Chuyên gia “hiến kế” giúp ổn định thị trường chứng khoán
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết: Chính phủ, bộ ngành cần sớm giải quyết nhanh nhất có thể những vụ việc “lùm xùm” về TPDN vừa qua để các nhà đầu tư an tâm hơn.
Chia sẻ với báo chí, TS Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam giảm mạnh bậc nhất thế giới đòi hỏi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, đảm bảo an toàn hệ thống để ổn định tâm lý nhà đầu tư.
Theo đó, từ đầu năm nay đến hết tháng 10/2022, chỉ số VNIndex giảm từ mức khoảng 1500 điểm xuống 1027.36 điểm (-32%), cao hơn nhiều so với mức giảm của chứng khoán Mỹ (S&P 500, giảm -20%), Châu Âu (Euro Stoxx600, -14%), Châu Á (MSCI Asia, -29%). Điều này cho thấy mức độ rủi ro của TTCK Việt Nam là cao hơn so với các TTCK quốc tế.
Tính từ đầu năm nay đến hết tháng 10/2022, chỉ số VNIndex giảm 36 điểm (-32%)
“Có thể nói, sự sụt giảm của TTCK trong nước có vẻ trái ngược với diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2022, khi tăng trưởng GDP đạt mức cao (khoảng 8%). Theo dự báo của chúng tôi, tăng trưởng GDP cả năm 2022 của Việt Nam có thể đạt 7,9–8,1% và tăng trưởng năm 2023 có thể đạt mức 6–6,5%), lạm phát kiểm soát ở mức thấp (CPI bình quân tăng khoảng 3,3%) so với thế giới (8,8%).
Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam bình quân 10 tháng đầu năm khá ổn định, chỉ tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước và cả năm 2022 dự báo khoảng 3,3-3,5%... Bên cạnh đó, Báo cáo tài chính quý 3 đã công bố cho thấy lợi nhuận trước thuế của 200 doanh nghiệp lớn nhất trên TTCK Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 22% so với cùng kỳ). Việc sụt giảm mạnh như vậy, đã khiến nhà đầu tư trở nên mất niềm tin vào thị trường” - TS Cấn Văn Lực nói.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, việc sụt giảm như vậy có những nguyên nhân khách quan và chủ quan: Thứ nhất, sau giai đoạn tăng nóng, xu hướng chung sẽ điều chỉnh giảm; Thứ hai, rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu tác động đến Việt Nam gia tăng; Thứ ba dòng tiền vào TTCK sụt giảm; Thứ tư là áp lực giải chấp khiến niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, nhất là sau những sai phạm bị khởi tố của các doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản.
Để “giải cứu” TTCK, theo vị chuyên gia này, trước mắt các cơ quan chức năng cần có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp, tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, vàng, xăng dầu…). Tiếp tục dùng chính sách tài khóa chủ lực (chủ yếu là giảm thuế, phí) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp.
Việc hoàn thiện và thực thi thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường. Nhất là thị trường vốn, thị trường BĐS, khơi thông mạnh nguồn vốn cổ phiếu, TPDN theo tinh thần của Nghị quyết 86/2022, Nghị định 65/2022 và các Chỉ thị 13/2022, Chỉ thị 15/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
“Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên TTCK… Có như vậy, dòng tiền mới trở lại TTCK-kênh dẫn vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế” ông Lực nhấn mạnh.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch không mấy tích cực khi VN-Index tiếp tục giảm hơn 8 điểm kết thúc phiên 22/11. Hàng loạt nhóm ngành "đầu tàu" như Bất động sản, Ngân hàng, Chứng khoán đồng loạt giảm điểm trước áp lực chốt lời.
Trước diễn biến của thị trường, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư đã bắt đáy thành công, chủ động hiện thực hóa lợi nhuận từng phần để quản trị tối đa rủi ro trong ngắn hạn.
Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán BSC, mặc dù phiên giao dịch ngày 22/11 thị trường giảm điểm với thanh khoản lớn nhưng VN-Index vẫn giữ được ngưỡng hỗ trợ 950 điểm. Trong ngắn hạn, BSC cho rằng thị trường vẫn sẽ tiếp tục giằng co trong vùng điểm 950 - 970 trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư thực hiện chốt lời sau hai phiên hồi phục mạnh mẽ tuần trước, đối lập với lực cầu bắt đáy tại ngưỡng 950 điểm.
Tương tự, theo Công ty Chứng khoán SHS giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn thị trường có những biến động mạnh, nhà đầu tư không nên tham gia vào thị trường với tỷ trọng lớn và tránh mua đuổi theo hưng phấn.
Trong bối cảnh cổ phiếu giảm giá và nhà đầu tư miệt mài bán ra, nhiều sếp lớn doanh nghiệp lại mạnh tay chi tiền tỷ gom mua cổ phiếu doanh nghiệp mình.
Nguồn: [Link nguồn]