Đại gia Bắc Ninh bị thổi bay hơn 100 tỷ đồng trong ngày thị trường chứng khoán giảm mạnh
Cùng với đà giảm của thị trường chứng khoán trong những phút cuối phiên, khối tài sản của đại gia Bắc Ninh này cũng ghi nhận mức giảm hơn 100 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận biến động mạnh trong phiên giao dịch ngày 30/10 khi chốt phiên chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.042,4 điểm, giảm 18,22 điểm (1,72%). VN30-Index mất gần 20 điểm (1,87%), xuống còn 1.047,63 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index mất hơn 3%, còn UPCOM-Index giảm gần 1%. Sau phiên 30/10, VN-Index giảm về vùng giá thấp nhất hơn 5 tháng, kể từ ngày 5/5.
Thanh khoản toàn thị trường chỉ đạt gần 12.000 tỷ đồng. Trong đó thanh khoản trên sàn HoSE chỉ ghi nhận hơn 10.100 tỷ đồng, giảm hơn 3.600 tỷ so với phiên trước và xuống mức thấp nhất trong một tháng.
Đà giảm của cổ phiếu STB trong phiên giao dịch ngày 30/10 khiến khối tài sản của Chủ tịch Dương Công Minh bị thổi bay hơn 106 tỷ đồng - Ảnh chụp màn hình
Trong phiên giao dịch chỉ số VN-Index giảm mạnh cuối phiên, mã cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín là một trong những cổ phiếu ghi nhận mức giảm sâu nhất trong rổ chỉ số VN30 với mức giảm 6% so với phiên liền trước để đóng cửa ở mức giá 27.000đ/cổ phiếu. STB cũng là mã cổ phiếu ghi nhận thanh khoản lớn nhất thị trường với hơn 21,27 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
Thị giá cổ phiếu STB giảm mạnh trái ngược với kết quả kinh doanh tích cực của nhà băng này trong quý 3/2023. Theo đó, báo cáo tài chính của STB cho thấy trong quý vừa qua ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.634 tỷ đồng, tăng hơn 400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022. Sau 9 tháng đầu năm, STB ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.459 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số lãi chỉ 3.289 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Ngân hàng STB báo lãi sau thuế tăng mạnh trong bối cảnh nhà băng này đã giảm đáng kể chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, trong quý 3/2023, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của nhà băng này chỉ là 827 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ con số này là 2.425 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của STB là 3.144 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 5.550 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022.
Đà giảm mạnh của STB trong phiên giao dịch ngày 30/10 khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của Chủ tịch Dương Công Minh ghi nhận mức giảm hơn 100 tỷ đồng. Cụ thể, với việc đang trực tiếp nắm giữ gần 62,6 triệu cổ phiếu STB, khối tài sản của Chủ tịch 62 tuổi người Bắc Ninh ghi nhận mức giảm hơn 106 tỷ đồng cùng đà giảm của cổ phiếu đang nắm giữ. Tính theo giá thị trường kết phiên giao dịch ngày 30/10, ông Dương Công Minh đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trên sàn chứng khoán có giá trị 1.689 tỷ đồng.
Sau phiên thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo vào cuối ngày, nhận định về xu hướng thị trường trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2023 (31/10), chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcap dự báo thị trường với đại diện là VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm, hướng về ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn tiếp theo quanh 1.025 điểm là vùng đáy của Quí 1/2023. Nếu áp lực bán được tiết chế và lực mua được thúc đẩy bởi hỗ trợ có sự gia tăng đủ mạnh để thiết lập cân bằng ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục kỹ thuật từ đây với kháng cự quanh 1.075 điểm. Ngược lại, nếu hỗ trợ này tiếp tục bị phá vỡ, VN-Index có khả năng sẽ thoái lui về vùng quanh 985 điểm.
Tương tự, chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên kế tiếp (31/10) và vùng hỗ trợ cho chỉ số VN-Index kế tiếp là 1.000-1.020 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức cao, mặc dù vậy Yuanta vẫn kỳ vọng vào vùng hỗ trợ 1.020 điểm của chỉ số VN-Index có thể thu hút lực cầu ngắn hạn tại vùng giá này. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm vào vùng bi quan quá mức, nhưng thị trường có thể sẽ chưa thể hình thành vùng đáy đang tín cậy và chủ yếu chỉ xuất hiện các nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, trong ngắn hạn, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán ra ở vùng giá hiện tại nếu không có áp lực margin. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng chưa nên mua vào trong giai đoạn này khi rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao.
Chuyên gia của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) nhận định xét dưới góc nhìn ngắn hạn, với phiên giảm điểm mạnh ngày 30/10 cho thấy động lực giảm điểm vẫn còn mạnh và ngưỡng hỗ trợ gần của VN-Index là khu vực 1.015 – 1.040 điểm, xa hơn là quanh 1.000 điểm. Hiện tại thị trường đang trong trạng thái quá bán và có thể có các nhịp hồi phục kỹ thuật trong giai đoạn tới tuy nhiên rủi ro ngắn hạn là khá cao và các nhịp hồi kỹ thuật thường kết thúc bất ngờ khó dự báo.
SHS cho rằng thị trường mặc dù tiếp tục giảm nhưng đã quay trở lại vùng tích lũy trung hạn trước đây và rất có thể sẽ tiến đến trạng thái tích lũy lại. Trong ngắn hạn VN-Index vẫn có thể tiếp tục giảm điểm và có thể xuất hiện các nhịp phục hồi kỹ thuật. SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên tạm thời đứng ngoài quan sát diễn biến và có thể tranh thủ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng cổ phiếu nếu đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao. Nhà đầu tư trung dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và chờ thị trường tích lũy ổn định trở lại.
Hiện, vị đại gia này đã bán chiếc trực thăng và không còn sở hữu máy bay riêng.
Nguồn: [Link nguồn]