Lướt sóng “bắt đáy” chứng khoán: Loạt nhà đầu tư sốc nặng nhìn thị trường “quay xe”

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cuối phiên sáng 22/2 cổ phiếu PVC tăng mạnh lên 16.7 nghìn đồng/CP nhưng ngay sau đó bất ngờ rơi thẳng đứng về 14.6 nghìn đồng/CP... Thị trường “quay xe” chỉ trong vài tiếng đồng hồ, khiến anh Khánh và nhiều nhà đầu tư không thể tin nổi.

Anh Nguyễn Quốc Khánh (38 tuổi, Hà Nội) cho hay, sau khi canh thị trường một thời gian, đầu tháng 2 anh quyết định rót tiền bắt đáy một vài mã theo anh là khá an toàn, đó là cổ phiếu PVC và PLX.

Trong những phiên trước, hai mã anh Khánh mới đầu tư tuy có biến động nhưng biên độ không quá nhiều và đều có xu hướng tích cực nên nhà đầu tư này cũng không quá bận tâm. Tuy nhiên, trong 3 phiên liên tiếp kể từ đầu tuần (20/2 đến phiên 22/2) thì diễn biến thị trường thực sự khiến anh đau tim khi hai mã này lần lượt giảm 4,5% và 5,9% so với phiên trước đó.

Loạt cổ phiếu rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch 22/2

Loạt cổ phiếu rơi thẳng đứng trong phiên giao dịch 22/2

“Nếu như phiên đầu tuần cả hai mã trên đều bốc đầu tăng mạnh thì phiên ngày 22/2 lại giống như búa tạ giáng cho những nhà đầu tư trong đó có tôi cú đau điếng. Thực sự sốc nặng”. – anh Khánh bần thần chia sẻ.

Cũng theo lời anh Khánh, chỉ tính riêng mã PVC thì chốt phiên giao dịch ngày 22/2, tài khoản của anh đã bị bay hơi 42 triệu đồng.

“Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cuối phiên sáng PVC đã tăng mạnh lên 16.7 nghìn đồng/CP nhưng ngay sau đó bất ngờ rơi thẳng đứng về 14.6 nghìn đồng/CP. Thị trường biến động quá bất ngờ, đầu tư 300 triệu mà trong khoảnh khắc thôi tài khoản bay hơi tới 42 triệu, hỏi có nhà đầu tư nào không sốc?” – anh Khánh nói thêm.

Anh Khánh cùng hàng loạt nhà đầu tư sốc nặng trước hàng chục cổ phiếu "quay xe" giảm sâu cuối phiên 22/2

Anh Khánh cùng hàng loạt nhà đầu tư sốc nặng trước hàng chục cổ phiếu "quay xe" giảm sâu cuối phiên 22/2

Thực tế ghi nhận, có không ít cổ phiếu bất động sản vừa tăng kịch trần phiên 20/2 đã quay đầu giảm sâu, tương tự với nhóm ngân hàng hay chứng khoán đều khó tránh khỏi tình trạng chung.

Trong đó điển hình phải kể đến các mã như NVL lùi về nằm sàn ngay đầu buổi chiều và duy trì mức này đến khi chốt phiên. DXG có nhiều đợt giằng co trước khi giảm hết biên độ, về 11.000 đồng.

Trong 11 mã đạt thanh khoản trăm tỷ, có đến 9 cổ phiếu giảm giá hoặc về mức sàn. DIG giảm 6,5%, trong khi thị giá VHM mất 5,8%. Ngoài ra, các mã PDR, CII, KDH... đều đồng loạt giảm hơn 4%.

Theo thống kê của VNDirect, bất động sản trung bình giảm hơn 4%, mạnh nhất thị trường. Theo sau là nhóm năng lượng, tài chính với biên độ lần lượt gần 3,9% và 2,8%. Các mã thuộc hai nhóm này như PLX, TPB, PVD, LPB đều giảm từ 4% trở lên.

Theo nhận định của các chuyên gia chứng khoán, phiên giảm mạnh hôm 22/2  đã phủ nhận hoàn toàn những nỗ lực tăng điểm của chỉ số vào phiên thứ Hai đầu tuần. Thị trường tăng nhanh, giảm sốc khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi hoang mang, lo lắng.

Trong đà hưng phấn của thị trường, nhiều người nhảy vào bắt đáy cổ phiếu với niềm tin việc “lướt sóng T+” sẽ ít nhiều mang lại lợi nhuận một cách dễ dàng. Tuy nhiên, chiến thuật lại bị phản tác dụng khiến nhiều người trở nên hoang mang khi "vô tình lướt sóng lại thua lỗ".

Bàn về nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu trong phiên 22/2, Giám đốc Sở Giao dịch 1, Công ty Chứng khoán MB (MBS) đưa ra ba yếu tố:

Thứ nhất, phiên hôm trước (20/2), tâm lý nhà đầu tư được giải toả và có những kỳ vọng thị trường BĐS sẽ khởi sắc sau thông tin cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản. Có thể thấy, những thông tin của cuộc họp cũng chưa cho thấy những giải pháp cụ thể, rõ ràng.

Đặc biệt, nhà đầu tư cũng đang lo ngại về “khủng hoảng” thanh khoản của một số doanh nghiệp bất động sản lớn kéo theo những hệ luỵ khó lường. Khi kỳ vọng trở thành nỗi thất vọng, tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn.

Thứ hai, tâm lý thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi thị trường chứng khoán Mỹ. Phiên ngày 21/2, Dow Jones mất 697 điểm, tương đương 2,06%, chỉ số S&P 500 sụt 2% và đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ mức giảm 2,5% của ngày 15/12.

Các chỉ số đồng loạt lao dốc khi lợi suất trái phiếu Kho bạc lên cao ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư. Kết quả kinh doanh mới được các doanh nghiệp bán lẻ công bố cũng làm dấy lên lo ngại về năng lực tài chính của người tiêu dùng.

Thứ ba, động thái bán ròng của khối ngoại trong thời gian gần đây. Sau thời gian mua ròng mạnh mẽ và trở thành lực đỡ quan trọng cho thị trường, khối ngoại liên tiếp giảm mua, thậm chí bán ròng. Điều này cũng kích hoạt đà bán của các nhà đầu tư trong nước.

Thêm một chủ đầu tư thông báo dừng thanh toán lãi suất cho người mua nhà

Mới đây Công ty TNHH Kim Đại Dương có trụ sở tại TP.HCM mới có văn bản thông báo tới khách hàng mua dự án Eden Thuận An (Bình Dương) về việc dừng thanh toán lãi suất đợt 7.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN