"Đại gia vận tải biển" báo lãi tăng hơn 263 lần do bán tài sản
Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của doanh nghiệp vận tải biển này.
CTCP Vận tải biển Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với doanh thu 1.872 tỷ đồng, tăng 80% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, việc kinh đoanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp âm 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 30 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tài chính gần như đi ngang và các chi phí cũng không được tiết giảm, song khoản thu nhập khác lên tới 393 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 422 triệu đồng vào năm trước. Kết quả, Vosco báo lãi sau thuế tăng đột biến từ 1 tỷ đồng trong cùng kỳ lên 284 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của doanh nghiệp vận tải biển này.
Vosco lãi đột biến nhờ bán tàu
Theo giải trình của Vosco, khoản lợi nhuận khác trong kỳ tăng đột biến do công ty bán tàu Đại Minh. Đây là yếu tố chính giúp Vosco lãi ròng tới 283,8 tỷ đồng trong quý này.
Lũy kế 6 tháng, Vosco ghi nhận doanh thu 2.969 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng vọt 384% so với nửa đầu năm 2023 lên mức 358 tỷ đồng.
Tổng tài sản tại thời điểm 30/6 đạt 3.247 tỷ đồng, tăng hơn 532 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tài sản cố định giảm 26% so với đầu năm ở mức 694 tỷ đồng. Ngược lại, các khoản phải thu ngắn hạn là 772 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Về phía nợ, Vosco không có nợ vay tài chính cho đến cuối quý 2/2024. Vốn chủ sở hữu đạt 2.012 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch hôm nay 17/7, cổ phiếu VOS của Vosco phiên này bất ngờ giảm sàn 7%, chỉ còn 18.600 đồng/cổ phiếu.
VOS giảm sàn trong bối cảnh thị trường chứng khoán phiên hôm nay giao dịch không mấy tích cực dù khởi đầu không quá tệ.
Mở đầu phiên giao dịch, đà tăng tiếp tục được duy trì. VN-Index tịnh tiến dần để chinh phục lại ngưỡng 1.290 điểm một lần nữa với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, khi chưa kịp lên trên ngưỡng 1.290 điểm, lực bán đã gia tăng đẩy VN-Index quay đầu trở lại đi thẳng xuống dưới tham chiếu và chỉ dừng lại khi gặp ngưỡng hỗ trợ ở đường MA20.
Áp lực chốt lời đột ngột tăng mạnh về cuối phiên, đặc biệt ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ kéo VN-Index đảo chiều giảm điểm. Nhóm cổ phiếu bất động sản đồng loạt điều chỉnh với GVR, TCH, AGG, QCG, DIG giảm sàn. Nhóm ngân hàng trở thành trụ đỡ lớn nhất thị trường với nhiều mã tăng trên 2% như BVB, NAB, TCB, MBB, VAB, ABB.
Kết quả phiên giao dịch ngày 17/7, VN-Index VN-Index giảm 12,52 điểm (0,98%) xuống 1.268,66 điểm. HNX-Index giảm 4,01 điểm (1,64%) về 240,9 điểm. UPCoM-Index giảm 0,98 điểm (1%) về 97,27 điểm.
Sắc xanh sàn xuất hiện nhiều trên bảng điện tử
Hoạt động bán tháo gia tăng khiến thanh khoản tăng đột biến. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 33,4 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có 369 mã giảm giá (trong đó có 28 mã giảm sàn), 109 mã tăng giá và 33 mã đứng giá tham chiếu
Phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng 358 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trên sàn HNX và UPCoM, nhà đầu tư ngoại mua ròng lần lượt là 5,3 tỷ đồng và 56 tỷ đồng. Cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm ngành được khối ngoại mua ròng nhiều trong phiên hôm nay, như: VCB (136 tỷ đồng), TCB (102 tỷ đồng), BID (94 tỷ đồng), CTG (60 tỷ đồng).
TCB tiếp tục là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 1,81 điểm. Ở chiều ngược lại, GVR lấy đi của Vn-Index 2,42 điểm.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co trong vùng 1.280 – 1.290 điểm của chỉ số VN-Index. Đồng thời, thị trường có thể sớm kết thúc giai đoạn tích lũy trong vài phiên tới, hay nói cách là thị trường có thể sớm kết thúc đi ngang hiện tại. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy cơ hội mua mới vẫn tiếp tục gia tăng.
“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mua mới”, chuyên gia của YSVN khuyến nghị.
Tỉnh này trong những năm qua có tốc độ tăng trưởng kinh tế rất nhanh, công nghiệp phát triển.
Nguồn: [Link nguồn]