Chứng khoán Việt hậu “lên đồng”: Liệu có xảy ra “bong bóng”?
Giám đốc phòng Phân tích của công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, TTCK Việt Nam đã bước vào giai đoạn "không còn rẻ", rất khó chọn cổ phiếu để đầu tư.
Sau nhiều tháng liên tiếp tăng điểm như "lên đồng", chỉ số Vn-Index liên tiếp phá đỉnh giá trị của chính mình, báo chí dùng nhiều lần cụm từ "chưa từng có trong lịch sử" để nói về thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam những ngày qua, đến ngày 7/6/2021, tình trạng này đã có dấu hiệu "hạ nhiệt".
PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phòng Phân tích của công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam về động thái này.
Thưa ông, chỉ số VN-Index đã giảm về mức 1.358,78 điểm. Trước đó, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (5/6/2021), chỉ số này đạt 1.374,05 điểm, là mức cao nhất trong lịch sử, với kỷ lục mới về thanh khoản (31.308 tỷ đồng trên sàn HOSE) và giá trị giao dịch (gần 39.000 tỷ đồng). Ông bình luận gì về diễn biến này?
Ông Nguyễn Thế Minh: Sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến TTCK Việt Nam phát triển sôi động đến mức này.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá trị giao dịch trên hai sàn HOSE và HNX dần nhích từ 15.000 đến 18.000 rồi 20.000, 27.000, 30.000 tỷ đồng và đang hướng tới con số 40.000 tỷ đồng. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, con số này luôn đạt trên 20.000 tỷ đồng/phiên, gấp khoảng 4 lần cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, từ đầu tháng Sáu, giá trị thanh khoản của nhiều phiên đã vượt qua con số 1 tỷ USD. Với con số này, chứng khoán Việt Nam tuy còn cách xa Thái Lan (2,5 tỷ USD) song thật sự đã vượt qua Singapore và bỏ xa Philippines.
TTCK Việt Nam vừa trải qua một phiên "điều chỉnh hợp lý".
Vào hôm 3/6, khi Vn-Index chạm đến mốc 1.364 điểm, mức target mà Yuanta Việt Nam dự báo cao nhất trong năm nay, tôi đã phân tích rằng, thị trường chứng khoán Việt đã bước qua giai đoạn "rẻ" để chuyển sang giai đoạn "không còn rẻ".
Đối với nhà đầu tư thì xu hướng này có tích cực không?
Ông Nguyễn Thế Minh: Hiện tại thì thị trường vẫn duy trì dấu hiệu tích cực, chưa có sự thay đổi đáng kể, dòng tiền vẫn đang lan toả vào thị trường và lan toả đều chứ không chỉ tập trung ở nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn như ngân hàng, thép... Tuy nhiên, do đã bước vào giai đoạn "không còn rẻ" nên việc lựa chọn cổ phiếu nào để đầu tư thời điểm này trở nên khó hơn đối với nhà đầu tư.
Có ý kiến cho rằng khi TTCK tăng trưởng quá nóng rất dễ dẫn đến hiện tượng "bong bóng", không phản ánh đúng thực chất tăng trưởng kinh tế. Áp vào giai đoạn hiện tại, quan điểm của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Thế Minh: Tôi cho rằng thị trường đang ở mức định giá hợp lý. Thông thường sẽ có 3 giai đoạn: Rẻ, không còn rẻ và cuối cùng là “bong bóng”. Khi chỉ số P/E (chỉ số thị giá cổ phiếu (Price)/thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)) ở mức 18 lần trở lên là cảnh báo "bong bóng", hiện tại chỉ số này cũng đã chạm mức 18 nhưng sức khoẻ nền kinh tế vẫn tương đối tốt nên chưa chắc đã bước vào giai đoạn “bong bóng” mà chỉ đang ở giai đoạn "không còn rẻ”.
Tuy nhiên, một điểm trừ của TTCK giai đoạn này là hiện tượng xả ròng của khối ngoại diễn ra suốt từ cuối năm 2020 đến nay. (Trong vòng 6 tháng đầu năm nay, khối ngoại liên tục xả ròng hơn 25.000 tỷ đồng - PV). Dù vậy, việc khối ngoại xả ròng không gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường bởi nó chỉ chiếm khoảng 9% tổng giá trị giao dịch. Hiện dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đang quá lớn, chiếm tới hơn 90%.
Sở dĩ hơn 90% dòng vốn nội nằm trong tay nhà đầu tư cá nhân là vì thời gian gần đây có sự nhập cuộc quá mạnh mẽ của lớp nhà đầu tư cá nhân mới (F0). Theo ông, điều này có hoàn toàn tốt hay không?
Ông Nguyễn Thế Minh: Theo trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), có tới 113.674 tài khoản chứng khoán được mở mới trong tháng 5/2021, trong đó có 113.543 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân, phá các kỷ lục được xác lập trước đó. Đến cuối tháng 5/2021, số tài khoản chứng khoán trên thị trường Việt Nam đạt hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,2% tổng dân số.
113.674 tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân được mở trong tháng 5/2021, con số cao nhất trong lịch sử TTCK Việt Nam từ trước đến nay.
Việc nhiều nhà đầu tư cá nhân mở tài khoản đầu tư chứng khoán là tín hiệu đáng mừng đối với tương lai của TTCK Việt Nam. Nhưng để thị trường phụ thuộc vào nhà đầu tư cá nhân cũng tiềm ẩn rủi ro. Bởi, không giống nhà đầu tư tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư cá nhân trong nước thường có tâm lý kém vững vàng, dễ bán ra khi giá cổ phiếu giảm và ồ ạt mua vào khi tăng giá. Đặt giả thiết khi thị trường giảm, phản ứng của nhà đầu tư cá nhân sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường chung.
Theo ông, việc khối ngoại bán ròng từ 2020 dến nay xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Ông Nguyễn Thế Minh: Hiện tại chưa có sự giải thích chính xác. Nhưng theo tôi có một lý do có thể tạm chấp nhận được là: Do các nước phát triển vốn rất mạnh về nguồn ngân sách, tung ra nhiều gói hỗ trợ nền kinh tế trong đó có hỗ trợ doanh nghiệp, cho nên khả năng hồi phục sau Covid-19 của họ mạnh hơn so với nước nghèo và các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Bởi thế, họ chớp cơ hội đầu tư vào chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2020 và hiện tại, thị trường chứng khoán của chúng ta đang tăng trưởng bất chấp Covid-19, họ liền bán mạnh để chốt lời.
Ông dự báo thế nào về thị trường trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Thế Minh: Như đã nói, sức khoẻ nền kinh tế hiện tại tuy phát triển bị chậm lại nhưng vẫn tương đối tốt. Thị trường của chúng ta phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu. Năm ngoái xuất khẩu bị giảm do dịch Covid-19 làm gián đoạn. Theo tôi vào nửa cuối năm nay xuất khẩu sẽ được cải thiện.
Một điểm cộng nữa là trước đây chỉ số ROA (tỉ số lợi nhuận trên tài sản - PV) của ta thường thấp nhất khu vực do những năm trước sử dụng các công cụ đòn bẩy lớn quá không tương xứng với tổng tài sản, thì hiện nay ROA đang cao nhất khu vực, cho thấy chúng ta đang rất hiệu quả trong sử dụng nguồn vốn của mình.
Khả năng chúng ta sẽ vẫn đạt GDP khoảng 6,5% trong năm 2021.
Xin cảm ơn ông!
Chứng khoán ngày 7/6: Đồng loạt "hạ cánh mềm" Chốt phiên, sàn HOSE có 157 mã tăng và 265 mã giảm, VN-Index giảm 15,27 điểm (tương đương giảm 1,11%), xuống 1.358,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 876,69 triệu đơn vị, giá trị thanh khoản đạt 28.922,37 tỷ đồng, giảm lần lượt 6,76% và 7,13% so với phiên 4/6. Sàn HNX khi đóng cửa có 102 mã tăng và 119 mã giảm, HNX-Index giảm 11,13 điểm (tương đương 3,38%) xuống 318,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 224 triệu đơn vị, giá trị thanh khoản 5.459,46 tỷ đồng. Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,53 điểm (1,69%) xuống 89,06 điểm, với 157 mã tăng và 146 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 108,63 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.973 tỷ đồng. Theo giới phân tích, mặc dù tổng thể thị trường chưa quá xấu nhưng sự "hạ nhiệt" này cho thấy các nhà đầu tư đã có những quan ngại nhất định về diễn biến thị trường. Tuy nhiên, do cung thắng cầu ở mức chênh lệch không quá lớn nên đã không xảy ra tình trạng bán tháo ồ ạt mọi mã mà tạo một nhịp "hạ cánh mềm" của các mã nóng theo cách khá an toàn. Đặc biệt, lực cầu vẫn xuất hiện mạnh ở 3 nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán và thép, phản ánh xu hướng kỳ vọng của nhà đầu tư rằng các mã thuộc 3 nhóm này sẽ còn tăng. Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: "Thị trường chứng khoán đồng loạt giảm điểm mạnh sau chu kỳ tăng trưởng vừa qua. Nhưng chúng tôi đánh giá đây chỉ là nhịp điều chỉnh bình thường của xu hướng tăng và sau quá trình điều chỉnh sẽ tiếp tục chinh phục các vùng cao mới..." |
Không khí chốt lời đã lan ra toàn thị trường chứng khoán khiến VN-Index rớt điểm thê thảm.
Nguồn: [Link nguồn]