Chứng khoán lao dốc thảm trước lo ngại tiền sẽ đổ vào ngân hàng khi lãi suất tăng
Trong 2 ngày qua, liên tiếp các thông tin về điều chỉnh lãi suất huy động được nhiều ngân hàng thương mại công bố.
Lực bán diễn ra mạnh mẽ tại nhóm ngân hàng khiến Vn-Index đổ đèo ngay từ đầu phiên. Các cổ phiếu ngân hàng kéo VN-Index giảm điểm nhiều nhất có VCB (giảm 1,4%), BID (2,2%), VPB (2,3%), ngoài ra còn CTG (2,2%), MBB (2,4%) và TCB (1,9%).
Một số mã khác trong nhóm này cũng chìm trong sắc đỏ như STB, SHB, TPB, LPB, MSB, ACB... và chỉ có VBB cùng EIB giữ được mốc tham chiếu.
Bên cạnh đó, hầu hết các nhóm ngành đều lao dốc khá mạnh, như: chứng khoán, chế biến thủy sản, bán lẻ, thiết bị điện, khai khoáng…
Đà giảm kéo dài xuyên suốt phiên giao dịch.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/9, VN-Index để mất mốc 1.200 điểm khi giảm 28,93 điểm (2,4%), còn 1.174,35 điểm, HNX-Index giảm 8,76 điểm (3,31%) còn 255,68 điểm, UPCoM-Index giảm 1,91 điểm (2,15%) đạt 86,68 điểm.
Sắc đỏ và xanh sàn chiếm ưu thế chủ đạo trong hầu hết phiên giao dịch
Lực cầu mạnh hơn vào phiên chiều khiến giá trị giao dịch tăng vọt về cuối phiên. Giá trị giao dịch đạt gần 19,7 nghìn tỷ đồng.
Trụ đỡ của thị trường phiên này tiếp tục là GAS khi cổ phiếu này mang về cho chỉ số chính gần 0,54 điểm. Ở chiều ngược lại, CRG lấy đi của Vn-Index 1,73 điểm.
Việc lao dốc của thị trường chứng khoán được cho là do nhà đầu tư lo ngại trước quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước.
Ngay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp thêm 0,75 điểm phần trăm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng lập tức tăng lãi suất điều hành.
Việc Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất được cho là sẽ ảnh hưởng đáng kể đến dòng tiền vào chứng khoán vốn đã ảm đạm thời gian gần đây. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HOSE chỉ đạt hơn 11.900 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước. Đây là mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm 2021, chỉ sau giai đoạn thị trường xuống đáy hồi tháng 7.
Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng được dự báo sẽ tiếp tục gặp khó khi thanh khoản thị trường ngày càng giảm do tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ. Cùng đó, chi phí vốn gia tăng và tăng trưởng tín dụng hạn chế cũng sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các nhà băng trong ngắn hạn.
Nhà đầu tư lo ngại tiền sẽ đổ vào ngân hàng
Và nhiều ý kiến càng trở nên đáng lo ngại khi trong 2 ngày qua, liên tiếp các thông tin về điều chỉnh lãi suất huy động được nhiều ngân hàng thương mại công bố. Tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến 5 tháng cũng được điều chỉnh tăng lên mức 5%/năm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã tăng mạnh lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Khách hàng gửi tiền tại VPBank kỳ hạn từ 2 đến 5 tháng sẽ được hưởng mức lãi suất kịch trần là 5%/năm với khoản tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên, tăng đến 1%/năm so với trước đó. Còn với khoản tiền gửi từ 3 đến dưới 10 tỷ đồng, lãi suất là 4,9%/năm; gửi từ 300 triệu đến dưới 3 tỷ đồng, lãi suất 4,8%/năm.
Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại VPBank cũng tăng 0,5-0,6%/năm so với trước, dao động từ 6,4-7,2%/năm tùy theo giá trị khoản gửi.
Đáng chú ý, lãi suất cao nhất được VPBank niêm yết là 7,7%/năm dành cho khách hàng gửi từ 50 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 36 tháng.
Nguồn: [Link nguồn]
Căn Penthouse tại toà chung cư cao nhất thế giới vừa được chào bán với mức giá khiến nhiều người choáng ngợp