Cổ phiếu "ông trùm" sản xuất nguyên liệu ngành bán dẫn tăng mạnh nhất 20 tháng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Cổ phiếu tăng mạnh nhiều phiên, lên đỉnh 20 tháng. Nhờ đó, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp cũng tăng thêm hơn 7.000 tỷ từ cuối tháng 1/2024, lên trên 41.600 tỷ đồng (tương đương ~1,6 tỷ USD).

Trong bối cảnh thị trường chung khởi sắc, cổ phiếu DGC của Hoá chất Đức Giang cũng có "cú nhấn ga" ấn tượng khi ngay sau phiên tăng kịch trần cùng thanh khoản vượt mốc trung bình 20 phiên (26/2) thì phiên 27/2, cổ phiếu này tiếp tục tăng 4,3%, đóng cửa tại mốc 111.6 đồng. Đây cũng là mức đỉnh cao nhất của cổ phiếu này trong 20 tháng qua, kể từ tháng 6/2022.

Thực tế, DGC đã rục rịch đi lên trong suốt 1 tháng qua với mức tăng gần 20% giá trị. Còn nếu so với thời điểm cách đây 1 năm, cổ phiếu này đã bứt phá tới 2,1 lần. Vốn hóa thị trường của Hóa chất Đức Giang cũng tăng thêm khoảng 7.000 tỷ từ cuối tháng 1/2024, lên trên 40.600 tỷ đồng (tương đương ~1,6 tỷ USD).

Hóa chất Đức Giang (DGC) được kỳ vọng là DN sẽ hưởng lợi nhờ triển vọng ngành bán dẫn trong thời gian tới

Hóa chất Đức Giang (DGC) được kỳ vọng là DN sẽ hưởng lợi nhờ triển vọng ngành bán dẫn trong thời gian tới

Năm 2023, luỹ kế cả năm của Hóa chất Đức Giang ghi nhận 9.748 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.109 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, lần lượt giảm 33% và 44% so với thực hiện năm trước. Giá cổ phiếu cũng "bốc hơi" hơn một nửa từ mức đỉnh cũ và chỉ bắt đầu phục hồi kể từ tháng 5/2023.

Giới chuyên gia cho rằng, DGC được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ triển vọng ngành bán dẫn trong thời gian tới. Photpho vàng và Acid phosphoric là các nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất vi mạch điện tử, chất bán dẫn. Giá của hai nguyên liệu này được dự báo sẽ diễn biến tích cực hơn khi ngành công nghiệp bán dẫn phát triển.

Là doanh nghiệp có sản lượng xuất khẩu photpho vàng lớn nhất Châu Á, Hóa chất Đức Giang (DGC) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ xu hướng trên.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu tăng mạnh trong 2 ngày liên tiếp với sự bùng nổ của dòng thép, chứng khoán, bất động sản… đem lại kỳ vọng cho nhà đầu tư về xu hướng tăng trong phiên tiếp theo.

Nhận định về phiên giao dịch ngày 28/2, Công ty chứng khoán CSI cho rằng 2 phiên tăng điểm liên tiếp của tuần mới đã phát đi tín hiệu tích cực, xóa bỏ áp lực bán và tín hiệu điều chỉnh của phiên giảm mạnh cuối tuần trước. Thanh khoản có xu hướng tăng dần trong 2 phiên bùng nổ và đều ở mức cao hơn mức trung bình 20 phiên. Hiện VN-Index tiệm cận mức đỉnh của năm 2023 là 1.250 điểm nên khả năng sẽ gặp áp lực bán chốt lời. Nhà đầu tư nên mua thăm dò và chỉ mua những mã cổ phiếu vừa bứt phá trên nền tích lũy khi thị trường chung có nhịp chỉnh.

Theo ông Võ Kim Phụng, Phó phòng phân tích Công ty chứng khoán BETA, phiên tăng điểm hôm nay giúp VN-Index đóng cửa ở mốc cao nhất kể từ đầu năm, mở ra cơ hội lớn tiếp cận vùng kháng cự mạnh tại 1.250 điểm. Dự báo phiên 28/2, áp lực chốt lời sẽ xuất hiện kéo theo các đợt rung lắc, điều chỉnh.

"Thị trường đang trong trạng thái quá mua, nhà đầu tư nên cần thận trọng trong việc mua mới, hạn chế mua đuổi những cổ phiếu có trạng thái tăng nóng để tránh áp lực chốt lời dẫn đến rủi ro điều chỉnh" - ông Phụng nói.

Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) thì nhận định, trong những phiên tới, VN-Index có thể tiếp tục quán tính tăng điểm trở lại vùng 1.250, đi kèm với những phiên rung lắc. 

Lạc quan hơn, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, Nếu thị trường duy trì được thanh khoản cao và dòng tiền phân hóa tốt thì VN-Index sẽ sớm chạm mốc 1.260 tương đương mức 1.618 của thang đo fibonacci mở rộng. Ở khung đồ thị giờ, 2 chỉ báo RSI và MACD vẫn đang hướng lên và chưa cho dấu hiệu tạo đỉnh cho thấy thị trường vẫn trong xu hướng chính là tăng. 

Sau phiên 23/2 "bùng nổ" thanh khoản, nhóm ngân hàng tiếp tục đứng đầu về lực hút tiền trong phiên, với 4.131 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu BID tăng ngoạn mục trong nhiều phiên liên tiếp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuấn Kiệt ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN