Dùng 23 tài khoản thao túng giá cổ phiếu, một cá nhân bị phạt 1.5 tỷ đồng, cấm giao dịch 2 năm
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành quyết định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Việt Hà vì hành vi thao túng giá cổ phiếu GKM của CTCP GKM Holdings (Khang Minh Group).
Cụ thể, theo điều tra, trong khoảng thời gian từ ngày 02/08/2021 đến ngày 28/01/2022, ông Nguyễn Việt Hà đã sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu GKM nhằm tạo cung, cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu.
Kết quả kiểm tra, tính toán cho thấy ông Hà không có khoản thu trái pháp luật do vi phạm.
Với các hành vi trên, ông Hà bị phạt 1.5 tỷ đồng, đồng thời áp dụng một số biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Cụ thể: Cấm giao dịch chứng khoán có thời hạn 2 năm kể từ ngày 09/10/2023; Cấm đảm nhiệm chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán trong 2 năm kể từ ngày 09/10/2023.
Trong khoảng 6 tháng, một cá nhân sử dụng 23 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch cổ phiếu GKM
Trong một diễn biến khác liên quan đến cổ phiếu GKM, Chứng khoán APG gần đây đã liên tục có động thái mua gom để tăng sở hữu. CTCK này trở thành cổ đông lớn của GKM sau khi mua vào 1,82 triệu cổ phiếu ngày 15/12 qua đó nâng tỷ lệ sở hữu từ 4,89% lên 10,69%. Sau đó, Chứng khoán APG tiếp tục mua vào tổng cộng hơn 703 ngàn cổ phiếu GKM trong 2 ngày liên tiếp từ 19-20/12/2023 để nâng tỷ lệ sở hữu lên 12,93%.
Trên thị trường, cổ phiếu GKM hiện đang dừng ở mức 33.100 đồng/cp, tăng gần 38% so với đầu năm. Vốn hoá thị trường tương ứng khoảng 1.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong tuần giao dịch cận kề cuối năm, VN-Index chỉ có một phiên giảm điểm, còn lại đều chốt trong sắc xanh. Tuy nhiên, tình trạng quanh mốc 1.100 điểm được duy trì suốt tuần trong bối cảnh giao dịch ảm đạm, nhà đầu tư chọn đứng ngoài quan sát và chỉ mua bán theo kiểu thăm dò. Tuần này, chỉ số đại diện sàn HoSE gần như đứng yên khi chỉ cải thiện được 0,76 điểm.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam , dòng tiền thu hẹp là điều không bất ngờ ở giai đoạn cuối năm trước hiệu ứng tâm lý nghỉ ngơi đang lan rộng.
Thêm vào đó, biến động giá cổ phiếu không mạnh cũng thể hiện áp lực bán yếu. Hiệu ứng thanh khoản thấp chỉ đáng ngại nếu giá cổ phiếu giảm với biên độ rộng, phản ánh sự thiếu hụt rõ nét của bên mua.
Hiện nhà đầu tư vẫn đang chủ động chặn mua giá thấp để chờ sự thiếu kiên nhẫn hạ giá xuống của bên bán. Nếu nhà đầu tư vẫn không muốn bán rẻ, cung cầu không thể gặp nhau và thanh khoản nhỏ là bình thường.
Về yếu tố có thể kích hoạt dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại thị trường, ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về kỳ vọng kinh tế phục hồi và áp lực bán của khối ngoại giảm dần trước khi có quyết định hành động.
Do đó, chuyên gia FIDT cho rằng thời gian sắp tới, nếu lực bán từ khối ngoại giảm nhiệt và những câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp dần được lộ diện, nhiều khả năng các dòng tiền sẽ mạnh dạn hơn trong việc giao dịch.
Ông Phương cho rằng việc khối ngoại bán ròng vẫn cần tiếp tục theo dõi. Áp lực khối ngoại sẽ khiến chỉ số khó đi lên trong ngắn hạn, nhưng với việc thị trường đang ở vùng định giá rẻ cơ hội sẽ xuất hiện trong năm 2024 khi dòng vốn ngoại đảo chiều
Nhìn về giai đoạn cuối năm 2023, câu chuyện đang được chờ đợi nhất là việc hệ thống mới KRX liệu có kịp đi vào vận hành theo đúng kế hoạch. Hệ thống mới đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Đây cũng được kỳ vọng là yếu tố then chốt góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.
Tính đến ngày 20/12, sàn HoSE có 87 mã cổ phiếu bị cắt margin, trong đó có các mã quen thuộc như QCG, NVL, POM, ITA...
Nguồn: [Link nguồn]