Lội ngược dòng, ba cổ phiếu “cánh chim đầu đàn” bất ngờ tỏa sáng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Theo nhận định của các công ty chứng khoán, trong phiên giao dịch đầu tháng 4, thị trường tiếp tục đi ngang gần vùng giá 1.495 – 1.500 điểm và cơ hội cho dòng tiền quay trở lại đối với nhóm cổ phiếu bluechips.

Thị trường chứng khoán vừa khép lại tháng 3 với một phiên tăng nhẹ của VN-Index sau nhiều rung lắc.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/3, VN-Index tăng 1,64 điểm lên 1.492,15 điểm. Toàn sàn có 179 mã tăng, 261 mã giảm và 60 mã đứng giá.

Trong phiên giao dịch của ngày cuối cùng trong tháng 3, thị trường ghi nhận nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, VIC, VNM, SAB, MWG, PNJ, VNM, VRE… tăng; đáng chú ý, VNM bứt phá mạnh hơn 6%, góp phần tăng điểm cho thị trường.

VNM trở lại cuộc đua sau thời gian dài dò đáy

VNM trở lại cuộc đua sau thời gian dài dò đáy

Kết thúc tháng 3/2022, trước sự việc ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC bị khởi tố, bắt tạm giam đã tác động tiêu cực lên thị trường khiến thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều mã cổ phiếu chao đảo, như loạt cổ phiếu ngành bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu “họ” FLC.

Tuy nhiên, cũng trong những ngày này, một số mã cổ phiếu lại ngược dòng tăng nhiều phiên liên tiếp.

Với cổ phiếu FPT, chỉ trong 2 tuần giao dịch nửa cuối tháng 3, FPT đã tăng hơn 15% qua đó đẩy vốn hóa thị trường lên xấp xỉ 100.0000 tỷ đồng - tăng tới 60% so với thời điểm cách đây một năm.

Lần gần nhất cổ phiếu đầu ngành công nghệ "tím lịm" đã cách đây tròn 14 tháng kể từ ngày 29/1/2021.

Được biết, động lực thúc đẩy cổ phiếu bứt phá đến từ nhiều thông tin hỗ trợ tích cực gần đây như kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng cao.

Trong 2 tháng đầu năm 2022, FPT ước tính doanh thu đạt 6.102 tỷ đồng - tăng 27% và lợi nhuận trước thuế 1.102 tỷ đồng - tăng 30% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 2 tháng đầu năm đạt 756 tỷ đồng - tăng 35,7% so với cùng kỳ và đạt 106% kế hoạch.

Tương tự, VNM là mã cổ phiếu tỏa sáng tiếp theo được nhắc tới trong những phiên giao dịch cuối tháng 3. Đặc biệt, chỉ trong 3 phiên của những ngày cuối tháng, VNM đã tăng giá 10,2%.

Riêng phiên giao dịch ngày 31/3, VNM đã tăng tới 6,17% - là mức tăng mạnh chưa từng có trong suốt 11 tháng qua. Khoảng 9,65 triệu cổ tương đương 762 tỷ đồng cũng là mức thanh khoản kỷ lục trong vòng 6 tháng.

Điều đáng nói, suốt từ đầu 2021 đến nay, giá VNM chỉ có một con đường là giảm. Trong vòng 15 tháng, mã cổ phiếu hàng đầu ngành sữa này bốc hơi gần 34%. Rất nhiều nhà đầu tư coi VNM là cổ phiếu thất bại, thậm chí còn xuất hiện nhiều câu chuyện “chế” liên quan đến cổ phiếu này.

Cổ phiếu TMS được coi là “ông lớn” ngành vận tải với chuỗi tăng ấn tượng

Cổ phiếu TMS được coi là “ông lớn” ngành vận tải với chuỗi tăng ấn tượng

Nằm trong danh sách tăng mạnh, cổ phiếu TMS của Công ty Cổ phần Transimex cũng thu hút sự chú ý với chuỗi tăng khá ấn tượng trong thời gian gần đây. Tính đến hết tháng 3, giá cổ phiếu TMS được coi là “ông lớn” ngành vận tải đang ở vùng đỉnh lịch sử kể từ khi niêm yết và chính thức gia nhập câu lạc bộ "ba chữ số" (cổ phiếu có mức giá trên 100.000 đồng). Cổ phiếu này đã tăng mạnh hơn 60% kể từ đầu năm.

Theo nhận định, trong phiên giao dịch ngày đầu tháng 4, thị trường tiếp tục đi ngang gần vùng giá 1.495 – 1.500 điểm và cơ hội cho dòng tiền quay trở lại đối với nhóm cổ phiếu bluechips.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDS) cho rằng có khả năng VN-Index tiếp tục lùi về vùng 1.483-1.490 điểm trong ngắn hạn để kiểm tra cung cầu và kỳ vọng dòng tiền sẽ hỗ trợ tốt hơn tại khu vực này.

Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những phiên điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu gần nền giá và kỳ vọng nhịp hồi phục của thị trường trong thời gian tới. Hơn nữa, nhóm vốn hóa lớn đang có những chuyển biến tốt hơn, nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy ở nhóm này. Tuy nhiên, vẫn nên cẩn trọng và tránh nhóm cổ phiếu có tính chất rủi ro cao.

Theo nhìn nhận của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) thì, nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời dần các cổ phiếu đã "bắt đáy" trước đó nếu thị trường tiếp tục xu hướng tiến gần hơn tới vùng kháng cự quanh 1.500 điểm trong những phiên tới.

Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn vẫn có thể tận dụng thời điểm này để cơ cấu lại danh mục cũng như tìm kiếm các cơ hội đầu tư dài hạn mới, trong đó cổ phiếu của các doanh nghiệp dự kiến có kết quả kinh doanh tích cực trong Q1.2022 là ưu tiên hàng đầu. 

Trước ông Trịnh Văn Quyết, loạt cá nhân, lãnh đạo DN bị phạt tù vì thao túng giá cổ phiếu

Thời gian gần đây liên tục có các trường hợp tạo cung cầu giả bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phát hiện và xử lý. Trước chủ tịch FLC, hàng loạt cá nhân, lãnh đạo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Hương ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN