Giữa đại dịch Covid-19, vài trăm triệu USD vẫn đổ vào túi “đại gia thép”
Dù giằng co giữa lằn ranh xanh – đỏ suốt phiên giao dịch nhưng chốt phiên VN-Index vẫn quy đầu giảm gần 4 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,72 điểm (tương đương giảm 0,44%) về mốc 846,43 điểm. HNX-Index giảm 0,19 điểm (tương đương giảm 0,16%) về mốc 117,02 điểm. Trái lại, Upcom-Index lại tăng nhẹ 0,23 điểm (0,4%) lên mốc 57,09 điểm.
VN-Index giảm 3,72 điểm (tương đương 0,44%) về mốc 846,43 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức trung bình với khối lượng giao dịch cả phiên vào khoảng hơn 5,3 nghìn tỷ đồng.
Trong phiên có 307 mã tăng giá cùng 59 mã tăng trần. Trong khi đó chỉ có 255 mã giảm và 28 mã giảm sàn.
Tính đến hết phiên, 3 ông lớn VIC, VNM và SAB là những mã tác động tiêu cực nhất tới VN-Index khi lấy đi của thị trường lần lượt 1,1 điểm; 0,69 điểm và 0,57 điểm.
Ở chiều ngược lại chỉ có GVR, VGV, APH nâng đỡ mạnh nhất cho thị trường khi đóng góp trở lại 0,11; 0,079 và 0,078 điểm.
HPG tiếp tục là cổ phiếu được quan tâm nhiều nhất trên sàn chứng khoán.
Trong phiên này, HPG tiếp tục là cổ phiếu được quan tâm nhiều nhất trên sàn chứng khoán. Cả phiên có tới hơn 5,1 triệu cổ phiếu HPG được khớp lệnh. Đến hết phiên vẫn còn dư mua hơn 1,1 triệu cổ phiếu và dư bán hơn 826 nghìn cổ phiếu.
Chốt phiên, HPG giảm nhẹ 0,62% về mốc 24.150 đồng/cổ phiếu. Hiện mã này đang trên đà tăng khá ấn tượng khi tính chung trong 3 tháng qua đã tăng tới 25,47% giá trị.
Một trong những lý do khiến cổ phiếu HPG tăng trưởng khá tốt chính là những thông tin liên quan đến hoạt động của ngành thép. Theo đó, theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất được dự báo tăng trưởng dương trong năm 2020. Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng, đầu tư công hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước.
Đây có thể coi là các yếu tố giúp hoạt động sản xuất và kinh doanh thép tăng mạnh trở lại trong tháng 7. Nhiều doanh nghiệp thép bứt phá. Khó khăn bỗng chốc thành cơ hội đối với các doanh nghiệp lớn.
Tài sản của ông Trần Đình Long hiện ở mức 1,1 tỷ USD theo tính toán của Forbes.
Theo VSA, tính riêng trong tháng 7, sản xuất thép các loại trong nước đạt hơn 2,1 triệu tấn, tăng 7,7% so với tháng trước và ngang mức cùng kỳ 2019 bất chấp khó khăn vì Covid-19. Thép các loại bán ra đạt gần 1,956 triệu tấn, tăng 11,25% so với tháng 6 nhưng giảm 3,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, xuất khẩu đạt 424,7 nghìn tấn, tăng 41,37% so với tháng trước và tăng 16,2% so với tháng 7/2019.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long là doanh nghiệp thép ghi nhận kết quả kinh doanh tốt giữa đại dịch Covid-19, trái ngược với tình hình ảm đạm của nhiều doanh nghiệp thép quy mô vừa và nhỏ khác.
Trong 6 tháng, Hòa Phát ghi nhận gần 39,7 nghìn tỷ đồng doanh thu và 5.060 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 30% và 31% so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, cổ phiếu HPG tăng mạnh từ mức đáy 13.300 đồng/cổ phiếu hôm 27/3 lên mức 24.150 đồng/cổ phiếu vào phiên hôm nay. Với mức giá này, tài sản của ông Trần Đình Long tăng thêm vài trăm triệu USD lên mức 1,1 tỷ USD theo tính toán của Forbes.
Mức tăng trên giúp vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát tăng thêm khoảng 1,6-1,7 tỷ USD trong một thời gian ngắn.
Sở dĩ một số doanh nghiệp thép lớn ghi nhận sự bứt phá giữa đại dịch là bởi gói đầu tư công lớn đang được thúc đẩy triển khai, với một phần lớn đổ vào cơ sở hạ tầng, đã giúp nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng mạnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh xuất khẩu thép và phôi thép sang Trung Quốc và các thị trường trong khu vực.
Nguồn: [Link nguồn]
Áp lực bán tăng mạnh khiến thị trường giằng co, rung lắc suốt phiên giao dịch và kết thúc trái chiều.