Cổ phiếu tăng mạnh, mẹ "Cường đô la" giàu cỡ nào?
Với đà tăng mạnh của cổ phiếu nắm giữ, khối tài sản của mẹ doanh nhân "Cường đô la" đã vượt mốc 1.200 tỷ đồng, tăng mạnh so với cách đây 1 năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến tiêu cực trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3. Theo đó, kết phiên giao dịch ngày 29/3, chỉ số VN-Index giảm 6,09 điểm để đóng cửa ở mức 1.284,09 điểm, thanh khoản đạt 23.204 tỷ đồng. Chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,33 điểm để đóng cửa ở mức 242,58 điểm, thanh khoản đạt 1.768 tỷ đồng. Xét cho cả tuần giao dịch từ 25-29/03, chỉ số VN-Index tổng cộng tăng 2,29 điểm (+0,18%), HNX-Index tăng 0,9 điểm (+0,37%).
Trong tuần thị trường chứng khoán giao dịch khá ảm đạm khi đà tăng của chỉ số bị chững lại bởi phiên giảm điểm vào cuối tuần, mã cổ phiếu QCG của CTCP Quốc Cường - Gia Lai do nữ đại gia Nguyễn Thị Như Loan giữ vị trí Tổng giám đốc có tuần tăng điểm tích cực.
Thống kê cho thấy, QCG đã tăng tổng cộng 23,53% sau 5 phiên giao dịch gần nhất để đóng cửa ở mức giá 12.600đ/cổ phiếu, thanh khoản đạt trung bình hơn 1,9 triệu cổ phiếu mỗi phiên. Còn tính trong vòng một năm qua, cổ phiếu QCG đã tăng khoảng 200%, đưa vốn hóa công ty lên 3.467 tỷ đồng.
Tài sản của bà Nguyễn Thị Như Loan vượt mốc 1.200 tỷ đồng cùng đà tăng ấn tượng của cổ phiếu QCG
Đà tăng mạnh của QCG trong tuần giao dịch vừa qua không chỉ mang về niềm vui cho các cổ đông. Mức tăng ấn tượng này cũng giúp khối tài sản của mẹ "Cường đô la" có thêm hàng trăm tỷ đồng khi bà Loan đang trực tiếp nắm giữ gần 102 triệu cổ phiếu QGC. Tính theo giá thị trường, nữ đại gia 64 tuổi đang trực tiếp sở hữu khối tài sản có giá trị hơn 1.284 tỷ đồng.
Cùng với đà tăng mạnh của cổ phiếu, mới đây Hội đồng quản trị của QGC đã công bố Nghị quyết về việc bán toàn bộ cổ phần tại công ty liên kết là CTCP Quốc Cường Liên Á. Bà Nguyễn Thị Như Loan - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc có trách nhiệm tìm kiếm đối tác nhận chuyển nhượng, toàn quyền quyết định nội dung, phương thức giao dịch.
Theo công bố, Quốc Cường Liên Á hiện có vốn điều lệ 250 tỷ đồng và Quốc Cường Gia Lai ghi nhận giá gốc đầu tư gần 148 tỷ đồng (đang dự phòng giảm giá 1,5 tỷ đồng). Mức giá công ty muốn bán ra là khoảng 150 tỷ đồng, chênh cao hơn vài tỷ so với giá gốc đầu tư.
Quốc Cường Liên Á được thành lập vào năm 2010, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, người đại diện là ông Đào Quang Diệu, hiện ông này đang là Trưởng Ban kiểm soát của Quốc Cường Gia Lai. Năm 2023, công ty liên kết này lãi 2,9 tỷ đồng, cải thiện hơn so với mức lỗ 427 triệu đồng của năm 2022.
Nếu chuyển nhượng thành công, Quốc Cường Gia Lai còn sở hữu 3 công ty con gồm: Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng (sở hữu 95%), CTCP Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường (sở hữu 90%), CTCP Giai Việt (sở hữu 50%) và 2 công ty liên kết gồm: Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh Nhà Phạm Gia (sở hữu 43,81%), CTCP Bất động sản Hiệp Phúc (sở hữu 34%).
Sau tuần giao dịch ảm đạm của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch đầu tiên của tháng 4, chuyên gia của công ty chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index có thể tiếp tục quán tính điều chỉnh để kiểm định hỗ trợ MA5 tại vùng 1.280-1.282 điểm. Nếu lực bán không mạnh, chỉ số có khả năng sẽ tăng trở lại sau đó để tiếp tục thử thách vùng kháng cự tại 1.285-1.310 điểm. Nhưng nếu hỗ trợ MA5 bị vi phạm, VN-Index có thể sẽ cần tìm điểm cân bằng ở vùng giá thấp hơn, quanh đường MA10, MA20 tại 1.265-1.270 điểm.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng nhận định chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh vào đầu phiên 01/04 về vùng 1.278 điểm và quay trở lại xu hướng tăng vào cuối phiên trong phiên kế tiếp. Đồng thời, thị trường cũng có thể nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh ngắn hạn, thanh khoản suy yếu ở những phiên điều chỉnh cho thấy các nhà đầu tư chưa có dấu hiệu thoát khỏi thị trường và chủ yếu vẫn vị thế nắm giữ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
CTCK Shinhan Việt Nam (SSV) đưa ra khuyến nghị chỉ báo STOCH RSI đang tiến vào vùng quá mua ngắn hạn nhưng vẫn còn dư địa tăng tiếp. Tuy nhiên, rủi ro giao dịch T+ là cao nên khuyến nghị nhà đầu tư cần hạn chế, đặc biệt với những mã cổ phiếu đã tăng cao so với các ngưỡng hỗ trợ. Nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu cần xem xét các ngưỡng hỗ trợ 1.260 là ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index, và 1.220 là ngưỡng hỗ trợ trung hạn để bán kịp thời. Kỳ vọng nhóm ngành xuất nhập khẩu và bất động sản, chứng khoán sẽ được dòng tiền chú ý hơn trong thời gian tới.
Nguồn: [Link nguồn]
Trước khi rời vị trí Phó tổng giám đốc ngân hàng VietBank, nữ đại gia sinh năm 1959 là một trong những cái tên khá nổi trong giới đầu tư khi đang làm lãnh đạo ở một loạt doanh nghiệp khác.