Loạt công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh, xuất hiện mức tăng trưởng hơn 6.400%

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều công ty chứng khoán đã hé lộ tình hình kinh doanh quý 2 cũng như nửa đầu năm 2024, trong số đó nhiều đơn vị ghi nhận mức tăng trưởng gây "sốc" với hơn 6.400%.

Tính đến cuối ngày 18/7, đã có 31 công ty chứng khoán thực hiện công bố BCTC quý 2/2024. Trong số đó, Chứng khoán SSI đã công bố BCTC riêng quý 2/2024, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.245 tỷ, tăng trưởng 43% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu môi giới đạt 560 tỷ, tăng 67%. Lãi các khoản cho vay và phải thu cũng tăng mạnh 43% lên 513 tỷ. Lãi từ tài sản FVTPL tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 1.035 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong quý 2 tăng gấp đôi cùng kỳ lên 825 tỷ đồng. Kết quả, SSI lãi trước thuế 1.041 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, tăng trưởng 59% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, LNTT đạt 1.941 tỷ, tăng 56%.

Hơn 30 công ty chứng khoán thực hiện công bố BCTC quý 2/2024

Hơn 30 công ty chứng khoán thực hiện công bố BCTC quý 2/2024

Chứng khoán Yuanta Việt Nam ghi nhận doanh thu hoạt động quý 2 tăng 22% so với cùng kỳ lên 172 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu môi giới, lãi từ cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán. Kết quả sau khi trừ đi các chi phí, Yuanta lãi trước thuế gần 43 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, LNST tương ứng đạt hơn 34 tỷ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Yuanta ghi nhận gần 90 tỷ đồng LNTT, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2023. Dư nợ margin và UTTB tính tới cuối quý 2 đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 346 tỷ so với thời điểm cuối quý 1.

Khác với những công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 ghi nhận kết quả kinh doanh khởi sắc nhờ mảng tự doanh, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC - HoSE: BSI) lại đi ngược khi mảng này kéo lùi lợi nhuận. 

Theo đó, doanh thu hoạt động của công ty đạt 424,2 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ, nhờ lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) tăng 45% lên 175,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL lại ghi nhận 127,7 tỷ đồng, tăng 4,3 lần so với cùng kỳ. Như vậy, quý này công ty chỉ lãi 48 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh, trong khi cùng kỳ lãi 91,3 tỷ đồng.

Ở nhóm vốn hóa bé hơn, Chứng khoán Asean gây sốc với mức tăng trưởng đột biến hơn 6.400% lợi nhuận quý 2/2024 so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, doanh thu hoạt động đạt 83 tỷ, gấp 3 lần quý 2/2023. Đáng chú ý nhất là mảng tự doanh của CTCK này với lãi từ tài sản FVTPL đạt gần 60 tỷ. Theo thuyết minh, danh mục FVTPL của CTCK này có giá gốc gần 308 tỷ, giá thị trường gần 525 tỷ. Trong đó chủ yếu là cổ phiếu niêm yết như SGP (giá gốc 43 tỷ, giá thị trường 216 tỷ), HTM (giá gốc 144 tỷ, giá thị trường 131 tỷ), TSJ (giá gốc 39 tỷ, giá thị trường 35 tỷ), TCB (giá gốc 30 tỷ, giá thị trường 63 tỷ)…

Kết quả, Asean lãi trước thuế 55 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ lãi hơn 840 triệu, tương ứng mức tăng 6.408% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTCK này báo lãi 69 tỷ, tăng mạnh 227% so với cùng kỳ năm trước.

Kém tích cực hơn, Chứng khoán Navibank báo lãi trước thuế quý 2/2024 sụt giảm 79% so với cùng kỳ xuống còn 6 tỷ đồng. Lũy kế nửa đầu năm, CTCK này lãi 18 tỷ, giảm phân nửa so với cùng kỳ năm trước.

Chứng khoán JB báo lỗ 2 tỷ trong quý 2, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do các khoản chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí quản lý CTCK chiếm tới gần 24 tỷ, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, JBSV lỗ 5 tỷ đồng…

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng loạt cổ phiếu đồng loạt lao dốc nhưng chỉ có nhóm cổ phiếu “vua” (ngân hàng) tăng mạnh, kéo thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN