Cổ phiếu liên tục nằm sàn, vốn hóa của "ông lớn" hàng không bốc hơi hàng chục nghìn tỷ đồng
Trên thị trường chứng khoán, thị giá HVN đã lao dốc gần 29% trong một tuần và gần 42% trong một tháng.
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, sắc đỏ tiếp tục lấn át trên thị trường. Áp lực giảm trải rộng ở nhiều nhóm ngành. Sắc đỏ tiếp tục chiếm ưu thế trong phiên sáng, độ rộng thị trường đang thể hiện sự áp đảo của phe bán.
Chỉ số VN-Index để thủng mốc 1.230 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch khi mà nhóm bluechip gần như đồng loạt giảm và sắc đỏ mở rộng trên bảng điện tử.
Trong phiên chiều, thị trường xuất hiện lực cầu nâng giá nhưng sự thận trọng vẫn chiếm lĩnh thị trường khiến chỉ số vẫn cắm đầu lao dốc. Nhiều cổ phiếu của nhóm này nằm trong Top10 ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index như CTG, LPB, TCB, VPB, VCB. Dù trong phiên, đã có lúc test lại mốc 1.230 điểm nhưng hỗ trợ này đã giữ vai trò khá tốt.
Kết quả phiên giao dịch ngày 25/7, VN-Index giảm 5,28 điểm (0,43%) xuống 1.233,19 điểm. HNX-Index giảm 0,92 điểm (0,39%) về 235,25 điểm, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (0,02%) xuống 94,51 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng ngập tràn sắc đỏ
Lực bán áp đảo trong khi sức cầu yếu ớt khiến thanh khoản tụt giảm không phanh. Tổng giá trị giao dịch chỉ còn hơn 13 nghìn tỷ đồng. Đây là một trong những phiên giao dịch có mức thanh khoản thấp nhất kể từ đầu năm.
Toàn thị trường ghi nhận 496 mã giảm giá, 360 mã tăng giá và 221 mã đứng giá tham chiếu.
VIC tiếp tục là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 0,66 điểm. Ở chiều ngược lại, CTG lấy đi của Vn-Index 0,83 điểm.
Cổ phiếu của Vietnam Airlines đã giảm sàn liên tục ba phiên 19/7, 22/7 và 23/7. HVN tiếp tục giảm 4% trong phiên 24/7 và quay lại giảm sàn trong phiên hôm nay về 20.200 đồng, khớp hơn 7,33 triệu đơn vị. Giá cổ phiếu ở ngưỡng này đã chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2024 với 10 phiên gần nhất đều giảm, trong đó, có tới 6 phiên giảm sàn.
Như vậy, thị giá đã lao dốc gần 29% trong một tuần và gần 42% trong một tháng. Vốn hóa theo đó “bốc hơi” khoảng 30 nghìn tỷ đồng chỉ trong một tháng, về khoảng gần 44 nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết quý I, Vietnam Airlines vẫn còn ghi nhận lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Đây là nguyên nhân khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều), và đang có nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.
Cổ phiếu HVN liên tục sụt giảm mạnh
Nhận định về thị trường chứng khoán, Chứng khoán SHS cho rằng “Trong ngắn hạn, xu hướng thị trường trở nên tiêu cực hơn khi VN-Index không giữ được vùng hỗ trợ quan trọng quanh 1.250 điểm và chịu áp lực điều chỉnh về vùng giá 1.200-1.220 điểm, tương ứng vùng giá trung bình 200 phiên cũng như vùng giá cao nhất năm 2018, đây cũng là vùng giá trung bình trong 5 năm qua”.
Tuy nhiên, đánh giá về bức tranh TTCK sắp tới, ông Nguyễn Đông Hải, Phó chủ tịch HĐQT Chứng khoán Thành Công, Tổng giám đốc Quản lý quỹ TCAM cho rằng nửa cuối năm 2024 là "chân của con sóng thăng hoa" của TTCK.
Theo ông Hải, chu kỳ 4 năm đã bắt đầu từ 2023 nhưng điểm thăng hoa chưa xảy ra. Có thể sẽ xảy ra vào cuối năm 2024 và năm 2025. Lý do vì chu kỳ hạ và giảm lãi suất toàn cầu đang bắt đầu. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu giảm lãi suất từ tháng 6. Bên cạnh đó, có Fed giảm lãi suất sẽ là sự dẫn dắt cho nguồn tiền giá rẻ trở lại TTCK. Với bức tranh vĩ mô sáng, nên nhìn cho 6 tháng cuối năm, sẽ là chân con sóng thăng hoa của TTCK.
Nhiều người vẫn không biết tiền thuế được dùng để làm gì.
Nguồn: [Link nguồn]