Doanh nhân 50 tuổi người TP HCM có khối tài sản khủng, vượt 6.000 tỷ đồng
Sau khi được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực BĐS, khối tài sản của doanh nhân 50 tuổi người TP HCM này đã vượt 6.000 tỷ đồng nhờ đà tăng của cổ phiếu đang nắm giữ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu tuần mới tích cực khi kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, chỉ số VN-Index tăng 8,26 điểm, đạt mức 1.524,7 điểm; HNX-Index tăng 4,59 điểm, đạt 458,69 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên mua với 617 mã tăng và 363 mã giảm. Trong rổ VN30, sắc xanh chiếm ưu thế với 17 mã tăng, 10 mã giảm và 3 mã tham chiếu.
Là một trong những mã cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới chỉ số VN-Index trong phiên giao dịch đầu tuần, NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va ghi nhận mức tăng 3.900 đồng/cổ phiếu tương đương mức tăng 4,72% để đóng cửa ở mức giá 86.500 đồng/cổ phiếu.
Cùng với đà tăng của NVL, khối tài sản của Chủ tịch Bùi Xuân Huy cũng ghi nhận tăng thêm hàng trăm tỷ đồng. Theo đó, với việc đang trực tiếp sở hữu hơn 71,7 triệu cổ phiếu NVL, khối tài sản của doanh nhân 50 tuổi người TP HCM ghi nhận mức tăng thêm hơn 279,8 tỷ đồng.
Khối tài sản của ông Bùi Xuân Huy - doanh nhân người TPHCM vượt 6.000 tỷ đồng nhờ đà tăng mạnh của cổ phiếu NVL những phiên giao dịch gần đây
Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày 4/4, khối tài sản của ông Bùi Xuân Huy đã vượt 6.000 tỷ đồng khi doanh nhân người TP HCM sở hữu khối tài sản hơn 6.206 tỷ đồng. Với khối tài sản đang nắm giữ, ông Huy đang tiến gần Top 30 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Mới đây, ông Bùi Xuân Huy cũng đã đăng ký mua thêm 850.000 cổ phiếu NVL theo diện ESOP, tính theo mệnh giá số tiền doanh nhân này bỏ ra chỉ 8,5 tỷ đồng. Giao dịch thực hiện từ ngày 5 đến 12/4. Sau giao dịch mua cổ phiếu ESOP, số lượng cổ phiếu ông Huy trực tiếp nắm giữ tăng lên thành hơn 72,598 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ nắm giữ 3,724%.
Ngày 29/3 vừa qua, NVL của Chủ tịch Bùi Xuân Huy đã có nghị quyết thông qua việc đầu tư góp vốn vào Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley. Đồng thời doanh nghiệp này cũng quyết định thoái toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Nhà ở và Hạ tầng Sài Gòn và thoái toàn bộ vốn góp của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển BĐS Khánh An.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 5/4, các chuyên gia của CTCK BIDV (BSC) dự báo VN-Index có thể sẽ quay lại test ngưỡng hỗ trợ mới quanh vùng 1.515 điểm. Nếu thành công, thị trường có thể tiếp tục tiến lên chinh phục ngưỡng 1.535, còn nếu thất bại, chỉ số khả năng cao sẽ trở về ngưỡng 1.505 điểm.
Cùng quan điểm, các chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ điều chỉnh và VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng hỗ trợ 1.517 - 1.523 điểm trong phiên kế tiếp.
Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực, cho nên có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh hoặc chỉ xuất hiện nhịp điều chỉnh nhẹ.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng nhẹ và dòng tiền vẫn đang phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, nên các nhà đầu tư ngắn hạn nên chú ý vào xu hướng ở từng nhóm cổ phiếu, trong đó đáng chú ý với nhóm dịch vụ tài chính, hóa chất, bán lẻ và phần mềm và dịch vụ máy tính.
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo trong phiên giao dịch 5/4, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm để hướng đến vùng kháng cự 1.530 - 1.550 điểm. Những nhà đầu tư đã tham gia mua vào trước đó trong vùng hỗ trợ 1.425 - 1.450 điểm có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và canh chốt lời nếu thị trường tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.530 - 1.550 điểm.
Các chuyên gia của CTCK KB Việt Nam (KBSV) đánh giá áp lực chốt lời giá cao sau một phiên tăng điểm tích cực khiến cho đà tăng tích cực của chỉ số không duy trì được đến cuối phiên 04/04.
Theo KBSV, mặc dù cơ hội tiếp tục mở rộng xu hướng tăng vẫn được bảo lưu, chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục trải qua các nhịp điều chỉnh giằng co trong những phiên tới. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục linh hoạt trading cho các vị thế ngắn hạn, chốt lời từng phần khi chạm kháng cự hoặc trải mua trở lại khi về hỗ trợ.
Nguồn: [Link nguồn]
Cùng với cơn sốt đất nhiều nơi kể từ đầu năm 2022 đến nay, số lượng doanh nghiệp kinh doanh BĐS thành lập mới cũng tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.