Cổ phiếu VinFast tăng mạnh trong ngày tròn 4 tháng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ
Trong ngày đánh dấu cột mốc 4 tháng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, cổ phiếu hãng xe điện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng có phiên giao dịch tăng mạnh cả về thị giá và thanh khoản.
Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 15/12, chứng khoán Mỹ ghi nhận tăng mạnh. Kết thúc phiên giao dịch chỉ số Dow Jones tăng 56 điểm (tương ứng 0,2%) lên 37.305,16 điểm. Tuy nhiên, S&P 500 trượt 36 điểm (tương ứng 0,01%) còn 4.719,19 điểm.
Trong khi đó, Nasdaq Composite tiến 52 điểm (tương ứng 0,4%) lên 14.813,92 điểm. Chỉ số Nasdaq-100 khép phiên tại 16.623,45 điểm, vượt mức đóng cửa kỷ lục xác lập vào tháng 11/2021. Tính đến ngày thứ Sáu, Dow Jones đã tăng 3,8% trong tháng 12, S&P 500 tiến 3,3%, trong khi Nasdaq Composite leo 4,1%.
S&P 500 ghi nhận chuỗi tuần tăng điểm dài nhất từ năm 2017, và có thể sớm nối gót Dow Jones lên mức cao nhất mọi thời đại xác lập tháng 1/2022. Hiện S&P 500 còn cách mức đỉnh này chưa đầy 2%.
Cùng với diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ, mã cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast do tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng có phiên giao dịch tăng mạnh trong ngày đánh dấu cột mốc 4 tháng niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, mã cổ phiếu VFS ghi nhận mức tăng 13,54% để đóng cửa ở mức giá 7,88 USD/cổ phiếu. Không chỉ tăng mạnh về thị giá, thanh khoản của VFS cũng tăng hơn 2 lần so với những phiên liền trước khi có hơn 6,358 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay.
Theo Companiesmarketcap, với mức giá đóng cửa này, giá trị vốn hóa của VinFast đạt 18,37 tỷ USD và tiến một bậc trong danh sách những hãng ô tô có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới lên đứng vị trí thứ 24. Trong phân khúc xe điện, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đứng vị trí thứ 4 sau Tesla của Mỹ với giá trị vốn hóa 805,85 tỷ USD, Li Auto của Trung Quốc với giá trị vốn hóa 35,39 tỷ USD và Rivian của Mỹ với giá trị vốn hóa đạt 21,68 tỷ USD.
Mẫu xe VinFast VF 7 dự kiến sớm bán ở thị trường châu Âu năm 2024
Với mức giá kết phiên giao dịch ngày 15/12, mã cổ phiếu VinFast ghi nhận mức giảm 21,2% so với mức định giá 10 USD/cổ phiếu khi được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hôm 15/8. So với mức giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của VinFast, mã cổ phiếu này ghi nhận mức giảm 78,7%. Còn so với mức giá cao nhất từng thiết lập là 93 USD/cổ phiếu trong tháng 8/2023, mức giảm của VFS sau 4 tháng niêm yết chính thức là 91,5%.
Còn so với mức giá thấp nhất chỉ 4,59 USD/cổ phiếu thiết lập cuối tháng 10 vừa qua thì cổ phiếu VFS đã ghi nhận mức tăng 71,7%, đây là mức lãi đáng kể với những nhà đầu tư đã bắt “đúng đáy” của mã cổ phiếu này hồi cuối tháng 10/2023.
Theo đánh giá của giới kinh doanh, việc người dùng châu Âu chờ đợi các mẫu ô tô điện giá rẻ có thể là tin vui đối với VinFast. Hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện là một trong số không nhiều các nhà sản xuất đã hoàn thiện dải sản phẩm của mình phủ rộng khắp các phân khúc từ A đến E, thậm chí cả xe điện mini. Đầu tháng này, VinFast VF 8 đã được đưa đi kiểm nghiệm tiêu chuẩn Euro NCAP và được xếp hạng 4 sao.
Để đáp ứng nhu cầu xe điện giá mềm mà người dùng châu Âu đang chờ đợi, các mẫu VF 6 và VF 7 có thể mới là “át chủ bài” của VinFast. Cũng theo bà Lê Thị Thu Thuỷ - CEO VinFast toàn cầu, VF 6 và VF 7 sẽ được bán tại thị trường này vào năm 2024, tức là có thể sớm hơn đến 1 năm so với nhiều nhà sản xuất khác. Nếu sớm gia nhập thị trường châu Âu, VF 6 và VF 7 sẽ có được lợi thế đi trước so với các đối thủ trong bối cảnh ô tô điện cỡ nhỏ, giá mềm hiện vô cùng khan hiếm tại thị trường này.
Trái ngược với đà giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam, khối tài sản của đại gia 65 tuổi này vẫn ghi nhận tăng thêm gần 60 tỷ đồng.
Nguồn: [Link nguồn]