Chứng khoán ghi nhận mức giảm chưa từng có trong lịch sử, nhà đầu tư "khóc ròng" cắt lỗ
Nhà đầu tư vừa trải qua 6 tiếng "đau tim" khi có những thời điểm thị trường chứng khoán rơi điểm mạnh nhất trong lịch sử.
Kết phiên giao dịch 12/7, VN-Index giảm 50,84 điểm (3,77%) xuống 1.296,3 điểm, HNX-Index giảm 4,48% xuống 292,98 điểm, UPCoM-Index giảm 3,67% còn 83,89 điểm.
VN-Index giảm 50,84 điểm (3,77%) xuống 1.296,3 điểm.
Trái ngược với sự lao dốc của điểm số, hôm nay thanh khoản tăng phi mã sau chuỗi ngày giảm mạnh. Cả phiên khối lượng giao dịch đạt hơn 37 nghìn tỷ đồng, tương đương với khối lượng hơn 1,2 triệu cổ phiếu khớp lệnh.
VN-Index có thời điểm rơi hơn 80 điểm, mức giảm chưa từng có trong lịch sử tuy nhiên dòng tiền bắt đáy nhập cuộc khiến chỉ số thu hẹp đà giảm và tạo thành cây nến rút chân ở cuối phiên.
VIC, VHM và VPB là những mã tác động nhiều nhất tới thị trường chứng khoán khi lấy đi của VN-Index lần lượt 4,1; 3,9 và 3 điểm.
Ngoài ra, sắc đỏ gần như phủ bóng lên tất cả các nhóm ngành. Trong đó, nhóm ngân hàng và bất động sản là hai ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index, lần lượt lấy đi 22,7 và 10,1 điểm của chỉ số.
Trong nhóm VN30, 3 cổ phiếu rơi vào trạng thái giảm sàn trắng bên mua là CTG, SBT và VPB. Bên cạnh đó, các cổ phiếu như BID, TCH, POW, SSI, TCB, TPB, BVH... đều giảm trên 5%. Số ít mã giữ được sắc xanh trong rổ như MSN, NVL, VJC và MWG.
Sắc đỏ gần như phủ bóng lên tất cả các nhóm ngành.
Có thể thấy sau chuỗi ngày nhà đầu tư do dự quan sát, hôm nay dòng tiền bắt đáy nhập cuộc mạnh mẽ bởi nhiều mã cổ phiếu được nhận định đã về mốc giá cực hợp lý. Hôm nay thị trường chứng kiến một phiên bùng nổ khối lượng, HPG khớp lệnh hơn 75,5 triệu cổ phiếu, STB khớp lệnh 62,6 triệu cổ phiếu, TCB khớp lệnh 58,2 triệu cổ phiếu, MBB giao dịch 34,5 triệu cổ phiếu, CTG, SSI, VPB giao dịch hơn 20 triệu cổ phiếu.
Với đà giảm của ngày hôm nay, tài sản của nhiều tỷ phú trên sàn chứng khoán giảm mạnh. Đơn cử như vị tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng, với việc VIC mất 4,24% giá trị, tài sản của vị tỷ phú này đã mất tới hơn 8.800 tỷ đồng.
Tài sản của nhiều tỷ phú bốc hơi.
Tỷ phú Trần Đình Long cũng tương tự khi tài sản mất đi hơn 2 nghìn tỷ đồng. Tỷ phú Hồ Hùng Anh và tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cũng mất tới hơn 121,8 tỷ đồng và 29 tỷ đồng vì TCB giảm giá.
Nhiều nhà đầu tư cũng "khóc ròng" phải bán tháo cổ phiếu vì không "gồng" nổi lỗ trong phiên hôm nay.
Ở chiều ngược lại, mặc dù nhiều nhà đầu tư cá nhân cắt lỗ, song cầu bắt đáy tăng khá mạnh đặc biệt về cuối phiên, đa phần đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Hôm nay cũng là phiên được coi như "bắt được vàng" của rất nhiều nhà đầu tư khi bắt đáy không ít mã cổ phiếu tiềm năng. Nhiều ý kiến cho rằng thị trường đang ở vùng giá rất tốt là cơ hội hiếm có để bổ sung thêm những mã cổ phiếu tiềm năng.
Có thể thấy đây vẫn là thời điểm khá nhiều rủi ro khi thị trường liên tục có những thông tin tích cực cũng như tiêu cực tác động như: diễn biến dịch Covid-19, thông tin kinh tế, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp... Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên quản lý vị thế tài khoản, nếu dùng margin cao thì nên xem xét bán hạ tỷ lệ ở các nhịp hồi phục. Làm tư tưởng tâm lý để tránh hoảng loạn bởi xu hướng trung hạn của thị trường là tăng điểm, đây chỉ là một nhịp điều chỉnh cho xu hướng trung hạn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng nên đánh giá nền tảng kết quả kinh doanh của danh mục cổ phiếu đang nắm giữ để đưa ra phương án tái cơ cấu danh mục. Bán các cổ phiếu có tính đầu cơ cao hoặc nền tảng cơ bản không tốt, ngược lại ưu tiên nắm giữ và mua vào thêm đối với các cổ phiếu có dự báo kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng loạt cổ phiếu lớn tiếp tục bị bán mạnh và gây áp lực lên các chỉ số.