Cổ phiếu “nhà” FPT liên tục lập đỉnh, thêm một mã cán mốc 100.000 đồng/cp
Bất chấp thị trường chứng khoán rung lắc mạnh, cổ phiếu “nhà” FPT vẫn lầm lũi đi lên lập đỉnh mới.
Khép lại phiên giao dịch 4/6, cổ phiếu FPT với mức tăng 1,61% lên 139.100 đồng/cp, cao nhất từ trước đến nay (tính theo giá đóng cửa đã điều chỉnh). Đây là lần thứ 25 cổ phiếu này vượt đỉnh kể từ đầu năm 2024.
Cổ phiếu đi lên bền bỉ đẩy vốn hóa thị trường của FPT lập kỷ lục mới gần 176.700 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), tăng 54.600 tỷ so với đầu năm. Đà bứt phá đưa tập đoàn công nghệ này vượt qua hàng loạt tên tuổi như Vingroup, Vinhomes, VietinBank, Techcombank, VPBank,… để vươn lên vị trí thứ 5 trong danh sách các công ty niêm yết giá trị nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện tại, vốn hóa của FPT chỉ kém Vietcombank, BIDV, PV Gas và Hòa Phát trong danh sách các công ty niêm yết. Nếu tính chung toàn sàn chứng khoán, FPT sẽ xếp thứ 7, sau cả bộ đôi Viettel Global và ACV đang giao dịch trên UPCoM.
FOX là cổ phiếu tiếp theo trong nhóm của nhà FPT gia nhập “câu lạc bộ ba chữ số” trên sàn chứng khoán, sau FPT của Tập đoàn FPT và FRT của FPT Retail
Được biết, đà tăng của FPT được hỗ trợ khá tích cực bởi thông tin chia cổ tức tiền mặt và phát hành tăng vốn. Theo đó, ngày 13/6 tới đây, FPT sẽ là ngày chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức còn lại năm 2023 với tỷ lệ 10%. Với gần 1,27 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, FPT dự chi khoảng 1.300 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến là 20/6, tức là chỉ 1 tuần sau khi lăn chốt.
Cũng trong phiên giao dịch 4/6, cổ phiếu FOX của CTCP Viễn thông FPT (FPT Telecom) tiếp tục tăng mạnh gần 15% lên vùng đỉnh mới 101.200 đồng/cp. Đây là cổ phiếu tiếp theo trong nhóm của nhà FPT gia nhập “câu lạc bộ ba chữ số” trên sàn chứng khoán, sau FPT của Tập đoàn FPT và FRT của FPT Retail.
Giao dịch trên UPCoM nên chỉ sau thời gian ngắn “tạo sóng”, FOX đã tăng dựng đứng. So với thời điểm giữa tháng 4/2024, mã tăng gần 85% giá trị. Ở mức giá hiện tại, vốn hoá của FPT Telecom đạt gần 50.000 tỷ đồng.
Đà tăng chóng mặt của FOX đến từ những kỳ vọng của nhà đầu tư ngành công nghệ, đặc biệt là khi các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến Việt Nam và có những ký kết hợp tác về lĩnh vực AI, chip bán dẫn...
Bên cạnh yếu tố thuận lợi của ngành, bản thân FPT Telecom cũng đang ghi nhận những điểm tích cực đến từ hoạt động kinh doanh. Năm 2023, FPT Telecom đạt 15.806 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.380 lãi ròng; tăng lần lượt 7% và 11% so với năm 2022. Đây cũng là mức doanh thu và lợi nhuận ròng cao nhất từ trước tới nay của FPT Telecom và là năm thứ 6 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận.
FPT Telecom tiếp tục đặt mục tiêu “xô đổ” kỷ lục kinh doanh trong năm 2024 với doanh thu 17.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3.510 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 15% so với thực hiện năm trước.
Quý 1 vừa qua, công ty ghi nhận doanh thu thuần 4.012 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 826 tỷ đồng, tăng 14%; nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 653 tỷ đồng, tăng gần 13%...
Trên thị trường chứng khoán, phiên 4/6 thanh khoản sụt giảm so với phiên trước và cũng sụt giảm nhẹ (-2,3%) so với mức trung bình 20 phiên nên chưa thể hiện sự tác động mạnh để làm thay đổi xu hướng hiện tại của thị trường.
Nhận định thị trường phiên 5/6, các công ty chứng khoán cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn đang xu hướng nhích dần và hướng tới mục tiêu mốc kháng cự 1.300-1.317 điểm.
CTCK Kiến Thiết Việt Nam (CSI) kỳ vọng tích cực về thị trường, song ở thời điểm hiện tại CSI lưu ý nhà đầu tư hạn chế việc mua đuổi, ưu tiên nắm giữ vị thế đã mua trước đó, song song với đó, chờ những nhịp rung lắc khi VN-Index về mốc hỗ trợ quanh 1.275 điểm thì gia tăng thêm tỷ trọng ở những cổ phiếu đang có lợi nhuận.
CTCK Vietcombank (VCBS) nhận định, thị trường dường như vẫn khá khó khăn để vượt qua kháng cự 1.290 điểm trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư vẫn đang khá thận trọng như hiện tại.
“Nhà đầu tư giữ tâm lý bình tĩnh, tiếp tục chốt lời những mã không vượt được kháng cự và động lực yếu dần. Đồng thời, có thể cân nhắc cơ cấu một phần danh mục sang những mã vẫn đang đón nhận dòng tiền tham gia khá tích cực thuộc các nhóm ngành như điện, dầu khí” – VCBS lưu ý.
Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) đã có phiên “hút” tiền mạnh, thanh khoản đứng thứ 2 toàn thị trường; trong khi đó, cổ phiếu NCG của CTCP Tập đoàn Nova Consumer bất ngờ tăng kịch trần.
Nguồn: [Link nguồn]