Dùng dằng 10 năm, cuối cùng số vốn 170 tỷ USD cũng về chung một "túi"
Giao dịch tiếp tục gặp khó khăn khi thanh khoản tăng mạnh. Tuy nhiên nhờ lực kéo của một số bluechips giúp VN-Index giữ được đà tăng trong phiên đầu tuần.
Đóng cửa phiên giao dịch ngÀY 28/12, chỉ số VN-Index tăng 6,91 điểm (0,64%) lên 1.091,33 điểm; HNX-Index tăng 2,14% lên 196,57 điểm và UPCom-Index tăng 0,22% lên 73,1 điểm. Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt 17.500 tỷ đồng.
VN-Index tăng 6,91 điểm (0,64%) lên 1.091,33 điểm
VN-Index hôm nay duy trì được đà tăng nhờ lực kéo của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, FPT, GAS, HPG, VCB, PLX, POW…
Ngoài ra, nhóm chứng khoán cũng thu hút dòng tiền khá tốt với hàng loạt mã tăng mạnh, thậm chí SHS, CTS đóng cửa tăng trần. Tương tự, dầu khí cũng là nhóm bứt phá mạnh trong phiên hôm nay với nhiều mã tăng trần như PLC, PVC, PVD, PVS, POW…
Nhóm bất động sản, xây dựng cũng có giao dịch khá tích cực với nhiều mã tăng mạnh như DRH, HBC, HDC, HDG, HLD, PDR, OGC, SJS,…
Ở chiều ngược lại, CTG, VNM và SAB tác động tiêu cực nhất lên thị trường nhưng cũng chỉ lấy đi của VN-Index chưa đến 0,5 điểm mỗi mã.
VN-Index hôm nay duy trì được đà tăng nhờ lực kéo của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn
Điểm đáng chú ý phiên hôm nay là dòng tiền đổ vào thị trường quá lớn một lần nữa khiến sàn HoSE trở nên khó giao dịch, các lệnh đưa vào thị trường từ 14h trở nên khá chậm, khiến giao dịch những phút cuối phiên có phần tẻ nhạt.
Liên quan đến thị trường chứng khoán, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định số 37/2020 về việc thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange - VNX) theo mô hình công ty mẹ - con trên cơ sở sắp xếp lại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam được tổ chức theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tư cách pháp nhân... Vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng. Công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ của HNX và HoSE. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.
Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam có nhiệm vụ chính là xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; Xây dựng và ban hành các quy chế về niêm yết chứng khoán, giá dịch chứng khoán, công bố thông tin; Chấp thuận, hủy bỏ tư cách thành viên của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam; Giám sát HNX và HoSE thực hiện các quy chế hoạt động nghiệp vụ; Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống công nghệ thông tin; Quản lý giám sát 2 Sở giao dịch...
Theo quyết định, HNX có nhiệm vụ chính là tổ chức, vận hành thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác... Trong khi đó, HoSE sẽ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác...Vốn điều lệ hiện tại của HoSE là 1.200 tỷ đồng và HNX là 750 tỷ đồng.
Điểm chung trong nhiệm vụ của 2 Sở là cùng giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán, giám sát hoạt động công bố thông tin của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch và nhà đầu tư; Đầu tư triển khai hệ thống công nghệ thông tin; Tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán trong trường hợp giá khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường...
Được biết câu chuyện lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã được đưa ra gần 10 năm nay nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị trí của thị trường chứng khoán với mục đích đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Với việc hợp nhất hai sở, quy mô vốn hóa chung cả thị trường cổ phiếu hiện ở mức khoảng 170 tỷ USD.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong tuần cuối cùng của năm 2020 (28-31/12/2020), có tất cả 14 doanh nghiệp chốt mức trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ...