Đại gia nước mắm ghi nhận doanh thu “khủng”
Thị trường giằng co rung lắc dữ dội suốt phiên giao dịch khiến VN-Index giảm điểm nhẹ.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index mất 3 điểm đẩy chỉ số lùi về 868,2 điểm. HNX giảm nhẹ 0,09 điểm về 114,63 điểm. UPcom-Index cũng mất 0,04 điểm lùi về mốc 56,64 điểm.
VN-Index mất 3 điểm đẩy chỉ số lùi về 868,2 điểm.
Thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục đạt mức cao với tổng giá trị giao dịch đạt hơn 7,8 nghìn tỷ đồng.
Toàn sàn có 313 mã tăng giá cùng 41 mã tăng trần. Phía giảm giá cũng tương đương với 300 mã giảm và 32 mã giảm sàn.
Trong phiên này, bộ đôi cổ phiếu “họ Vin” tác động tiêu cực nhất tới thị trường khi VIC lấy đi của chỉ số 2,55 điểm. VHM cũng góp phần lấy đi 0,56 điểm.
Ở chiều ngược lại, VCB, GAS và VNM là những mã tác động tích cực nhất tới thị trường khi mang lại cho VN-Index 0,53; 0,44 và 0,3 điểm.
MSN có phiên giao dịch tích cực.
Đáng chú ý trong phiên, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan cũng có phiên giao dịch tích cực. Chốt phiên, MSN tăng nhẹ 0,17 % lên mốc 58.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch toàn phiên ở mức khá với hơn 1,4 triệu cổ phiếu.
Đây là phiên thứ 2 liên tiếp MSN tăng điểm khiến mức tăng chung trong tuần của mã này đạt 3,55%. Tính chung qua 1 quý, MSN đã tăng 18,7%.
Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dự kiến ghi nhận doanh thu tăng mạnh
Mới đây, Tập đoàn Masan vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên sắp diễn ra. Theo đó, mục tiêu doanh thu năm 2020 của doanh nghiệp ở mức 75.000-85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty dao động từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng.
So với kết quả kinh doanh năm 2019, doanh thu của Masan dự kiến tăng thêm 38.000-48.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận giảm 2.560-4.560 tỷ đồng.
Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dự kiến ghi nhận doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận giảm sâu trong bối cảnh 2020 là năm đầu tiên công ty vận hành hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart+. Sau quý, doanh thu hợp nhất của Masan tăng 112% so với cùng kỳ 2019 lên 18.000 tỷ đồng nhưng lỗ sau thuế 216 tỷ đồng.
Đối lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và hàng tiêu dùng, HĐQT đặt mục tiêu biên EBITDA năm 2020 của Vincommerce (VCM) sẽ từ -3% đến 0%, đạt điểm hòa vốn vào nửa cuối của năm 2020.
Trong năm 2020, trọng tâm của VCM là vạch ra lộ trình cụ thể để đạt lợi nhuận và bắt đầu xây dựng hạ tầng để số hóa toàn bộ nền tảng. Chuỗi bán lẻ này cũng sẽ tiếp tục củng cố vị thế tại Hà Nội, mở cửa hàng một cách có chọn lọc ở các tỉnh ngoại thành, phát triển mô hình tại TP. Hồ Chí Minh và các đô thị loại hai.
Trước đó, ngày 12/6/2020, Masan đã thành lập công ty hợp nhất là Công ty Cổ phần The CrownX để vận hành và sẽ sở hữu lợi ích kinh tế của MSN trong VCM và MCH.
Tính đến ngày 31/12/2019, VCM hiện đang vận hành 132 siêu thị VinMart, xấp xỉ 2.900 cửa hàng VinMart+ và 14 nông trại công nghệ cao VinEco cung cấp rau củ quả tươi.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá vàng thế giới bật tăng như vũ bão trong bối cảnh WHO công bố số ca nhiễm Covid-19 cao kỷ lục.