Cổ phiếu giảm 62% từ đầu tháng, lãnh đạo Hải Phát nói gì?
Tính đến phiên 25/11, cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX) giảm sàn 13 phiên, tương ứng giảm từ 25.000 đồng còn 9.820 đồng/cổ phiểu.
Chốt phiên 25/11, cổ phiếu HPX với thanh khoản vỏn vẹn 8.700 cổ phiếu được giao dịch dù có đến 54,7 triệu đơn vị dư bán giá sàn, đẩy thị giá về còn 9.820 đồng/CP, đồng nghĩa cổ phiếu này giảm tới 62% so với thời điểm đầu tháng 11.
Trước diễn biến trên, ban lãnh đạo Hải Phát vừa có văn bản giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM về tình trạng cổ phiếu sàn liên tiếp trong thời gian gần đây.
Công ty Hải Phát vừa có văn bản giải trình về tình trạng cổ phiếu sàn liên tiếp trong thời gian gần đây
Theo đại diện doanh nghiệp này, hiện tại công ty vẫn hoạt động bình thường, không có thông tin làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. "Giá cổ phiếu giảm là do cung cầu thị trường, yếu tố tâm lý thị trường và một số điều kiện kinh tế làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản, Phó Tổng giám đốc Phạm Huy Thông nhấn mạnh.
Đây là lần thứ hai Hải Phát phải giải trình về tình trạng cổ phiếu lao dốc không phanh, ở văn bản trước đó, lãnh đạo Hải Phát cũng đưa ra lý do tương tự như trên.
Một trong những nguyên nhân góp phần đẩy cổ phiếu HPX liên tục rơi vào cảnh giảm sàn ‘tắt thanh khoản’ HPX là việc các công ty chứng khoán liên tục thông báo bán giải chấp cổ phiếu thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT của Hải Phát.
Mới nhất vào ngày 25/11, Chứng Khoán KB Việt Nam (KBSV) đã thông báo việc bán giải chấp hơn 1,2 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của Chủ tịch Hải Phát, một ngày sau khi thông báo bán giải chấp 1,1 triệu đơn vị của chính ông Hải.
Tương tự, Mirae Asset (MAS) cũng vừa thông báo về việc sẽ bán giải chấp 3,8 triệu cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải. Thời gian thực hiện từ ngày 24/11/2022 đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của MAS.
Trước đó, liên tiếp trong 2 ngày 16/11 và 17/11, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank cùng Công ty Chứng khoán SmartInvest đã ra thông báo bán lần lượt 2,3 triệu và 1,7 triệu cổ phiếu HPX của ông Hải. Bên cạnh đó, vào ngày 18/11, Chứng khoán MBS cũng đã bắt đầu bán giải chấp 15,1 nghìn cổ phiếu HPX thuộc sở hữu của bà Chu Thị Lương, vợ của Chủ tịch Đỗ Quý Hải.
Ở một diễn biến liên quan, vào ngày 15/11, ông Đỗ Quý Hải đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu HPX. Em trai ông Hải là Phó Tổng giám đốc Đỗ Quý Thành cũng đăng ký mua 5 triệu đơn vị. Các giao dịch đều được thực hiện bằng phương pháp khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 18/11 đến 16/12.
Về tình hình kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu hợp nhất của Hải Phát đạt 1.307,76 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 123,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 30,26% và giảm 35,4% so với cùng kỳ 2021, mới chỉ hoàn thành tương ứng 43,4% và 27,4% kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận đề ra tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng Tư vừa qua.
Tính tới cuối quý 3/2022, quy mô tài sản của HPX ở mức 10.285,7 tỷ đồng, tăng 7,4% so với đầu năm. Tổng nợ phải trả là 6.651,2 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính chiếm đến 4.754 tỷ đồng, tương đương 46,2% tổng nguồn vốn và cao hơn vốn chủ sở hữu 30,8%.
VN-Index vừa trải qua 1 tuần giao dịch giằng co, rung lắc khi chỉ số chính liên tục dao động trong biên độ lớn.
Kết thúc tuần giao dịch (21-25/11), VN-Index tăng 2,1 điểm (+0,2%) lên 971,46 điểm, HNX-Index tăng 5,9 điểm (+3,1%) lên 196,77 điểm. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 12,5% so với tuần trước đó xuống 51.360 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 16% xuống 3.208 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 14,9% so với tuần trước đó xuống 3.944 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 21,2% xuống 342 triệu cổ phiếu.
Các chuyên gia khuyến nghị, ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn
Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán thời điểm này, ông Hoàng Công Tuấn, Chuyên gia MBS khuyến nghị, ở thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn, tập trung vào doanh nghiệp cốt lõi có kết quả kinh doanh vững chắc và có định giá rẻ, đặc biệt là những doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt.
"Nếu nhà đầu tư vẫn giữ tâm lý bi quan thì nhiều khả năng sẽ mất đi cơ hội lấy lại những gì đã mất", ông Tuấn cho biết.
Đặc biệt, trong bối cảnh lãi suất tăng mạnh như hiện nay, giới phân tích cho rằng,lợi nhuận kỳ vọng đối với thị trường chứng khoán sẽ khó vượt trội trong năm 2022.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), từ đầu năm tới nay, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức tăng 150- 200 điểm cơ bản. Tại những ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ, mức tăng lãi suất có thể lên đến 250 điểm đạt từ 8,5%-9% cho kỳ hạn trên 12 tháng...
“Tiền gửi tiết kiệm vốn đã là kênh đầu tư truyền thống được người dân ưa thích cho khoản tiền nhàn rỗi, thì nay lại càng hấp dẫn hơn khi nhiều ngân hàng tăng lãi suất huy động trong khi các kênh đầu tư khác tiềm ẩn rủi ro.
Việc lãi suất đầu vào tăng nhanh lên mức cao là thông tin kém tích cực đối với nền kinh tế và đây cũng là điều các nhà đầu tư cần suy xét và tính đến” – VCBS lưu ý.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cũng cho rằng, do VN-Index vẫn đang trong kênh downtrend (Giai đoạn giá chứng khoán có xu hướng giảm, thường là vài tháng) nên giai đoạn hiện tại vẫn có thể xuất hiện những biến động mạnh (rơi sâu và có những đợt hồi phục mạnh) trước khi giao dịch chặt chẽ lại và bước vào giai đoạn tăng giá mới.
“Do đó, nhà đầu tư cũng không nên tham gia vào thị trường với tỷ trọng lớn trong giai đoạn này và tránh mua đuổi theo hưng phấn trong các phiên tăng”, SHS khuyến nghị.
Nhiều nhà đầu tư vào sóng đất nền thời điểm đầu năm, nay đang rơi vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở”, bởi bán không ai mua, trong khi áp lực trả gốc và lãi vay ngân hàng...
Nguồn: [Link nguồn]