Hàng trăm triệu USD đang chờ “đổ” vào Việt Nam
Thị trường xuất hiện những nhịp rung lắc khiến VN-Index đóng cửa ở sát mốc tham chiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 0,31 điểm (0,03%) xuống 908,27 điểm; HNX-Index giảm 0,14% xuống 131,52 điểm trong khi UPCom-Index tăng 0,42% lên 61,26 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 7.700 tỷ đồng.
VN-Index giảm 0,31 điểm (0,03%) xuống 908,27 điểm
Giao dịch khối ngoại là điểm trừ khi họ tiếp tục bán ròng hơn 130 tỷ đồng, lực bán tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như HPG, VNM, SSI, VIC…
Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đóng cửa trong sắc xanh như BVH, FPT, HPG, STB, VNM, BHN… góp phần quan trọng vào sự hồi phục của thị trường. Trong đó, STB và BHN thậm chí tăng trần. Với BHN, đây là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của cổ phiếu này, trong khi STB có phiên tăng trần với khối lượng gần 40 triệu cổ phiếu.
Trong khi đó, GAS, BCM và VIC là những mã tác động tiêu cực nhất tới thị trường.
Ảnh: Chứng khoán Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD từ các quỹ ETF
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường chứng khoán trên thế giới đang diễn biến khá tiêu cực với việc giảm điểm của một loạt các chỉ số như Dow Jones, Nasdaq, S7P 500, Hang Seng, Nikkei 225 thì diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây là khá tích cực.
Điều này cho thấy tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã ổn định hơn rất nhiều, ngay cả trong diễn biến tiêu cực của dịch bệnh thì dòng tiền đầu tư cũng không bị yếu đi mà còn trở nên mạnh mẽ hơn.
Mới đây, theo thông báo mới được tổ chức cung cấp chỉ số FTSE Russell (Anh) công bố, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên nhóm thị trường chứng khoán mới nổi hạng 2.
Tiêu chí chu kì thanh toán (DvP) của Việt Nam hiện vẫn bị xếp vào loại "Hạn chế" do nhà đầu tư vẫn cần phải có sẵn tiền trong tài khoản trước khi đặt lệnh. Đây là một trong những lí do chủ yếu khiến Việt Nam chưa đạt tiêu chí nâng hạng.
FTSE cho biết tổ chức này vẫn đang có những trao đổi mang tính xây dựng với cơ quan quản lí thị trường Việt Nam trong 12 tháng qua và ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển thị trường vốn. Kì xem xét nâng hạng thị trường tiếp theo của FTSE sẽ được thực hiện vào tháng 9/2021.
Như vậy, cơ hội đón dòng vốn ngoại khi được nâng hạng thị trường với Việt Nam vẫn còn khá xa.
Tuy nhiên, trong một báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect, tổ chức nghiên cứu và phân tích chỉ số chứng khoán hàng đầu thế giới là Morgan Stanley Capital International (MSCI) đã thông báo hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi ((Emerging Markets - EM) cho tới kỳ đánh giá và phân loại thị trường bán niên vào tháng 11/2020. Do đó, Việt Nam sẽ phải chờ tới sớm nhất là tháng 11/2020 để trở thành nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên (Frontier Markets - FM) của MSCI.
Theo báo cáo của MSCI, tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Market 100 Index có thể được nâng lên lần lượt là 25,2% và 30% từ 17,2% và 12,2% hiện tại.
VNDirect cho rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn nhất khi Kuwait chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi do tỷ trọng của Việt Nam hiện lớn thứ 2 trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index (chỉ xếp sau Kuwait).
Dựa trên dữ liệu ngày 14/09/2020, VNDirect ước tính chứng khoán Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD từ các quỹ ETF hiện đang mô phỏng hai chỉ số thị trường cận biên của MSCI kể trên (giả định giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF duy trì ổn định ở mức hiện tại). Quy mô của dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam có thể còn lớn hơn, lên đến 200-210 triệu USD, nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ chủ động. Dòng vốn ngoại này sẽ góp phần củng cố dòng tiền trên thị trường cũng như tạo tâm lý hứng khởi trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước.
Nguồn: [Link nguồn]
"Biệt phủ" bị bỏ hoang nhiều năm nay, không ai đoái hoài, bên trong ngổn ngang đồ đạc.