trong quý 2/2024, LNTT của FPT đạt 2.664 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tập đoàn FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024 với doanh thu đạt 29.338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 5.198 tỷ đồng, lần lượt tăng 21,4% và 19,8% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) cũng tăng 22,3% lên 3.672 tỷ đồng, tương ứng EPS ở mức 2.514 đồng/cổ phiếu.

Tính riêng trong quý 2/2024, LNTT của FPT đạt 2.664 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng tăng mạnh 24% so với cùng kỳ năm trước lên 1.874 tỷ đồng.

Đại gia Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT

Đại gia Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT

Năm 2024, FPT lên kế hoạch kinh doanh cao kỷ lục với doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023.

Với kết quả đạt được sau nửa đầu năm, tập đoàn đã thực hiện 47% kế hoạch doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận đề ra.  

Cùng với kết quả làm ăn tích cực, cổ phiếu FPT thời gian qua liên tục tăng mạnh. So với đầu năm 2024, cổ phiếu FPT đã tăng 60% - gấp hơn 5 lần đà tăng của VN-Index trong cùng thời điểm. Đi kèm với đà tăng, thanh khoản của mã cũng tăng mạnh, nhiều phiên đạt 5-10 triệu cp.

Xét về dòng tiền, khối ngoại, tự doanh và dòng tiền tổ chức đang là các bên bán ra ở cổ phiếu FPT. Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân là bên hấp thụ gần như toàn bộ lực bán.

Chỉ xét riêng khối ngoại, tính từ đầu năm tới nay, nhóm này đã rút ròng khoảng hơn 7.600 tỷ đồng khỏi cổ phiếu FPT, chỉ xếp sau cổ phiếu VHM và chứng chỉ quỹ FUEVFVND.

Trong phiên giao dịch hôm nay 18/7, cổ phiếu FPT giảm 3,03% còn 127.900 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của FPT. Phiên này, khối ngoại bán ròng FPT với giá trị bán ròng lên hơn 350 tỷ đồng.

Với đà giảm trong phiên hôm nay, FPT là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên chỉ số chính. Tuy nhiên, Vn-Index cuối cùng vẫn có phiên hồi phục trở lại. 

Thị trường chứng khoán hôm nay nhập cuộc với những nhịp giằng co, rung lắc trong biên độ hẹp với dòng tiền kém suốt phiên sáng và sang tận phiên chiều. Đặc biệt, thị trường rung lắc khá mạnh trong phiên chiều, có lúc giảm hơn 12 điểm sau khi đối mặt với một số thông tin quan trọng trong nước, tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư dần dần đã bình tâm lại và cổ phiếu đồng loạt bật tăng mạnh mẽ. 

Ngân hàng tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với sắc xanh ngập tràn, nhiều mã tăng trên 1% như BID, CTG, MBB, ACB, EIB. Cổ phiếu bất động sản với NVL tăng 2,07%, HDG tăng 4,97%, DXG tăng 4,44%, TCH tăng 2,37%, HBC tăng 6,58%, AGG tăng 2,62%, DXS tăng 6,42%.

Kết quả phiên giao dịch ngày 18/7, VN-Index tăng 5,78 điểm (0,46%) lên 1.274,44 điểm. HNX-Index tăng 1,59 điểm (+0,66%), lên 242,29 điểm.  UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,35%), lên 97,61 điểm.

Thị trường tích cực trở lại

Thị trường tích cực trở lại

Mặc dù thanh khoản không bùng nổ như phiên hôm qua nhưng vẫn đứng ở mức khá cao trên 20 nghìn tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 21,6 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HoSE có 258 mã tăng, 62 mã đứng giá và 158 mã giảm, trong đó có 5 mã giảm sàn.

Phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng gần 950 tỷ đồng trên sàn HoSE. Nhóm cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là HDB (483 tỷ đồng), STB (344 tỷ đồng), SAB (161 tỷ đồng), MWG (130 tỷ đồng), SCS (111 tỷ đồng).

PLX tiếp tục là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 0,81 điểm. Ở chiều ngược lại, FPT lấy đi của Vn-Index 1,37 điểm.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng hiện thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hiệu quả, VN-Index có thể quay trở lại các ngưỡng điểm cao hơn. Xét trong ngắn hạn, chỉ số nhiều khả năng diễn biến theo hướng có các nhịp tăng giảm đan xen, phản ánh các yếu tố tác động như tiền đồng giảm giá, khối ngoại rút vốn, hoạt động điều tiết cung tiền và thanh khoản hệ thống ngân hàng, các biến động địa chính trị trên thế giới.

Trong khi đó, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán DSC chia sẻ: “Với trạng thái dần ổn định của tỷ giá trong nước, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD dần thu hẹp, chúng tôi đang đặt niềm tin vào sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Nếu trong tuần này, khối ngoại quay trở lại mua ròng thì đó là cơ sở tuyệt vời để VN-Index quay trở lại chinh phục đỉnh ngắn hạn 1.300 điểm”.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoài mức lương cơ bản, các Tổng thống Mỹ có thêm những trợ cấp và đặc quyền gì?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kì Lân ([Tên nguồn])
Chỉ số chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN