Chuẩn bị chi cả chục nghìn tỷ cho cổ đông, đại gia dầu khí làm ăn ra sao?
PV GAS sẽ trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 60%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 6.000 đồng.
Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP PV GAS mới công bố nghị quyết HĐQT về việc thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền cho năm 2023.
Theo đó, PV GAS sẽ trả cổ tức năm 2023 tỷ lệ 60%, tương đương cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 6.000 đồng. Với khoảng gần 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp cần chi khoảng hơn 13.780 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Trong đó, hầu hết số tiền (hơn 13.200 tỷ đồng) sẽ chảy về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) – công ty mẹ của GAS, hiện đang sở hữu tới 95,76% vốn điều lệ Doanh nghiệp.
Thời gian bắt đầu chi trả là từ 14/10 – 29/11/2024.
PV GAS thông qua kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền cho năm 2023
Thực tế, 60% là mức cổ tức kỷ lục của GAS (các năm trước chỉ khoảng 30 - 35%), cao gấp 3 lần tỷ lệ được đưa ra tại ĐHĐCĐ 2023, và được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Doanh thu toàn Tổng công ty trong 6 tháng đầu năm đã đạt 111% kế hoạch quản trị, tăng 12% so với cùng kỳ và xếp thứ 2 trong Tập đoàn. Lợi nhuận trước thuế đạt 129% kế hoạch quản trị 6 tháng và xếp thứ 3 trong Tập đoàn.
Trên thị trường chứng khoán, phiên giao dịch hôm nay 15/7, cổ phiếu GAS tăng 0,38%, chốt phiên ở mức 78.300 đồng/cổ phiếu.
Phiên tăng giá hôm nay của GAS đã phá vỡ chuỗi ba phiên liên tiếp đi xuống trước đó của cổ phiếu này. GAS tăng giá trong bối cảnh Vn-Index vẫn hưa dứt đà giảm.
Dù VN-Index sớm khởi sắc trở lại trong phiên giao dịch hôm nay sau 3 phiên giảm nhẹ cuối tuần trước nhưng chỉ số này vẫn chưa thể giữ vững được đà tăng. Dòng tiền dù tham gia hạn chế nhưng vẫn không ngừng vận động qua các nhóm ngành và trong phiên sáng nay, các cổ phiếu bất động sản là điểm đến của thị trường.
Sự thận trọng của cả bên mua và bán đã khiến thị trường duy trì trạng thái tăng nhẹ trong thời gian còn lại của phiên sáng và vài chục phút buổi chiều trước khi quay đầu giảm nhẹ cho đến hết phiên hôm nay.
Bất động sản tiêu cực, nổi bật nhất là bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup như VIC (-0,96%), VHM (-1,3%) và VRE (-1,96%). Ở nhóm ngân hàng phân hóa với MBB, CTG, HDB... tăng còn chiều giảm có VCB, TCB, BID, VPB... Chứng khoán, công nghệ thông tin đều có diễn biến kém sôi động khi cả 3 nhóm này đều có chỉ số trung bình giảm.
Kết quả phiên giao dịch ngày 15/7, VN-Index VN-Index giảm 0,93 điểm, tương đương 0,07% xuống 1.279,82 điểm. HNX-Index giảm 0,18 điểm (0,07%), còn 244,84 điểm. UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,23%), xuống 97,92 điểm.
Thị trường chưa dứt đà giảm
Thanh khoản tiếp tục tụt dốc. Tổng giá trị giao dịch chỉ còn hơn 16,2 nghìn tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có 162 mã tăng và 262 mã giảm, 86 mã đứng giá.
Khối ngoại hôm nay bán ròng hơn 1,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, trong đó tập trung vào HDB (406 tỷ), STB (326 tỷ), SAB (179 tỷ), SCS (118 tỷ)...
GVR tiếp tục là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số chính khi mang về cho Vn-Index 0,59 điểm. Ở chiều ngược lại, VHM lấy đi của Vn-Index 0,52 điểm.
Ông Đỗ Thanh Sơn, Trưởng phòng tư vấn đầu tư Chứng khoán Mirae Asset cho biết, thị trường hồi phục trong tâm lý giằng co, cần thêm cơ sở để đánh giá thị trường.
Song, về dài hạn, nền tảng thị trường vẫn có tín hiệu tích cực: Chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa vẫn ủng hộ tối đa cho tăng trưởng kinh tế; Tiềm năng thu hút dòng vốn ngoại vẫn còn kỳ vọng: chấp nhận điều khoản pre-funding (yêu cầu ký quỹ trước), nâng hạng FTSE (FTSE Russell); Định giá toàn thị trường vẫn rẻ so với khả năng sinh lợi ROE (lợi nhuận trên vốn).
Nhà đầu tư nên tập trung vào các cơ hội triển vọng cuối năm 2024 và quản trị danh mục với tỷ trọng phân bổ hợp lý, hơn là dự đoán thị trường tăng giảm. Mùa kết quả kinh doanh bán niên 2024 đang dần lộ diện, nhà đầu tư cần lựa chọn một cách tập trung và có chọn lọc.
Nguồn: [Link nguồn]
Đất nước này có phần lớn diện tích là đồi núi song kinh tế vẫn rất giàu có.