Dòng tiền đổ vào chứng khoán ngày càng eo hẹp: Những tháng cuối năm thị trường có cải thiện?
Theo các chuyên gia chứng khoán, dù cơ quan quản lý thị trường nỗ lực kích cầu, nhưng thanh khoản trên sàn HoSE vẫn lao dốc vì nhà đầu tư thận trọng và cơ hội “lướt sóng” không còn nhiều.
Thị trường chứng khoán chuẩn bị khép lại những phiên cuối của quý 3. Đầu tháng này, nhiều chuyên gia đặt niềm tin thị trường chứng khoán sẽ bùng nổ về điểm số lẫn thanh khoản khi HoSE vừa rút ngắn chu kỳ thanh toán vừa cho phép mua bán cổ phiếu lẻ sau gần hai năm gián đoạn, thế nhưng, thực tế không như kỳ vọng.
Thị trường giao dịch đến nay mới có một phiên giá trị giao dịch vượt 20.000 tỷ đồng. Đó là ngày nhà đầu tư đua nhau xả hàng sau giai đoạn thị trường giằng co trong biên độ hẹp, kéo theo VN-Index giảm 32 điểm – mức điều chỉnh mạnh nhất trong vòng ba tháng. Những phiên còn lại giao dịch đều không quá 17.000 tỷ đồng, bằng phân nửa so với các tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia, tâm lý bi quan của nhà đầu tư là yếu tố chi phối thị trường
Phân tích về diễn biến của thị trường thời điểm này, ông Hà Tiến Hoàng – chuyên viên tư vấn khách hàng cá nhân của VDSC – cho rằng tâm lý bi quan là yếu tố chi phối. Những phiên giảm sốc trong nửa năm qua khiến phần đông nhà đầu tư không còn khát margin như trước, thay vào đó ưu tiên dùng "tiền tươi thóc thật". Điều này thể hiện qua dư nợ cho vay ký quỹ trên thị trường hiện giảm khoảng phân nửa so với mức 110.000 tỷ đồng vào cuối tháng 3.
Theo ông Hoàng, khi tiếp xúc với nhà đầu tư cá nhân thì hầu hết có niềm tin lớn rằng giá trị giao dịch sẽ tăng 10-30% khi chu kỳ thanh toán được rút ngắn từ cuối tháng 8. Tuy nhiên, thực tế không như vậy mà kịch bản "sáng tăng, chiều giảm" do áp lực bán hàng mới về tài khoản xuất hiện thường xuyên khiến nhà đầu tư càng bi quan hơn.
Cũng theo ông Hoàng, việc triển khai chu kỳ thanh toán mới và cho phép giao dịch lô lẻ cho thấy nhà điều hành rất muốn hâm nóng thanh khoản thị trường. "Nhưng nỗ lực có vẻ chưa đúng thời điểm. Khi nào tâm lý bi quan chưa được phá vỡ thì khi đó thanh khoản không thể bứt lên", ông Hoàng nói.
Tương tự, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Chứng khoán TP.HCM (HSC), chứng khoán toàn cầu nói riêng và các loại tài sản rủi ro nói chung đã có một tuần diễn biến không mấy tích cực sau cuộc họp của FED. Nhìn chung, tâm lý thị trường vẫn đang ở trạng thái bi quan.
Thông thường, khi bức tranh chung đang xấu đi, thị trường sẽ có khả năng đảo chiều khi rơi vào trạng thái quá bán sâu. Theo quan sát của ông Huy, hiện tại thị trường vẫn chưa thực sự quá bán trên các chỉ báo kỹ thuật, do đó vị chuyên gia này bỏ ngỏ kịch bản thị trường có thể tiếp tục giảm điểm trong tuần sau.
Báo cáo của nhiều công ty chứng khoán công bố gần đây cũng không lạc quan về khả năng cải thiện thanh khoản trong những tháng cuối năm. Mức 15.000-17.000 tỷ đồng mỗi phiên được dự báo là tích cực, còn ngược lại, giá trị sang tay có thể thường xuyên xuống dưới 10.000 tỷ đồng như hôm nay.
"Thanh khoản vẫn suy yếu và lực cầu gia tăng chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường", nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) lưu ý.
Nhận định về thị trường trong phiên đầu tuần (26/9), các chuyên gia YSVN cũng nhìn nhận, thị trường có thể sẽ chưa xuyên thủng mức 1.200 điểm trong phiên đầu tuần.
Theo đồ thị tuần qua, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên YSVN kỳ vọng VN-Index có thể sẽ chưa xuyên thủng mức 1.200 điểm. Do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn chưa nên mua mới giai đoạn này và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Rồng Việt – VDSC cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục thăm dò dưới 1.200 điểm.
Phiên cuối tuần qua, mặc dù thị trường đóng cửa giảm điểm, tuy nhiên việc chỉ số không thiết lập vùng giá thấp hơn và đi kèm với khối lượng khớp lệnh tăng lên, có thể đang gợi ý về một nỗ lực ngăn chặn đà giảm của dòng tiền. Do đó, thị trường có thể sẽ tiếp tục thăm dò dưới 1.200 điểm trong phiên đầu tuần do lực cầu mua chủ động trong phiên vẫn còn kém.
Dù đã dừng nhập hàng của những nhà cung cấp rau “dởm” đội lốt hàng VietGAP, tuy nhiên sự việc này đã khiến những doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị lớn bị ảnh hưởng...
Nguồn: [Link nguồn]