Cổ phiếu liên tiếp “lau sàn”, Chủ tịch một công ty dầu khí bị bán giải chấp gần 19 triệu cổ phiếu

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chủ tịch công ty dầu khí vừa bị bán giải chấp gần 18.8 triệu. Nếu tính từ đầu tháng, HOSE đã bán giải chấp hơn 22 triệu cổ phiếu của vị chủ tịch này.

Gần 18.8 triệu cp PSH của ông Mai Văn Huy -  Chủ tịch HĐQT CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu đã bị bán khớp lệnh trên sàn, do công ty chứng khoán bán giải chấp. Với giá trung bình giai đoạn khoảng 4,600 đồng/cp, ước tính giá trị thương vụ khoảng 86 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 4, ông Huy từng có 2 lần bị bán giải chấp, tổng cộng gần 3.6 triệu cp. Như vậy, Chủ tịch PSH đã bị bán giải chấp hơn 22 triệu cp kể từ đầu tháng.

Thị giá PSH lao dốc từ đầu tháng 4 với loạt phiên giảm điểm liên tiếp

Thị giá PSH lao dốc từ đầu tháng 4 với loạt phiên giảm điểm liên tiếp

Việc bị bán giải chấp cổ phiếu của ông Huy diễn ra cùng thời điểm thị giá PSH lao dốc từ đầu tháng 4 với 9 phiên giảm liên tiếp, trong đó có chuỗi 5 phiên “lau sàn”, đưa giá PSH giảm 44% khi kết phiên 16/04 (4,400 đồng/cp). Mã này sau đó bất ngờ tăng trần tại 2 phiên 17/04 và 19/04, rồi lại giảm sàn tại phiên 22/04. Phiên 23/04, giá PSH tiếp tục giảm sàn xuống 4,300 đồng/cp.

Đáng chú ý, thanh khoản ngày 17/04 lên tới hơn 20 triệu cp, nên nhiều khả năng giao dịch bán giải chấp của ông Huy diễn ra trong ngày này.

Thực tế, PSH đang trải qua chuỗi ngày khó khăn sau vụ việc bị cưỡng chế thuế vào cuối năm 2023. BCTC kiểm toán 2023 ghi nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ với một phần nguyên nhân từ việc cưỡng chế thuế này, theo đó cổ phiếu cũng bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 03/04.

Theo công bố BCTC quý 1/2024 của PSH cũng đã hé lộ tình hình chưa có gì khởi sắc. Theo đó, doanh thu thuần của PSH giảm sâu 88%, đạt 476 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng rơi mạnh, nhưng Doanh nghiệp chỉ lãi gộp 22 tỷ đồng, chia gần 17 lần so với cùng kỳ...

Trên thị trường chứng khoán, sau một phiên hồi phục VN-Index lại quay đầu giảm gần 13 điểm trong ngày 23/4 và kết phiên tại mốc 1.177,40 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 12/18 ngành giảm điểm, trong đó ngành bất động sản dẫn đầu đà giảm, theo sau là ngành hóa chất, dịch vụ tài chính,… Ở chiều ngược lại, công nghệ thông tin, bán lẻ, … lại có phiên giao dịch tích cực.

Trước diễn biến của thị trường, các công ty chứng khoán cho rằng, trạng thái giằng co cung-cầu nhiều khả năng vẫn tiếp diễn, tuy nhiên với rủi ro điều chỉnh gia tăng vẫn có phần lấn át hơn.

CTCK KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, sự suy yếu của nhóm cổ phiếu trụ đã tạo áp lực lên thị trường trong phiên chiều hôm nay, thời điểm chứng khoán về tài khoản sau phiên bắt đáy T-2 trước đó, khiến cho VN-Index mở rộng đà giảm điểm về cuối phiên.

Mặc dù lực cầu sau đó gia tăng trở lại ở một vài cổ phiếu trụ giúp cho VN-Index tránh được một phiên giảm sâu, trạng thái giằng co cung-cầu nhiều khả năng vẫn tiếp diễn, tuy nhiên với rủi ro điều chỉnh gia tăng vẫn có phần lấn át hơn.

Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế mua mới, ưu tiên quản trị rủi ro và bán giảm vị thế, cơ cấu lại danh mục trong các nhịp hồi phục.

CTCK Yuanta Việt Nam thì khuyến nghị nhà đầu tư không nên bán tháo ở các nhịp giảm.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta Việt Nam khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán tháo ở các nhịp giảm, dừng bán và nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp hoặc có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp.

“Chúng tôi lưu ý các vị thế mua mới chỉ nên ở tỷ trọng thấp dưới 20% danh mục và tăng dần tỷ trọng nếu xu hướng ngắn hạn của thị trường chung xác nhận tăng” - Yuanta Việt Nam lưu ý.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều nhà đầu tư không khỏi phấn chấn khi loạt cổ phiếu ngành chứng khoán bất ngờ bứt tốc sau khi nhận thông tin tích cực.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN